Scotland vừa giành quyền dự VCK một giải đấu lớn, lần đầu tiên trong thế kỷ 21. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ thấy giá trị lịch sử trong chiến tích vừa qua của Andrew Robertson và đồng đội. Nhưng tất nhiên, nói đến Robertson thì ai cũng phải nghĩ ngay đến giá trị của anh trong loại hình bóng đá cao cấp hơn, diễn ra hàng tuần chứ không phải lâu lâu mới có một trận như các ĐTQG. Robertson từ lâu đã được xem là một trong những hậu vệ trái xuất sắc nhất thế giới. Anh là nguyên nhân quan trọng giúp Liverpool liên tiếp vô địch Champions League 2018/19 và Premier League 2019/20.
Từ đâu ra một Robertson xuất sắc và quan trọng như thế? Xin thưa: từ những chỗ tận cùng của sự thất vọng. Từ “cuộc sống rác rưởi” ở tuổi 18 - như chính Robertson từng viết trên mạng xã hội, hồi năm 2012.
Vài năm trước đó, ở tuổi 15, Robertson đã bị chê về thể hình nhỏ thó và bị gạt khỏi hệ thống đào tạo trẻ của CLB Celtic. Anh đến với Queen’s Park - một đội hạng Tư của Scotland, không đủ tiền trả lương. Để có tí đồng ra đồng vào, Robertson phải phụ việc cho LĐBĐ Scotland, theo sự giới thiệu “cần tìm việc làm” của Queen’s Park. Anh được giao một chân nghe điện thoại và ghi sổ khi có người đặt vé ở SVĐ Hampden Park. Công việc tưởng là phụ này hóa ra lại ngốn phần lớn thời gian của Robertson. Anh phải là việc suốt ngày, chỉ tập và chơi bóng cùng Queen’s Park vài buổi tối mỗi tuần.
Chủ yếu là vì niềm vui? Không hề. Đấy là sự cố gắng, và đấy có vẻ là đặc điểm lớn nhất, tạo ra mọi sự thành công cho Robertson sau này. Dù chỉ đá ở một đội hạng Tư và không được trả lương, Robertson vẫn luôn nỗ lực tối đa khi ra sân. Anh là cầu thủ thi đấu nhiều nhất, ổn định nhất trong đội hình Queen’s Park. Phần thưởng đầu tiên: Robertson lọt vào “mắt xanh” của Jackie McNamara - HLV đội Dundee United, ở giải Ngoại hạng Scotland.
Những bước tiến lớn lao sau này, ngẫm kỹ thì cũng phảng phất đặc điểm tương tự. Nỗ lực tột bậc và sự tự tin thể hiện khả năng của mình đã giúp Robertson lần lượt nhảy vọt sang giải Ngoại hạng Anh, lọt vào hàng ngũ Liverpool, và nhanh chóng trở thành thủ lĩnh sau khi lọt vào đội tuyển Scotland.
Tất nhiên, cũng dễ hiểu khi chẳng mấy ai quan tâm những nỗ lực tuyệt vời của Robertson ở Dundee (trước khi sang Hull) hoặc ở Hull (trước khi sang Liverpool). Trừ giới chuyên môn hoặc những người trong cuộc! Robertson không có vẻ hào nhoáng bên ngoài, không phải là ngôi sao trên mặt báo. Những người hâm mộ trung bình thậm chí đã đi từ cảm giác ngạc nhiên, đến thái độ chế diễu, khi họ không hiểu vì sao HLV Juergen Klopp lại rước hậu vệ cánh Robertson, từ một đội bóng... rớt hạng (Hull City) hồi năm 2017!
Tự biết rõ bản thân không thuộc mẫu ngôi sao “thu hút like, view”, Robertson đã xin một chiếc áo có chữ ký của Roberto Firmino để làm quà tặng cho một cậu bé đã hiến trọn số tiền để dành của mình cho tổ chức Ngân hàng thực phẩm.
Robertson - bản thân anh cũng đóng góp rất tích cực cho Ngân hàng thực phẩm cũng như các chương trình từ thiện khác - giải thích với cậu bé kia: “Chẳng ai thích sở hữu áo của một hậu vệ trái. Vậy nên tôi tặng cho cậu chiếc áo của Firmino nhé”. Có vẻ như đấy cũng là câu chuyện nói lên đặc trưng của Robertson. Anh rất xuất sắc, rất thành công, nhưng đấy là thành công “thầm lặng” hơn là rực sáng, và đấy là thành quả từ sự cố gắng của bản thân, không phải thiên tài.
Vì thua Liverpool 1-3, theo hình ảnh bị đàn áp, HLV Jose Mourinho bị M.U sa thải giữa mùa bóng 2018/19. Vậy mà Mourinho vẫn phải hết lời khen ngợi Robertson - cầu thủ gián tiếp khiến ông bị đuổi. Mourinho nói: “Tôi thật sự mệt mỏi chỉ vì xem Robertson chơi bóng. Anh ta chạy liên tục, bứt tốc liên tục. Xem còn không kịp, nữa là đối đầu trên sân”! Không phải nói thêm: chạy liên tục, công thủ toàn diện, tích cực pressing tầm cao - đấy đều là những yếu tố cốt lõi trong lối chơi của Liverpool.
Nỗi lo của Robertson
Andrew Robertson không có tên trong danh sách 5 cầu thủ ĐT Scotland sút bóng đầu tiên ở loạt luân lưu 11m với Serbia vừa qua. Anh nghĩ mình sẽ là cầu thủ tiếp theo phải sút bóng, nếu vẫn hòa sau 5 quả đầu. Đấy là một nỗi lo lớn, vì Robertson khi ấy đang cảm nhận vài cơn đau và nghĩ rằng gây kheo của mình “đã trục trặc”. Anh rất sợ sút hỏng trong tình trạng không hoàn hảo như vậy, và trở thành tội đồ. Tất nhiên, Robertson chỉ tiết lộ điều này sau khi Scotland đã thắng.
Robertson là hậu vệ trái cổ điển
Ai cũng cho rằng Liverpool thành công trong 3 mùa bóng vừa qua nhờ cặp hậu vệ cánh tấn công quá xuất sắc. Kỳ thực, lối chơi của Andrew Robertson (bên trái) và Trent Alexander-Arnold (bên phải) trong hàng thủ Liverpool rất khác nhau. Trong khi Alexander-Arnold hoạt động rộng và có hơi hướng tổ chức thì Robertson lại là hậu vệ biên đúng mẫu cổ điển của bóng đá Anh. Robertson không thật sự thành công ở ĐT Scotland vì các đời HLV khác nhau của đội này thường dùng anh ở các vị trí và vai trò khác nhau.
3. EURO 2020, giải đấu mà Andrew Robertson và đồng đội vừa giành vé tham dự, là kỳ EURO thứ 3 trong lịch sử ĐT Scotland được góp mặt. Ở hai lần trước (1992 và 1996), Scotland đều không qua được vòng bảng. World Cup 1998 là giải lớn gần đây nhất Scotland góp mặt.
Bình Luận