Nhiều năm qua, một giai thoại được lan truyền rằng chính Bayern đã dang tay cứu vớt Dortmund, trong giai đoạn đội bóng vùng Ruhr lâm vào cảnh phá sản, nợ nần.
Người ta nói rằng “Hùm xám xứ Bavaria” đã cho Dortmund vay một khoản tiền không lãi suất. Có người còn nói Bayern đã cho không Dortmund, để rồi đội bóng vàng đen hồi sinh mạnh mẽ như ngày nay.
Tuy nhiên, một nửa sự thật chưa bao giờ là sự thật. Bayern đúng là đã cho Dortmund vay một khoản tiền nhất định, nhưng nửa sự thật còn lại có thể khiến nhiều người bất ngờ.
2 triệu euro "tình thương"
Gần hai thập niên trước, Dortmund là một thế lực chịu chơi của bóng đá Đức. Họ 3 lần vô địch nước Đức vào các năm 1995, 1996 và 2002, xen giữa là một chức vô địch Champions League vào năm 1997.
Dưới bàn tay Chủ tịch Gerd Niebaum và Giám đốc Điều hành Michael Meier, Dortmund sẵn sàng vung tay quá trán trên thị trường chuyển nhượng. Họ thậm chí sẵn sàng phỗng tay trên Bayern trong các thương vụ bom tấn như Tomas Rosicky hay Sebastian Kehl.
Kehl thậm chí đã đồng ý các điều khoản cá nhân với Bayern, nhận tiền lót tay xong xuôi để rồi Dortmund trả nhiều tiền hơn cho Freiburg. Đó là những điều gần như không thể xảy ra vào thời điểm hiện tại.
Bài học phá sản sau những thương vụ bom tấn năm xưa khiến Dortmund giờ giống như một CLB hạng khá của châu Âu và năm nào cũng sẵn lòng bán cầu thủ đang chơi tốt.
Cuối mùa giải 2004/05, sau hàng loạt thất bại trên sân cỏ trước đó, Dortmund lâm vào cảnh nợ nần khi các khoản đầu tư lớn không mang lại hiệu quả. Kicker tiết lộ khoản lỗ của Dortmund khi đó đã lên tới 200 triệu euro.
Trong cơn vùng vẫy, ban lãnh đạo Dortmund làm mọi cách để tránh bi kịch xấu nhất ập đến. Sân vận động được bán cho ngân hàng. Một công ty bảo hiểm sở hữu bản quyền hình ảnh và tên của CLB. Dortmund bắt đầu bán các ngôi sao như Rosicky, Christoph Metzelder và Ewerthon để cân đối ngân sách.
Nhưng 200 triệu euro là một con số khổng lồ và không dễ để giải quyết. Nỗi tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm khi Niebaum thậm chí đã ký hợp đồng bán hàng với một hãng kem, mà quên mất rằng trước đó Dortmund đã ký với một hãng kem khác.
Ban lãnh đạo Dortmund quyết định tìm đến kẻ thù số một, Bayern Munich. Họ nhờ Chủ tịch Bayern, Uli Hoeness cho vay 2 triệu euro để trả lương nhân viên trong một tháng.
Hoeness là người khá hào phóng trong giới bóng đá Đức thời điểm đó. Ông thường cho nhiều CLB nhỏ vay tiền để thoát khỏi cảnh phá sản. Ban lãnh đạo Dortmund nhận được cái gật đầu của Hoeness.
Trong 6 tuần đầu tiên kể từ khi được giải ngân khoản vay, Dortmund sẽ không phải trả lãi trên khoản vay 1,5 triệu euro. Bayern chỉ tính lãi suất 5% trên 500.000 euro còn lại.
Nhiều cổ động viên Bayern đã coi đó giống như một khoản tiền “ban ơn” cho đối thủ. Điều này khiến Hans-Joachim Watzke, CEO mới được bổ nhiệm của Dortmund vào mùa hè năm 2005 đó không hài lòng.
Ông tìm cách giải quyết khoản nợ nói trên ngay lập tức, bằng việc trừ tiền vào khoản trả góp mà Bayern đang thiếu chính Dortmund, trong vụ mua tiền vệ Torsten Frings với giá 9,25 triệu euro năm 2004.
