Broja chuyển tới Fulham theo dạng cho mượn kèm điều khoản mua đứt. Sau Broja, Chelsea cũng rất cởi mở nếu có CLB nào hỏi mua Conor Gallagher - đội trưởng The Blues trong thời gian Reece James chấn thương. Có thể thấy, chỉ cần được giá, Chelsea sẽ bán ngay các cầu thủ trẻ tự đào tạo của mình mà không cần suy nghĩ. Trước đó, có những ví dụ điển hình như Mason Mount, Tammy Abraham, Fikayo Tomori, Marc Guehi...
Vì sao Chelsea làm thế? Ngoài vấn đề chuyên môn thì còn một nguyên nhân khác. Khi các CLB bán cầu thủ tự đào tạo trong học viện, toàn bộ số tiền đó sẽ được tính dưới dạng “lợi nhuận thuần túy” trong báo cáo tài chính, và có thể giúp họ tuân thủ các quy tắc bền vững và lợi nhuận nghiêm ngặt của giải đấu.
Trong khi người hâm mộ có thể khó chịu khi thấy các cầu thủ "cây nhà lá vườn" rời đi, việc kiếm tiền từ học viện cho phép các CLB tiếp tục chi tiêu nhiều hơn - và Chelsea và Man City là 2 trong những đội làm điều đó giỏi nhất ở châu Âu.
Kể từ khi tập đoàn do Todd Boehly đứng đầu nắm quyền kiểm soát Chelsea vào năm 2022, CLB đã chi gần 1 tỷ bảng cho các tân binh. Nhưng một khoản đáng kể đã được bù đắp bằng doanh thu bán cầu thủ, để giúp họ tránh khỏi hình phạt như Everton.
Từ đầu mùa giải 2014/15, Chelsea đã bán 39 cầu thủ trong học viện. Theo thống kê của trang Transfermarkt, doanh số bán cầu thủ tốt nghiệp học viện của Chelsea tổng cộng là 285 triệu bảng. Con số này tương đương khoảng 1/4 tổng thu nhập 1,1 tỷ bảng của Chelsea từ việc bán cầu thủ trong thập kỷ qua.
Không có CLB nào trên khắp châu Âu kiếm được nhiều tiền như vậy từ cầu thủ tự đào tạo kể từ mùa giải 2014/15. Con số đó chưa bao gồm 28 triệu bảng mà Chelsea chuẩn bị đút túi từ Newcastle, khi Chích chòe mua hậu vệ trái 19 tuổi Lewis Hall vào mùa Hè này. Vào mùa giải trước khi Boehly đến (2021/22), Chelsea đã kiếm được 112 triệu bảng "lợi nhuận thuần túy" từ việc bán các cầu thủ của học viện.
Man City cũng đi theo mô hình này của Chelsea. Cole Palmer trở thành cầu thủ "cây nhà lá vườn" thứ 9 mà City đẩy đỉ trong 2 mùa qua. Trong số 9 người này, chỉ một mình Palmer là từng được thử sức ở đội một của HLV Pep Guardiola. Trong 10 năm qua, Man City đã kiếm được khoảng 320 triệu bảng từ các cầu thủ học viện, tương đương 48% tổng thu nhập chuyển nhượng của họ trong cùng thời kỳ.
Thành công quan trọng của Man City là thu được mức giá cao cho những cầu thủ còn tương đối thiếu kinh nghiệm thực chiến. Cụ thể, họ kiếm được 12 triệu bảng cho Gavin Bazunu vào năm 2022, và 15 triệu bảng trả trước cho thủ môn James Trafford vào tháng 7 năm ngoái khi anh tới Burnley.
Một nghiên cứu riêng biệt từ Trung tâm Nghiên cứu Thể thao Quốc tế (CIES) đã xếp Man City vào Top 10 CLB có lợi nhuận cao nhất từ học viện trên toàn thế giới, bản danh sách mà Benfica và Ajax là những đội dẫn đầu.
Và với việc các quy định tài chính của Premier League tiếp tục được thắt chặt, dự kiến các đội bóng Anh sẽ tiếp tục bán các ngôi sao học viện để duy trì tình hình tài chính của mình.
Bình Luận