Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Uli Hoeness cho rằng Dortmund thiếu khôn ngoan trong chiến lược chuyển nhượng. Ngầm hiểu: chuyển nhượng thật ra cũng chỉ là một trong những hoạt động bóng đá quan trọng. Vì chuyển nhượng thiếu khôn ngoan mà Dortmund thất bại trong một vấn đề tổng quát hơn, quan trọng hơn: mãi mãi không thể vươn mình thành một trong những CLB khổng lồ, như... Bayern!
Hoeness bàn: “Nếu Dortmund mua được một tài năng lớn, và anh ta thi đấu xuất sắc, bạn sẽ nhanh chóng nghe được thông tin, có khi từ chính Dortmund, rằng tài năng ấy sẽ được bán đi ở thời điểm nào đó.
Theo tôi, như thế là thiếu khôn ngoan. Làm sao một cầu thủ có thể tâm huyết tuyệt đối với đội bóng, khi anh ta cảm nhận được rằng mình sẽ bị bán đi. Chúng tôi không bao giờ làm như vậy. Bayern không bao giờ ký hợp đồng với cầu thủ chỉ vì lý do kinh tế. Một cầu thủ gia nhập Bayern luôn có cảm nhận rằng anh ta sẽ gắn bó với Bayern mãi mãi. Nếu Dortmund không thay đổi chính sách hiện thời, cầu thủ của họ sẽ chẳng bao giờ có thêm động lực để thi đấu trên cả khả năng thực, trong các trận đấu quan trọng”.
Ousmane Dembele, Christian Pulisic, Pierre-Emerick Aubameyang là các ngôi sao đã liên tục chia tay Dortmund trong thời gian gần đây, đem lại những lợi nhuận lớn cho CLB. Jadon Sancho có thể là trường hợp tiếp theo, trong mùa Hè này. Không khó hình dung hệ lụy về sức mạnh chuyên môn của Dortmund, tất nhiên là tỷ lệ nghịch với lợi ích kinh tế.
Giám đốc thể thao Michael Zorc của Dortmund lập tức đáp trả Hoeness: “Thật là kiêu ngạo. Cứ việc có thêm khoảng 250 triệu mỗi năm, bạn muốn làm gì chẳng được”. Chủ tịch Dortmund, Reinhard Rauball thì cho rằng tốt hơn hết là “Hoeness đừng nói gì cả”. Bình thường đã không quá giàu, giờ lại gặp cảnh kinh tế sa sút trong thời đại dịch, Dortmund và những CLB còn lại ở Bundesliga chỉ lo không có cầu thủ giỏi để bán. Đâu ai thừa mứa nhờ tiền tài trợ nhiều như Bayern để ung dung xây dựng lực lượng hoàn hảo.
Có thể hình dung: Hoeness mải lo “rao giảng đạo lý” vì Bayern quá giàu, trong khi những đội còn lại ở Bundesliga đều có ngân sách eo hẹp và đối với họ thì “có thực mới vực được đạo”. Nhưng ở đây, vấn đề còn là ai nói cũng được, trừ... Hoeness. Cứ trưng cầu ý kiến, kết quả sẽ không bao giờ thay đổi: Bayern vừa là đội bóng được ưa thích nhiều nhất, vừa là đội bóng bị ghét bỏ nhiều nhất ở Đức. Hoeness, với 40 năm điều hành, chính là tác giả làm nên một Bayern như vậy.
Gần đây, Bayern của Hoeness đã lần lượt lội kéo Robert Lewandowski, Mario Goetze, Mats Hummels của Dortmund về với họ. Trước đây là Michael Tarnat, Thorsten Fink, Oliver Kahn của Karlsruhe. Nurember hoặc Leverkusen... đều không phải ngoại lệ: cứ đội bóng nào nổi lên với thế hệ cầu thủ đầy tài năng là y như rằng, họ sẽ bị lôi kéo sang Bayern và đội bóng cũ của họ suy yếu đến mức không ngóc đầu lên nổi nữa.
Tài điều hành, quản lý của Hoeness là vô song rồi. Bóng đá đỉnh cao thì luôn khắc nghiệt đến nỗi người ta có thể dụng mọi thủ đoạn để hướng tới thành công. Nhưng Bayern nói chung hoặc Hoeness nói riêng bị ghét là bởi họ sẵn sàng đạp lên mọi đối thủ để tiến đến chỗ vô đối, rồi cứ thích “nói đạo lý”.
Hoeness vĩ đại như thế nào? Tuy là thành viên của thế hệ xuất chúng từng 3 lần liên tiếp đoạt Cúp C1 với Bayern trong thập niên 1970, vô địch EURO 1972 và World Cup 1974, Uli Hoeness vẫn nổi tiếng hơn trong việc điều hành Hùm xám. Khi ông bước vào lĩnh vực này, năm 1979, Bayern có 12 nhân viên, đạt thu nhập 12 triệu mark, nợ 8 triệu mark. Trước khi Hoeness chia tay năm 2019, Bayern có hơn 1.000 nhân viên, đạt thu nhập 657 triệu euro! |
XEM THÊM
Dortmund đón thần đồng bóng đá Anh bằng ca khúc kinh điển của The Beatles
Man City tính phá kỷ lục chuyển nhượng dành cho trung vệ của Atletico
Bình Luận