Sau này nhớ lại, Frings bảo rằng mình chẳng khác gì món hàng trao đổi của hai CLB. Anh đồng ý rời Dortmund để sang Bayern vào mùa hè 2004, bởi muốn làm việc cùng HLV Ottmar Hitzfeld.
Tuy nhiên, gần đến ngày ký hợp đồng, Frings mới biết rằng Felix Magath, kẻ thù của anh ngày còn ở Bremen sẽ lên dẫn dắt Bayern sau khi tiền vệ này cập bến. Anh muốn huỷ bỏ thương vụ, nhưng đã quá muộn.
Dortmund đang rất thiếu tiền và họ không còn cách nào khác. “Magath đã chửi tôi trong 15 phút”, Frings nhớ lại. Chuỗi ngày tại Bayern của tân binh người Đức nhanh chóng biến thành cơn ác mộng và anh ra đi chỉ sau một mùa giải.
Lòng tự tôn bị tổn thương
Về phần Watzke, CEO này đã đưa Dortmund thoát khỏi cảnh nợ nần với cách quản trị tài chính có phần khắt khe, điều đã ảnh hưởng đến CLB tận bây giờ. Ông cũng chẳng giấu việc đội bóng của mình đã vay đối thủ 2 triệu euro trong 2 tháng.
Tuy nhiên, vào năm 2012, sau khi chứng khiến Dortmund của Juergen Klopp sắp lần thứ 2 đăng quang Bundesliga liên tiếp, Hoeness bất ngờ nhắc lại 2 triệu euro năm xưa.
Ông nhắc cho công chúng nhớ về quãng thời gian khốn khổ của Dortmund, và sự hào phòng mà Bayern đã ban ra. "Các bạn biết đấy, tôi là người tôn trọng các giá trị truyền thống, và khá giàu tình cảm", Hoeness phát biểu với sự mỉa mai.
Với nhiều cổ động viên Dortmund, đó rõ ràng là một đòn tâm lý chiến, nhằm vào truyền thống và lòng tự tôn của đội bóng vàng đen. Nhiều người nặng nề hơn, coi đó là một sự sỉ nhục.
Người ta tin rằng Bayern cần hạ thấp đối thủ của mình xuống và nâng mình lên, sau những màn trình diễn không ổn trên sân cỏ lúc đó. Hoeness đã có sự vị tha nhất định năm xưa, nhưng là sự vị tha của một kẻ bề trên. Khi cảm thấy bị đe doạ, ông không từ thủ đoạn để làm đối phương xấu hổ.
Những cao trào về câu chuyện 2 triệu euro diễn ra vào thời điểm mối thù giữa hai CLB được đẩy lên cao nhất, sau khi Klopp đánh bật Bayern khỏi vị thế hàng đầu Bundesliga trong vài năm.
Sau câu phát biểu của Hoeness, Bayern dần lấy lại vị thế, với đỉnh cao là chiến thắng trước chính đối thủ trong trận chung kết Champions League. Sau đó, họ tiếp tục thực hiện vụ chuyển nhượng chấn động. Đó là cướp Mario Goetze từ tay Dortmund.
Đó có lẽ là lý do Watzke khẳng định ông không bao giờ có thể hiểu nổi, tại sao những tay tiền nhiệm của mình lại sẵn sàng để đối phương sỉ nhục chỉ vì 2 triệu euro, khoản tiền không quá quan trọng thời điểm đó.
“Tôi thà ngủ dưới gầm cầu và đi ăn xin còn hơn là nhờ cậy đối thủ lớn nhất của mình”, Watzke nói. Hai triệu euro "tình thương" của Bayern ở thời điểm đó chỉ như giọt nước giữa đại dương, và không có nó, Dortmund cũng không chết được.
23h30 ngày 26/5 (giờ Hà Nội), Bayern sẽ làm khách của Dortmund trong "trận cầu 6 điểm" có thể quyết định chức vô địch Bundesliga mùa này. Dortmund sẽ phải làm tất cả để vừa thu hẹp khoảng cách điểm số với Bayern, vừa xoa dịu sự tổn thương ngày nào.
Bình Luận