Hãy nhớ rằng trước cuộc chạm trán Liverpool, phía MU có 14 ca chấn thương và thẻ phạt, vào trận dùng đội hình 2 đấu với đội hình 1 nhiều ngôi sao của The Kop. Toàn bộ thượng tầng đến hạ tầng là một cơ thể nhiều bất trắc, bên trong là những lục đục về sa thải HLV, và cuối cùng là tinh thần đi xuống sau khi xếp chót bảng A, bị loại khỏi Champions League và thậm chí không còn cả suất xuống Europa League. Một đội bóng với cả tá vấn đề như vậy mà hòa được Liverpool thì quá giỏi rồi.
Nhưng chính trận hòa này lại khiến người hâm mộ phải thắc mắc về nhân ảnh thật sự của MU. Tại sao cứ khi nào xuống đáy thì đội bóng lại tạo ra được một trận đấu để đời. Và cứ khi nào được kỳ vọng là y như rằng hôm đó chỉ mang về nỗi thất vọng? Ví dụ như khi ai cũng nghĩ về một màn thảm sát như trận thua 0-7 hồi năm ngoái thì MU lại “kiên cường”, “anh dũng” cầm hòa Liverpool. Còn khi mà vừa mới thắng được Chelsea đầy hoành tráng, lên vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng, kém Man City 3 điểm, thì 2 ngày sau “phơi áo” 3 bàn trước đội khách Bournemouth. Hay như mới hoành tráng giành "cú ăn ba" giải thưởng tháng 11 ở Ngoại hạng Anh, thì hôm sau thua 3 bàn trên sân Old Trafford, hôm sau nữa thì “bay màu” khỏi Champions League.
Nhưng sau khi bị chỉ trích với đủ thứ ngôn từ khó nghe, thì bỗng “rũ bùn đúng dậy sáng lòa” khi kiếm được trận hòa 0-0 dù “hứng” đến 34 cú dứt điểm từ phía Liverpool. Các cầu thủ hôm trước vừa bị chê bai là “xấu hổ”, HLV Erik ten Hag vừa bị đánh giá là tệ nhất trong các đời HLV của MU, thì sau ngày Chủ nhật vừa qua, cầu thủ đội hình 2 được gọi là quả cảm, còn HLV thì được đánh giá là phòng ngự khoa học, biết mình biết người.
Thật chẳng biết đâu mà lần!
Nhưng hình như đây là một văn hóa của MU thì phải? Thậm chí đây còn là một “nét văn hóa có tính kế thừa”. Còn có “tốt đẹp” hay không thì người hâm mộ tự hiểu. Thời HLV Ole Gunnar Solskjaer là tiêu biểu nhất. Người hâm mộ còn phát hiện ra cái vòng lặp kỳ quái của vị HLV người Na Uy: thua-thua đậm-dọa sa thải-thắng-thắng đậm-thua-dọa sa thải-thắng. Lặp đi lặp lại đến mức mà nhiều người còn nhân đó đi “bắt độ” (và tỷ lệ thắng còn uy tín hơn cả nhà cái đến từ Châu Âu).
Tưởng như sau khi sa thải Ole Gunnar Solskjaer thì cũng là lúc kết thúc thời kỳ “không còn tìm được khuôn mặt” của MU, thì HLV Erik ten Hag với những lời ngợi ca mang tên “triết lý Ajax” cũng chẳng khác hơn “người không triết lý” Solskjaer. HLV người Hà Lan tiếp tục dẫn người hâm mộ “Quỷ đỏ” vào cõi u u minh minh và không nhìn đâu được chân dung, trừ một định luật bất biến: cứ chê bai là đá dở, kỳ vọng là đá hay.
Tuần sau, MU có chuyến làm khách đến sân West Ham, chỉ e lại chuyển sang chế độ “lành ít dữ nhiều” rồi.
Bình Luận