Ở trận chung kết cúp Carabao diễn ra vào ngày hôm qua giữa 2 CLB Chelsea và Manchester City trên SVĐ Wembley, The Citizens đã giành chiến thắng 4-3 trên loạt đá luân lưu sau 90 phút không phân định thắng thua.
Chelsea thực ra đã có 1 trận đấu chơi không hề tồi nhất là ở khâu phòng ngự, bằng chứng cho thấy Man City chỉ có vỏn vẹn 3 cú sút trúng đích trong 120 phút của cuộc đọ sức. Một hệ thống phòng thủ vững chắc đã được đội bóng thành London xây dựng và duy trì một cách bền bỉ trước hàng công đang có phong độ hủy diệt, khủng khiếp và là nỗi khiếp sợ với mọi hàng thủ ở thời điểm hiện tại.
Điểm qua như vậy để thấy sau nhiều tuần đấu khó khăn, tình hình rối ren và chiếc ghế HLV đang rung lên bần bật của ông Maurizio Sarri, thậm chí các cầu thủ của đội chủ sân Stamford Bridge còn bị nhiều NHM lên án là tập thể "phản thầy", mọi chuyện vẫn đang diễn ra theo chiều hướng không tệ.
Nhưng trước khi hiệp phụ thứ 2 khép lại, đã có một sự việc rất hy hữu xảy ra : Khi ông Sarri quyết định rút Kepa Arrizabalaga - người đang bắt chính trong trận đấu để thay vào đó là Willy Caballero, thủ thành xứ Basque đã khăng khăng từ chối và nhất quyết không chịu ra khỏi sân để nhường vị trí cho Caballero.
Cựu thuyền trưởng Napoli và trợ lý Gianfranco Zola cũng liên tục ra hiệu cho người gác đền của họ rời sân ngay để thực hiện quyền thay người (Willy và trọng tài đều sẵn sàng) nhưng Kepa vẫn nhất quyết ở lại. Maurizio tức điên người, bứt tung zip áo, ném mạnh đi cuốn sổ để trên ghế, bỏ vào đường hầm, xong lại đi ra. Một sự việc quá sức điên rồ, và đã có những câu hỏi xoay quanh vụ việc này:
1. Chuyện gì đang thực sự xảy ra trong phòng thay đồ của Chelsea?
Tại sao một cầu thủ chỉ mới 25 tuổi, không thuộc dạng "đàn anh" hay kỳ cựu trong đội bóng lại dám làm trái lời chính người thầy của mình? Thậm chí anh ta còn là một tân binh mới cập bến Chelsea ở mùa giải này. Lý do có phải anh ấy là thủ môn đắt giá nhất thế giới nên cách hành xử của thủ thành sinh năm 1994 cũng rất khác người? Và thực sự anh ấy đang nghĩ gì mà dám "cả gan" làm như vậy?
Ở một CLB, HLV là người thầy, là người ở vị thế cao hơn, là người có quyền ra lệnh và chỉ đạo các cầu thủ của mình, lệnh của HLV trong trận đấu không khác gì lệnh của cấp trên trong quân đội, nó phải được tuân thủ tuyệt đối. Hay vì xứ Basque là cộng đồng tự trị cho nên những con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở đó cũng "hoang dại" theo? Và liệu tập thể mà HLV 60 tuổi đang dẫn dắt này thực sự có phải là một đội bóng "phản thầy"?
2. Những người "anh lớn" của CLB đang ở đâu khi Kepa hành xử như vậy?
César Azpilicueta - người đang đeo băng đội trưởng của đội bóng thậm chí còn chẳng thèm quan tâm tới những gì đang diễn ra, trên khung hình phát sóng trận đấu người ta chỉ thấy David Luiz tới hỏi han gì đó xong quay đi. Luiz cũng chỉ nói rằng anh ta đã bảo Kepa nên tuân thủ theo quyết định của HLV.
Nhưng vấn đề đáng nói ở đây không phải là Kepa có muốn chơi tiếp hay không, mà là thầy muốn thay anh ta ra ngoài, và một khi HLV trưởng đã chỉ đạo thì tất cả các cầu thủ và BHL của Chelsea, không chỉ có riêng mình Kepa, đều phải tuân thủ và làm theo! Chỉ có vậy thôi! Rất nhiều CĐV của Chelsea thất vọng vì họ nghĩ rằng César hay David có năng lực lãnh đạo. Thử hỏi nếu John Terry còn thi đấu cho The Blues thì liệu Kepa có dám "to gan" như vậy hay không?
3. Maurizio Sarri phải chăng đang quá "hiền" ?
Từ cách ông ứng xử trong tình huống cho tới cách trả lời phỏng vấn sau đấy đều cho thấy một "người cha" đang bất lực vò đầu bứt tóc trước "đứa con hư" của mình nhưng cuối cùng vẫn phải "chịu đựng" nó. Vấn đề là HLV hay cầu thủ là người phải "chịu" người kia? Tôi nghĩ thời thế thay đổi, tiền bạc danh tiếng khiến cầu thủ tự đặt mình ở vị thế hơi quá cao, nhưng một phần cũng nằm ở người thầy. Đấy thực ra là lúc Sarri nên chứng minh quyền lực của mình, yêu cầu trọng tài giơ bảng, ra hiệu cho các cầu thủ khác hỗ trợ...
Ông mới thực sự là "sếp" của đội trên sân, khi ông ra quyết định, hãy mặc định việc của học trò là nghe theo, đừng dân chủ quá trớn! HLV mới chính là người có "cái uy" lớn nhất của CLB trên sân đấu, dù anh "đắt tiền" hay ngôi sao không có nghĩa anh là "cậu ông Trời". Lợi ích của CLB phải được đặt lên hàng đầu, không cá nhân nào lớn hơn tập thể! Và kỷ luật, sự tôn trọng và ý thức tự giác là 3 điều tối quan trọng làm nên 1 tập thể vững chắc.
4. Kepa nên bị xử lý như thế nào?
Ở đây, cá nhân tôi xin phép được thiên vị một chút, dẫu biết cách hành xử của Kepa ở một môi trường mà tính chuyên nghiệp được đề cao như bóng đá Anh thì hành động của cầu thủ người Tây Ban Nha này là không thể chấp nhận được, thậm chí còn có phần "ngu ngốc" và "hỗn hào".
Nhưng anh ấy mới 25 tuổi - độ tuổi không quá trẻ đối với nghiệp quần đùi áo số nhưng chắc chắn chưa phải là già, Kepa vẫn thuộc dạng "cây non còn uốn được". Kỷ luật, công khai chỉ trích, cho ngồi dự bị, trừ lương, tệ nhất là đẩy xuống đội trẻ chứ không "tống khứ" anh ấy khỏi sân Stamford Bridge... nhưng liệu Chelsea có dám khi CLB này đang phải nhận án phạt cấm chuyển nhượng?
Và quan trọng nhất vẫn là môi trường giáo dục, làm sao để anh ta có thể hiểu, trưởng thành lên và sửa sai được. Cứ để những "tấm gương xấu" như Kepa, thì làm sao các cầu thủ khác ngưỡng mộ được Sarri? Ở các trường hợp khác, dù có bất bình đến mấy khi bị thay ra thì các cầu thủ cũng chấp nhận và chỉ lên tiếng khi trận đấu đã kết thúc.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam
Bình Luận