So với giai đoạn thắt lưng buộc bụng trước kia, Arsenal đã bạo chi hơn hẳn trong vài năm gần đây. Tổng cộng 270 triệu bảng đã được Pháo thủ bỏ ra mua cầu thủ trong hai mùa vừa qua. UEFA đã không bỏ qua những động thái “đột biến” của Arsenal trên TTCN. Cơ quan đầu não của bóng đá châu Âu cho rằng Arsenal (và 19 CLB khác) có khả năng vi phạm luật công bằng tài chính (FFP).
Arsenal có vi phạm FFP?
Phía Arsenal thì khẳng định họ vẫn tuân thủ chặt chẽ những quy tắc tài chính của UEFA. Báo cáo tài chính tiếp theo (mà Arsenal chưa gửi tới UEFA) sẽ chứng minh điều đó. Đội bóng thành London cũng chưa hề được UEFA liên hệ về những vấn đề liên quan đến các quy định của FFP.
Arsenal đã đầu tư tới 270 triệu bảng mua cầu thủ trong hai mùa gần đây, trong khi chỉ thu về 45 triệu bảng tiền bán cầu thủ. Tất nhiên việc giao dịch chuyển nhượng chỉ là một phần của bức tranh tài chính tại một CLB, nhưng rõ ràng khoản chi khổng lồ đó của Arsenal ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe tài chính đội bóng.
Thực tế, Arsenal từng cân nhắc việc vi phạm FFP trước khi quyết định nằm im trên TTCN tháng Một vừa qua. Thậm chí họ còn cho phép một loạt cầu thủ rời CLB, trong đó có Pierre-Emerick Aubameyang (người có thu nhập cao nhất Arsenal) như một giải pháp giảm tải quỹ lương, mà không bổ sung tiền đạo nào thay thế cho tới mùa Hè.
Ramble, nhà phân tích tài chính người Thụy Sỹ, đã tiến hành phân tích kỹ lưỡng tình hình ở Arsenal và đi đến kết luận: “Arsenal đã phải dùng tới nhiều biện pháp ngoài sân cỏ để duy trì khả năng cạnh tranh trong quãng thời gian vắng mặt tại Champions League và đặc biệt là sau khi bị Covid-19 tấn công, nhưng dường như họ biết cách xoay sở để vẫn tuân thủ các quy tắc FFP”.
Sức khỏe tài chính của Arsenal ra sao?
Giống như mọi CLB hàng đầu châu Âu, Arsenal đều bị tác động nặng nề bởi Covid-19. Báo cáo tài chính cho năm tài khóa 2020/21 cho thấy khoản lỗ sau thuế kỷ lục 107,3 triệu bảng. Theo Arsenal, 85 triệu bảng trong đó là do tác động từ Covid-19. Còn năm trước đó 2019/20, Arsenal ghi nhận khoản lỗ 47,8 triệu bảng với 35 triệu trong đó là do đại dịch.
Cần biết cho tới tháng 6 năm nay, các quy tắc FFP cho phép một CLB lỗ tối đa 30 triệu euro (25,3 triệu bảng) trong vòng 3 năm. Theo điều chỉnh mới được đưa ra trong Hè này từ UEFA, khoản lỗ được nới lỏng lên thành 60 triệu euro (50,6 triệu bảng) cho 3 năm. Điều quan trọng, UEFA đưa ra các biện pháp khẩn cấp hậu đại dịch theo đó các khoản thâm hụt liên quan đến Covid-19 có thể được xóa bỏ.
Như vậy nếu không tính khoản lỗ vì Covid-19, Arsenal chịu thâm hụt 34 triệu bảng trong hai năm qua. Báo cáo tài chính mới nhất (Arsenal chưa gửi lên UEFA) sẽ cho thấy bức tranh tài chính cụ thể của Pháo thủ trong 3 năm gần đây. Arsenal có thể sẽ thoát nạn nếu UEFA quyết định không tính khoản lỗ vì Covid-19. Lượng khán giả đông trở lại tại Emirates và việc tham dự Europa League cũng là cú hích đáng kể cho tài chính của Arsenal.
Họ có thể chi thêm bao nhiêu trong mùa này?
Nhưng dù sao, Arsenal cũng đang bị gọng kìm FFP bủa vây. Việc chiêu mộ cầu thủ sẽ không còn dễ dàng, trong khi họ đang hỏi mua cầu thủ chạy cánh Pedro Neto của Wolves với giá 50 triệu bảng.
Arsenal đã chi 119 triệu bảng mua cầu thủ từ đầu mùa Hè, nếu thêm 50 triệu bảng vụ Neto sẽ làm tăng cao nguy cơ vi phạm FFP. Nhưng cần nhắc lại, cán cân chuyển nhượng không phản ánh hoàn toàn bức tranh tài chính của một CLB. Arsenal đã chi tiêu dè xẻn nhiều năm qua để có thể vung tay trong hai mùa gần đây. Họ hoàn toàn không phải một gã nhà giàu chỉ biết chi mà không biết thu. Thậm chí báo giới Anh còn cho rằng Neto sẽ cập bến Arsenal trước khi thầy trò Mikel Arteta chạm trán Fulham vào thứ Bảy này.
Bình Luận