Thuyết tương đối về Jose Mourinho

Khi Jay Rodriguez ghi bàn ở phút 73 để giúp West Brom giành chiến thắng trước Man United, anh và đội bóng bét bảng đó đã giúp Man City sớm đăng quang tại giải Ngoại hạng Anh trước 5 vòng đấu. Bên ngoài đường biên, HLV Jose Mourinho tay đút túi quần, khóe mắt nhăn lại, và mưa dầm ướt lên cả người của ông.
Thuyết tương đối về Jose Mourinho
18 năm cầm quân, trong đó có 13 năm chinh chiến ở xứ sương mù, Jose Mourinho không lạ gì những cơn mưa ấy. Khi chiến thắng hay thất bại, Mourinho vẫn đứng trong mưa như thế. Cảm giác mà người đàn ông này mang lại trong đêm mưa là một tinh thần bất khuất đến kỳ lạ. 

Dẫu cho, Mourinho hiểu rằng: đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp vinh quang từ khi nắm quyền ở Porto, ông thất bại trong việc đưa đội bóng của mình giành chức vô địch quốc gia ở mùa giải thứ hai làm việc. Và nếu tính luôn cả mùa giải 2015/16 khi ông bị Chelsea sa thải vào tháng 12, đã 3 mùa giải liên tục, Mourinho không nếm trải hương vị đăng quang giải VĐQG.

Điều này chỉ diễn ra ở những ngày đầu khởi nghiệp, khi ông cầm quân ở hai CLB Benfica và Uniao de Leiria. Chúng ta có thể bình luận rằng, Mourinho hết thời. Nhưng gượm đã! Năm ngoái, việc Pep Guardiola lần đầu tiên không có danh hiệu, đã trở thành chủ đề bàn luận. 

Và năm nay đến lượt Jose Mourinho, lần đầu không vô địch quốc gia ở mùa thứ hai dẫn dắt, cũng khiến tất cả xôn xao. Thế tại sao Arsene Wenger trắng tay 8 mùa liên tục vẫn tại vị? Nghe có vẻ trái khoáy nhỉ? Vấn đề là chuyện của thuyết tương đối.


Ngày 14/2/2014, Jose Mourinho có một câu phát biểu đến hôm nay đã trở thành truyền kỳ: “Wenger là chuyên gia thất bại. 8 năm không giành nổi một danh hiệu rõ ràng là thất bại. Tôi thì không. Nếu tôi làm HLV Chelsea trong 8 năm mà không vô địch lần nào, tôi sẽ rời London và không bao giờ quay lại”. 

Câu nói đó khiến những cổ động viên Arsenal và những người yêu quý Wenger phải nóng mặt. Thế Mourinho có đúng hay không? Mourinho có lý chứ. Vấn đề là nó chỉ đúng trong lăng kính của ông. Những huấn luyện viên như Mou hay Pep chúng ta có thể miêu tả là “thợ săn danh hiệu”.

Họ đến với các đội bóng có nền tài chính mạnh, nơi sẵn sàng cung ứng đủ tiền bạc và lực lượng mà Mou hay Pep yêu cầu. Đổi lại, hai vị HLV này phải đem danh hiệu cấp kỳ về. Mourinho miêu tả bản thân là sợ thất bại, nên giúp ông chiến thắng. Wenger lại thuộc mẫu HLV xây dựng đội bóng, quản lý các cấp độ nên không bị đè nặng về danh hiệu lập tức. Vấn đề là hoàn cảnh khác nhau, nên sự so sánh giữa hai bên chỉ đúng ở mức tương đối là vậy.


Có một giai thoại kể rằng, trong những năm đầu sau khi Albert Einstein đưa ra “Thuyết tương đối”. Một người bạn của ông, cũng là một nhà khoa học, khi đó đã viết một quyển sách để giải thích “Thuyết tương đối là gì?” Sau đó, đưa cho Einstein đọc trước. Einstein đọc xong, trả lại, và nói “Tôi không hiểu”.

Câu chuyện buồn cười ấy để chúng ta thấy cái đặc sắc của hai chữ “Tương đối”. Không nói về vấn đề khoa học vật lý của không gian, thời gian. Sự tương đối này đơn thuần là sự đa dạng của cuộc sống mà mỗi người đều có một cách giải nghĩa riêng, và thành công trong bóng đá cũng theo tính chất đó. 

15 năm, kể từ khi được cả thế giới nhớ tên, thuộc mặt, hình ảnh quyện quanh con người Mourinho là không ngại đương đầu, đi cùng sức ép của danh hiệu và trát sa thải. Còn HLV Wenger của nửa thập kỷ qua là một người “thầy đồ già” cũ kỹ, buồn bã, nhưng được thanh bình. Ai khổ hơn ai, có lẽ cũng chỉ tương đối.

    Bình Luận