Người Đức vẫn luôn tự hào rằng các đội bóng Bundesliga đều thuộc sở hữu cộng đồng, không trở thành món đồ chơi trong tay những tỷ phú. Nhưng cái gì cũng có hai mặt, thực tế cho thấy chính điểm cộng đó đang khiến Bundesliga ngày càng tụt lại trên thương trường so với các đối thủ châu Âu.
Cách làm bóng đá lỗi thời
Vào đầu năm 2018, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) tổ chức cho 36 đội bóng tại 2 giải VĐQG hàng đầu tại Đức bỏ phiếu về việc gỡ bỏ hay tiếp tục duy trì luật 50+1, luật chống sở hữu tư các đội bóng. Kết quả, 50+1 vẫn được giữ. Người Đức với sự tự tôn dân tộc rất cao không muốn các đội bóng nước này rơi vào tay những ông chủ lắm tiền.
Kết quả đó khiến cho các đội bóng tại Đức vẫn nằm ngoài tầm với của những tỷ phú. Và hệ quả thì cũng đã được thể hiện rõ trên TTCN trong nhiều mùa giải qua. Trong khi kỷ lục chuyển nhượng mới nhất đã được xác lập là 222 triệu euro (PSG mua Neymar từ Barcelona vào Hè 2017) thì tại Đức, kỷ lục này mới chỉ dừng lại ở 43 triệu euro với trường hợp Wolfsburg mua Julian Draxler về từ Schalke.
Khi TTCN Hè 2018 mở cửa và Juventus tạo ra thương vụ bom tấn với việc chi 112 triệu euro để đón Cristiano Ronaldo về từ Real, những người Đức là buồn nhất. Tại Đức, không có đội bóng nào sẵn sàng chi số tiền lớn như vậy cho một cầu thủ. Với họ, số tiền đó thà để đầu tư vào đào tạo trẻ còn hơn.
Khổ nỗi, với cơ chế hiện tại của bóng đá Đức, họ cũng chẳng thể giữ được những tài năng trước sức mạnh đồng tiền. Có thể thấy điều này qua những thương vụ như Dortmund bán Ousmane Dembele cho Barcelona để thu về 115 triệu euro trong Hè 2017, hay mới nhất là trường hợp RB Leipzig bán Naby Keita cho Liverpool để thu về 60 triệu euro.
Sự thua kém về khả năng tài chính, cùng với đó là tư duy làm bóng đá chặt chẽ vô hình biến Đức từng bước trở thành sân chơi hạng 2 ở châu Âu, nơi các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội để chứng minh tài năng… trước khi tìm một đội bóng lớn hơn để đầu quân.
Những ngôi sao như Lewandowski (ảnh chủ) hay Jamesđều đang muốn rời Bayern
Bundesliga ngày càng tụt lại
Xét ở cấp độ CLB, bóng đá Đức từ lâu đã bị Anh rồi Tây Ban Nha bỏ lại sau với khoảng cách lớn. Nhưng giờ đây, họ cũng đã lép vế nếu đặt lên bàn cân khi so sánh với Pháp và Italia. Đây là điều dễ hiểu. Nói đến bóng đá, không thể không nhắc tới những siêu sao. Nếu như Pháp giờ đây có Neymar, Kylian Mbappe. Italia cũng vừa đón Ronaldo. Còn tại Đức, vẫn chỉ là những cái tên xưa cũ và đang trên đà tuột dốc.
Những cuộc tháo chạy cũng đang âm thầm diễn ra tại Đức. Robert Lewandowski trong những năm gần đây luôn nỗ lực để… được rời Bayern. Đội bóng xứ Bavaria tưởng như đã có được bản hợp đồng mượn kèm điều khoản mua đứt xuất sắc với James Rodriguez từ Real vào Hè 2017, nhưng ngôi sao của Colombia mới đây cũng đánh tiếng muốn sớm được trở lại đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha.
Để đối phó những vấn đề về nhân sự, Bayern lại hướng tới các đội bóng tại Bundesliga để “rút ruột” và tăng cường sức mạnh. Ngoài Leon Goretzka đã đến từ Schalke với dạng CNTD thì một loạt những cái tên khác cũng lọt vào tầm ngắm của Bayern. Tương tự, nhưng ở một cấp độ thấp hơn là cách làm của Dortmund, Schalke hay Leverkusen… Bundesliga cũng vì thế đang sống mòn khi không dám đối mặt với những thay đổi và ngày càng tụt lại phía sau.
Bundesliga bị Serie A vượt mặt Từ mùa 2018/19, Bundesliga chỉ còn là giải đấu số 4 châu Âu nếu xét vào BXH 5 năm của UEFA. Bundesliga có 71.427 điểm, kém Serie A 76.249. Dù hơn Ligue 1 (56.415) khá nhiều nhưng khoảng cách này vẫn có thể bị lật đổ ở mùa tới khi điểm số ở mùa 2013/14 được xoá bỏ và các đội bóng của Bundesliga tiếp tục thi đấu thất bại ở đấu trường châu Âu mùa 2018/19. |
Bình Luận