Tottenham vs Man City: Đại chiến khép lại

Đêm Đông buốt giá của một ngày tháng 11 năm 2007, cú “nã đại bác” của Mladen Petric đưa ĐT Anh đến với… tivi để xem EURO 2008.
Tottenham vs Man City: Đại chiến khép lại
Hôm đó được gọi là “Ngày thứ Tư đen tối.” Tréo ngoe ở chỗ, đấy là thảm họa diễn ra khi Premier Legue đang trên đỉnh cao. Ngày đó, giải Ngoại hạng Anh vừa vượt qua Serie A để trở thành giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, đồng thời các đại diện của họ cũng thống trị Champions League. 

6 năm liên tục, Premier League luôn có ít nhất một đại diện tại bán kết (chứ không phải vất vả như bây giờ), cá biệt hai mùa giải 2006/07 và 2007/08 thì 3 trên 4 vị trí của nhóm “tứ cường” đến từ xứ sương mù. Thế vì sao giải Ngoại hạng Anh đang trên đà hùng mạnh như vậy mà Tam sư lại luôn thất bại?

Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra cho thất bại của ĐT Anh (nói rộng ra cả các giải đấu lớn mà Tam sư góp mặt), đó là chiến thuật lạc hậu nhưng bảo thủ, siêu sao không phát huy được hết tố chất khi lên tuyển, thủ môn luôn “bóp” đồng đội, HLV quá hạn chế về trình độ. Đặc biệt trong đó có một ý quan trọng, lịch thi đấu khắc nghiệt của Premier Legue đã bào mòn thể lực các trụ cột của ĐTQG, và các trận cầu “6 điểm” trong nhóm “Big Four” luôn khiến các cầu thủ phải căng mình.

Ví dụ trong năm 2008, Premier League chứng kiến Man United và Chelsea đua với nhau đến vòng 38, và vòng… 39 thì họ đá ở nước Nga (chung kết Champions League). Do vậy ĐT Anh hầu như chỉ sở hữu những cầu thủ đã kiệt quệ sau 9 tháng đua tranh ở mặt trận trong nước và châu Âu cấp CLB. Tóm lại, Premier League khắc nghiệt đã đưa đến một hệ quả không dễ chịu cho ĐT Anh.


Ngược lại, cứ khi nào Premier League sớm ngã ngũ, ít căng thẳng, thì Tam sư đá khá tốt. Ví dụ như mùa 2003/04, Arsenal bất bại và vô địch khi “gác” Chelsea tới 11 điểm. Năm ấy ĐT Anh đá rất hay ở EURO 2004. Giải đấu mà Rooney, Lampard tỏa sáng, và Tam sư chỉ thua Bồ Đào Nha vì tiếng còi méo của trọng tài (không công nhận bàn thắng hợp lệ của Sol Campbell), để rồi thất bại sau loạt penalty may rủi.

Từ quá khứ, để nói hiện tại bây giờ. Mùa giải 2017/18 đang chứng kiến sức mạnh vượt trội của Man City. Chiến thắng trong trận derby chỉ là chiến thắng của “giá trị mềm” Man United. Đấy là chiến thắng của lòng kiêu hãnh, của sự kế thừa những màn trình diễn 4-3, 2-1 năm nào ở thời Alex Ferguson, là vinh quang của nhà giàu lâu đời lúc suy vong vẫn giữ lại sự tôn nghiêm của một cái tên. Chứ không giúp M.U có thể “đổi trắng thay đen” giải đấu. 

Cho đến lúc này thì chỉ có phép màu mới giúp Man United vượt qua khoảng cách 13 điểm kia. Ngôi vương coi như là của Man City rồi. Ngoài ra, Top 4 cũng đã gần như ngã ngũ khi khoảng cách của đội xếp thứ 4 (Tottenham) và đội xếp thứ 5 (Chelsea) đã lên tới 10 điểm. Tóm lại, Premier League bây giờ hấp dẫn nhất chỉ còn cuộc đua trụ hạng, nơi có tới 5 cái tên nằm trong vòng nguy hiểm. Và vì thế các trận đại chiến ở nhóm đầu xét cho cùng không còn là “trận cầu 6 điểm” theo ý nghĩa của nó nữa. 

Liên đoàn bóng đá Anh giờ cần phải biết tính toán xa hơn một chút, hơn là bám víu vào những trận cầu kiểu “một mất một còn” để bán vé. Các cầu thủ của hai đội Man City và Totenham đêm nay, những người gần như sẽ đá chính tại World Cup 2018 như John Stones, Fabian Delph, Harry Kane, Dele Alli, Raheem Sterling…cũng cần phải biết giữ chân. Thật sự không ai muốn vắng mặt ở ngày hội đó cả. “Đại chiến” có lẽ nên khép lại.
    Bình Luận