Bundesliga: Thiên đường cho người Mỹ

Làn sóng thâm nhập Bundesliga của giới cầu thủ Mỹ đã nhen nhóm trong nhiều năm qua. Và đến mùa này, nó thực sự bùng nổ với 12 cái tên thuộc biên chế 11 CLB. Làm thế nào để lý giải hiện tượng này?
Bundesliga: Thiên đường cho người Mỹ
Mối lương duyên hình thành từ nửa thế kỷ
Người Mỹ đánh dấu sự hiện diện ở Bundesliga từ 54 năm trước (năm 1964), khi Hamburg phát hiện ra Andy Mate và mang về nước Đức. “Cứ đưa bóng cho Andy, cậu ta khắc biết cách ghi bàn”, HLV Geza Henni khi đó chỉ thị cho các cầu thủ Hamburg. Nhưng tiền đạo người Mỹ lại quá tệ, chỉ có vỏn vẹn 2 bàn và buộc phải hồi hương chỉ sau 1 năm. 

Sau Andy, mối lương duyên giữa người Mỹ và giải đấu hàng đầu nước Đức bị ngắt quãng tới 27 năm, cho đến khi Tom Dooley khoác áo Kaiserslautern năm 1991. Kể từ đó, các cầu thủ ở xứ cờ hoa lại bắt đầu tìm đến Đức, bao gồm một số cái tên khá nổi như Landon Donovan và Michael Bradley, nhưng không phổ biến. 


Việc người Mỹ chơi bóng tại Bundesliga chỉ thực sự bùng nổ trong một vài năm trở lại đây. Mùa giải trước, có 10 cầu thủ và mùa này có đến 12 người thuộc biên chế 11 CLB. Con số này là một kỷ lục. Trong lịch sử chưa từng có giải vô địch châu Âu nào có nhiều cầu thủ Mỹ đến vậy trong một mùa giải. Chưa hết, ngoài 12 cầu thủ nói trên, còn có tới 7 cầu thủ khác đang chơi cho các đội trẻ. 

Cái tên nổi bật nhất dĩ nhiên là Christian Pulisic của Dortmund, mặc dù chưa bước sang tuổi 20 nhưng đã có 71 lần ra sân ở hạng đấu cao nhất nước Đức, đồng thời 21 trận khoác áo ĐTQG. Weston McKennie cũng là một tài năng sáng giá. Mùa trước tiền vệ này đã gây dựng chỗ đứng trong đội hình Schalke, qua đó kiếm được 4 trận chơi cho ĐT Mỹ. Kế đến là John Brooks, hậu vệ trị giá 20 triệu euro của Wolfsburg và trong trận mở màn gặp Schalke đã ghi bàn mở tỷ số. Một người Mỹ khác cũng có bàn thắng ở vòng 1 là Fabian Johnson, mang về thắng lợi cho M’gladbach.   

Sự kết hợp hoàn hảo
Tại sao Bundesliga bỗng trở thành miền đất hứa cho cánh cầu thủ Mỹ? Nó là kết quả của nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của giải đấu hàng đầu nước Đức trên toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ, nhằm cạnh tranh với Premier League hay La Liga. Trong khoảng từ năm 2014 tới nay, rất nhiều CLB Đức, như Bayern hay Schalke, Leverkusen và Dortmund, đặt văn phòng đại diện hoặc xây dựng các trung tâm huấn luyện trên khắp đất nước cờ hoa. 


Để lôi kéo sự chú ý của khán giả Mỹ, họ cũng cố gắng sở hữu một vài tài năng quốc tịch Mỹ, đồng thời liên kết với các CLB bản địa để lôi kéo cầu thủ trẻ. Michael Schade, GĐĐH của Leverkusen từng nói, giấc mơ lớn của ông là có một ngôi sao Mỹ trong đội hình và anh ta sẽ ghi bàn mỗi tuần. Tiếc là ông vẫn chưa kiếm được ai như vậy. Trong khi đó, đội hiện dẫn đầu là Schalke với McKennie ở đội một và 3 cầu thủ khác đang chơi cho đội trẻ. 

Về phần cầu thủ Mỹ, vốn bị cho là thiếu kỹ thuật cũng như tư duy chiến thuật, Bundesliga được coi là lựa chọn tốt nhất ở châu Âu. Ngoài ra, văn hóa Đức cũng khá cởi mở và mang tính đại chúng, không quá đặc thù như Anh, Tây Ban Nha hay Italia. Họ vừa hòa nhập dễ dàng hơn, lại luôn có cơ hội để tham gia vào đội chính bởi môi trường cạnh tranh không quá khốc liệt. 

Vì vậy, mối lương duyên này chỉ có lợi cho cả hai, các đội bóng Đức và cầu thủ Mỹ. Dĩ nhiên, nó sẽ còn phát triển mạnh. 

Người có thâm niên, kẻ chưa bắt đầu
Trong số 12 cầu thủ Mỹ, thâm niên nhất là Fabian Johnson (M’gladbach) khi đang ở mùa thứ 10 tại Bundesliga (ra sân 181 trận), sau đó là Timmy Chandler (Frankfurt) đang chơi mùa thứ 8 (193 trận). Trong khi đó, 3 người vẫn đang chờ đợi lần đầu ra mắt giải đấu là Jonathan Klinsmann (Hertha), Timothy Tillman (Nuremberg mượn từ Bayern) và Josh Sargent (Bremen).

17 - Fabian Johnson hiện là cầu thủ Mỹ ghi nhiều bàn thắng nhất ở Bundesliga, với 17 bàn (5 cho Hoffenheim và 12 cho M’gladbach). Christian Pulisic, 19 tuổi nhưng đang có 9 bàn. Nếu tiếp tục gắn bó với Dortmund, việc soán ngôi Johnson chỉ là vấn đề thời gian.
    Bình Luận