Phil Foden khẳng định danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất mùa bóng bằng màn thể hiện không thể nào thuyết phục hơn: mở tỷ số ngay phút thứ 2 với một cú sút tuyệt vời, rồi lại ghi thêm bàn nữa ở phút 18 để coi như bảo đảm chiến thắng cho Man City trước West Ham.
Man City sẽ trở thành đội đầu tiên trên quê hương bóng đá đoạt chức VĐQG 4 lần liên tiếp, nếu thắng West Ham trong trận cuối cùng. Mà, thắng West Ham là chuyện trong tầm tay đối với một Man City đã thắng 8 trận liên tiếp trước đó. Tỷ số đã là 2-0 sau 18 phút, chưa kể Arsenal còn thủng lưới trước Everton không lâu sau đó. Nếu Arsenal không thắng thì Man City chẳng cần thi đấu cũng sẽ đăng quang. Nhưng, gượm đã…
Khi hiệp 1 của vòng cuối cùng (các trận diễn ra cùng giờ) khép lại, West Ham đã có bàn gỡ 1-2, cũng rất đẹp mắt. Arsenal thì đã gỡ hòa. Chỉ cần mỗi đội - West Ham và Arsenal trong 2 trận đấu song song - ghi thêm 1 bàn, câu chuyện sẽ khác. Mùa bóng sẽ có một cái kết khác, và toàn bộ lịch sử bóng đá Anh cũng sẽ rất khác. Cuối cùng thì, như mọi người đã biết: Arsenal quả đã ghi bàn để thắng ngược Everton. Nhưng Man City vẫn làm chủ số phận của mình, thắng West Ham và giữ vững ngôi đầu bảng.
“Toàn bộ mùa bóng được quyết định trong một vòng đấu (cuối cùng)” - đấy là cách đặt tít quen thuộc, cả trước lẫn sau vòng đấu thứ 38 của Premier League. Nhưng có lẽ, phải chi tiết hơn: “trong 45 phút cuối cùng”. Và phải nói thêm: lịch sử của quê hương bóng đá, chứ không chỉ là mùa bóng 2023/24.
Đấy là lịch sử lâu dài nhất trong thế giới bóng đá, trải qua 3 thế kỷ khác nhau. Giải VĐQG Anh ra đời vào năm 1889. Lâu đời như vậy, mà mãi đến nay mới có một đội làm nên kỷ lục vô địch 4 mùa liên tiếp. Hẳn nhiên, Man City của HLV Pep Guardiola là một đội bóng quá vĩ đại. Đề tài nóng hổi ngay lúc này, để giới một điệu tranh luận: đấy có phải là đội bóng vĩ đại nhất xưa nay trên sân cỏ Anh?
Tùy quan điểm, nhưng chẳng đến nỗi vô lý khi không ít nhà bình luận cho rằng Arsenal của Mikel Arteta mới là đội bóng hay nhất Premier League mùa này. Vấn đề là trong bóng đá, chẳng thiếu gì trường hợp đội hay nhất chưa chắc vô địch, hoặc đội hay hơn chưa chắc chiến thắng.
Arsenal mùa này xuất sắc ra sao, cũng chẳng còn gì để bàn. Nhưng, Man City dường như đã thoát ra khỏi khái niệm “đội bóng” đơn thuần. Họ trông giống hơn với một cỗ máy chơi bóng. Tất cả đã được lập trình, ở mức độ gần như hoàn hảo. Giới hâm mộ trung lập quả đã thán phục và mong cho Arsenal đoạt chức vô địch Premier League mùa này, nhưng họ đành phải nghĩ rằng Man City cuối cùng vẫn sẽ là nhà vô địch.
Vượt lên trên cả cái hay của Arsenal lẫn cái sự “vô đối” của Man City, thì đây có lẽ là mùa bóng hấp dẫn nhất xưa nay ở Premier League (“có lẽ” thôi, dĩ nhiên, bởi bóng đá là môn thể thao của vô vàn quan điểm, cách thưởng thức khác nhau mà). Người ta muốn gì, nghĩ gì, thì rút cuộc vẫn cứ phải xem, phải hồi hộp với từng diễn tiến cụ thể có thể mở ra những đoạn kết khác biệt, đầy kịch tính, để rồi cuối cùng lại phải chép miệng trước cái “phán quyết cuối cùng” mà ai cũng có thể nói trước.
Đấy là uy tín của Premier League, của bóng đá Anh, hơn là của Man City, Arsenal, hay bất cứ đội bóng xuất sắc nào khác trong từng giai đoạn lịch sử.
Premier League nói riêng, hoặc bóng đá Anh nói chung, không hề được so sánh với “tôn giáo” như ở Brazil. Đấy cũng chẳng phải là “nghệ thuật” như cách trân trọng bóng đá của người Hà Lan; hoặc “công việc nghiêm túc” như suy nghĩ của người Đức.
Dân Anh xem bóng đá như một hình thức giải trí. Gia đình cùng xem. Lễ, Tết thì xem bóng đá - thế thôi. Xem từ đâu hoặc xem đến đâu cũng được. Xem xong quên ngay cũng được - và lần xem kế tiếp sẽ lại hấp dẫn, đậm tính giải trí như vậy.
Huyền thoại Hà Lan Johan Cruyff mà giới bóng đá đã phải “phong thánh” bởi những phát biểu bất hủ của ông, từng nói: “Bóng đá là trò chơi đơn giản, nhưng chơi bóng đơn giản là điều khó nhất”. Vậy, có nên liên tưởng: hay nhất là thứ bóng đá đơn giản, nhẹ nhàng và dễ xem, như bóng đá Anh? Như Premier League?
Bình Luận