Tản mạn: Fergie là… Fergie nào?

Fergie time là thuật ngữ phổ biến đối với giới hâm mộ bóng đá Premier League, nói về khoảng thời gian bù giờ ở giải đấu này, nhưng tất nhiên không phải thời gian đá bù nghĩa là “Fergie time”.
Tản mạn: Fergie là… Fergie nào?

Khái niệm này chỉ được nhắc đến mỗi khi xuất hiện bàn thắng, đi kèm với kịch tính, trong những phút bù giờ. Còn khái niệm này được gắn với tên gọi tắt Fergie vì hai lẽ: hình ảnh xem đồng hồ khi trận đấu sắp kết thúc, rất đặc trưng của cựu HLV Alex Ferguson.

Và vì, như nhiều người nghĩ, M.U thời Ferguson là đội nổi tiếng nhất về việc hay ghi bàn quyết định trong thời gian đá bù. Có cả hơi hướng mỉa mai: người ta cho rằng M.U của Ferguson thường được trọng tài ưu ái, cố tình kéo dài thêm chút thời gian khi đội này cần ghi bàn.

Trên thực tế, cơ man những cuộc nghiên cứu, xem chừng là rất tỉ mỉ, với cơ sở dữ liệu khủng khiếp đã được trưng ra, để giải quyết tranh cãi: “Fergie time” là câu chuyện có thật, hay chỉ là sản phẩm của “thuyết âm mưu”, đã được trưng ra, rút cuộc hầu như không chứng tỏ được điều gì, theo mức độ rõ ràng “hai 5 rõ 10”.

Khi M.U đang thua, trận đấu của họ có thêm bình quân 4 phút 37 giây nhiều hơn so với số liệu bình quân là 3 phút 18 giây trong những trận đấu mà M.U đang thắng. Đấy là một ví dụ, được cung cấp bởi Duncan Alexander của hãng Opta Sports. Nhưng đâu là khác biệt có thể thống kê về thời gian “bóng chết” (phạt thẻ, thay người, cầu thủ chấn thương…) trong những trận đấu như thế, thì người ta lại không trưng ra.

Cũng trong cuộc nghiên cứu này, số liệu chỉ ra rằng 5/6 đội thuộc “Big 6” ở Premier League đều có thời gian đá bù khi đang thua nhiều hơn thời gian đá bù khi đang thắng (lần lượt là: M.U với chênh lệch bình quân 79 giây; Liverpool 56 giây; Man City 50 giây; Tottenham 25 giây; Arsenal 18 giây). Chelsea là đội duy nhất ở thái cực ngược lại: đang thua thì “được” đá bù ít hơn đang thắng, với chênh lệch bình quân 31 giây.

Trọng tài Anh không ưu ái Chelsea như 5 đội mạnh kia? Cứ thoải mái thả trí tưởng tượng thôi. Chuyên viên Gabriella Lebrecht của hãng chuyên phân tích dữ liệu thể thao Decision Technology cho biết một kết quả nghiên cứu đáng lưu ý.

Sau khi xuất hiện thông báo về thời gian đá bù, và đã tính hết các tình huống ghi bàn, phạt thẻ, thay người, thì trọng tài sẽ… cắt bớt bình quân 46 giây đá bù trong các trận đấu mà đội chủ nhà đang thắng ở Premier League. Tin hay không tùy bạn!

Cuối cùng, khái niệm “Fergie time” lại được nhắc đến khi Marcus Rashford ghi bàn quyết định giúp M.U thắng West Ham ở phút 92+3. Khi Rashford xuất hiện lần đầu tiên ở Premier League thì Ferguson đã giải nghệ rồi.

Và bây giờ, Rashford là “huyền thoại 24 tuổi”, trở thành cầu thủ ghi bàn quyết định chiến thắng ở phút 90 trở đi nhiều nhất trong toàn bộ lịch sử Premier League (4 bàn – M.U không chưa có ai khác từng ghi quá 2 bàn). Anh mà xuất hiện trong thế hệ trước, có khi người ta nói “Rashford time”, chứ Fergie nào!

    Bình Luận