Bundesliga thi đấu trên sân không khán giả: Nỗi nhớ từ khán đài

Đặc trưng của bóng đá Đức là sự gắn kết bền chặt giữa CĐV và CLB. Bundesliga là giải vô địch hấp dẫn nhất thế giới nếu nhìn từ bầu không khí cuồng nhiệt trên khán đài. Nhưng trong 9 vòng cuối mùa này, linh hồn của giải đấu sẽ… tạm thời đi vắng.
Bundesliga thi đấu trên sân không khán giả: Nỗi nhớ từ khán đài

Quy tắc 50+1

Đối với nhiều khách du lịch tới Đức, chuyến đi sẽ thiếu trọn vẹn nếu chưa thưởng ngoạn một trận đấu tại Bundesliga. Đó là một trải nghiệm thể thao độc đáo và lý thú. Người Đức uống bia và cổ vũ, có cả “khán đài đứng” cho các CĐV nhảy múa suốt trận. Bầu không khí cuồng nhiệt, văn minh và rất có tổ chức. Đó không chỉ là câu chuyện của ban tổ chức sân. Những khán đài Bundesliga phản ánh mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa CĐV và CLB. Với quy tắc 50+1, CĐV tại Đức “sướng” hơn bất kỳ CĐV ở nền bóng đá nào khác.

Quy tắc 50+1 đặt CĐV lên vị thế cao nhất (tối thiểu 51% cổ phần đội bóng phải được sở hữu bởi các hội viên, một cá nhân hay doanh nghiệp chỉ được sở hữu tối đa 49%). Có một vài ngoại lệ như Wolfsburg (thuộc tập đoàn Volkswagen), Leverkusen (thuộc Bayer AG) hay RB Leipzig (thuộc Red Bull) nhưng nhìn chung quy tắc 50+1 vẫn chi phối bóng đá Đức về mặt văn hóa và truyền thống. Các CĐV có tiếng nói quan trọng trong các quyết sách của CLB, giá vé phải ở mức rẻ nhất để ngay cả người nghèo cũng có thể dự khán các trận cầu đỉnh cao của Bayern và Dortmund.

Bảo vệ quy tắc 50+1 là điều vô cùng quan trọng với NHM bóng đá Đức. Unsere Kurve là một liên minh bao gồm hàng trăm hội CĐV của các CLB trên cả nước, cùng đấu tranh gìn giữ 50+1 trước xu thế thương mại hóa tại bóng đá châu Âu. “Hầu hết các CLB Đức đều được quản lý bởi hội viên là NHM. Họ đưa ra quyết định cuối cùng về hướng đi của CLB. Họ không xen vào việc mua cầu thủ (ban quản lý CLB làm điều đó). Nhưng chiến lược phát triển CLB được thông qua bởi các hội viên”, Jost Peter, thành viên hội đồng quản trị của Kurve, cho biết.   

Cuối tuần này, trái bóng Bundesliga sẽ lăn trên các SVĐ không khán giả

Vé rẻ và bia

Sau thảm họa Hillsborough năm 1989, người Anh đã bỏ các khán đài đứng nhằm tránh CĐV làm loạn. Bundesliga là giải đấu hiếm hoi ở châu Âu vẫn còn khán đài đứng phục vụ những CĐV cuồng nhiệt nhất. Khán đài đứng phía nam sân Signal Iduna Park với 25.000 CĐV tạo thành “bức tường vàng” nổi tiếng của Dortmund.

Có lẽ, chỉ người Đức mới làm được điều đó. “Kinh nghiệm tổ chức của chúng tôi ở sân vận động tốt hơn các nước khác. Những khán đài đứng đều rất an toàn và quy củ, cho phép CĐV có trải nghiệm tuyệt vời nhất. Trong khi, các nước khác đều cấm khán đài đứng. Ở Đức, chúng tôi quan niệm mọi CĐV đều có thể tới xem Bundesliga, dù giàu nhất hay nghèo nhất”, Peter cho biết.

Tại Bundesliga mùa này, giá vé vào sân dao động từ 15,2 tới 70,6 euro. Để so sánh cần biết giá vé rẻ nhất tại Premier League 2019/20 đã là 25 euro và đắt nhất lên tới 110 euro. Người Đức mở rộng cửa sân cho mọi thành phần khán giả trong nền bóng đá phục vụ xã hội hóa. Còn người Anh xem bóng đá là một ngành kinh doanh tỷ đô. 

Cũng vì CĐV được đặt lên cao nhất, Bundesliga cho phép khán giả mua bia mang vào sân. Một cốc bia có giá khoảng 4 euro tại hầu hết các SVĐ tại Bundesliga, rẻ hơn 2 euro so với một cốc bia tại sân Stamford Bridge. Nói CĐV Đức “sướng” nhất châu Âu là vì thế.

Ở chiều ngược lại, các CĐV cũng có trách nhiệm và ý thức rất cao với CLB. Họ đồng hành và phối hợp chặt chẽ với CLB trong các chiến dịch chống phân biệt chủng tộc, chống kỳ thị người đồng tình và nhiều vấn đề xã hội khác. Các hội CĐV cũng là lực lượng đi đầu chống lại xu thế thương mại hóa, điển hình như làn sóng đòi bỏ trận đấu diễn ra vào tối thứ Hai tại Bundesliga. Trận đấu muộn nhất của vòng đấu trên thực tế chỉ để phục vụ tối đa hóa doanh thu bản quyền truyền hình, nhưng lại cản trở các CĐV tới sân trong ngày đầu tiên đi làm (nhất là các trận sân khách).

Những CĐV tại Bundesliga không chỉ là cầu thủ thứ 12, họ còn là biểu tượng của một nền bóng đá giàu bản sắc cộng đồng và giá trị nhân văn. 9 vòng đấu tới, trái bóng sẽ lăn trong nỗi nhớ từ trên khán đài.

Schalke không học theo M’gladbach
Giám đốc marketing của Schalke, Alexander Jobst, khẳng định họ không cần bất cứ giải pháp thay thế nào cho những khán đài trống vắng. “Trong quá trình chuẩn bị cho các trận đấu không khán giả, chúng tôi nhận được nhiều ý tưởng mô phỏng bầu không khí cuồng nhiệt trên SVĐ, như in hình CĐV lên bìa cứng hoặc giả lập tiếng hò hét của CĐV. Nhưng chúng tôi không làm gì cả. Bởi chỉ có CĐV mới tạo nên bầu không khí thực sự. Nếu tìm cách mô phỏng, đó không còn là Schalke”, Jobst nói. Trước đó, M’gladbach gây chú ý khi cho phép CĐV in hình lên bìa cứng và đặt trên khán đài nhằm mô phỏng bầu không khí cổ động. 

XEM THÊM

Eriksen bị cảnh sát 'sờ gáy', không dám ở nhờ nhà Young và Lukaku trong dịch Covid-19

Đang tỏa sáng ở Liverpool, Van Dijk bất ngờ cân nhắc giải nghệ ở tuổi 28

HLV Klopp tiết lộ bí quyết giữ kỷ luật ở Liverpool trong dịch Covid-19

    Bình Luận