Lương duyên cầu thủ Nhật Bản - Bundesliga

Daichi Kamada và Makoto Hasebe của Frankfurt đang chuẩn bị so tài với Masaya Okugawa bên phía Bielefeld trong trận đấu sớm của vòng 20 Bundesliga. Từ bao giờ, các ngôi sao Nhật Bản lại chiếm lĩnh sân khấu, được chú ý nhiều như thế, trước một trận đấu trên sân cỏ Đức?
Lương duyên cầu thủ Nhật Bản - Bundesliga

Người ta từng nói Brazil là “vựa” xuất khẩu cầu thủ lớn nhất thế giới qua mọi thời đại (mà bây giờ chắc cũng vậy). Có lúc, báo chí Đức so sánh các CLB Bundesliga chỉ bằng cách điểm danh xem đội nào có cầu thủ Brazil nhiều hơn, hoặc ngôi sao Brazil của đội nào sáng hơn.

Nhưng, thật kinh ngạc khi số cầu thủ Nhật đang chơi bóng ở Bundesliga mùa này (8 cầu thủ) nhiều hơn cả số cầu thủ Brazil (7). Số cầu thủ Nhật đang chơi bóng ở Bundesliga chỉ xếp sau 8 nước khác, mà 7 trong số đó là các nước châu Âu. Ngoài Brazil, còn có rất nhiều cường quốc bóng đá nổi tiếng về việc “xuất khẩu cầu thủ” hiện có số đại diện ở Bundesliga ít hơn cầu thủ Nhật. Argentina, Croatia, Serbia, Czech, Bồ Đào Nha, Nigeria, Ghana… Các nền bóng đá tương đồng hoặc liên quan chặt chẽ về xã hội, lịch sử, dẫn đến tình trạng có nhiều cầu thủ chơi bóng ở Đức, như Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng không có nhiều cầu thủ ở Bundesliga mùa này như Nhật. So trong làng cầu châu Á thì cầu thủ Nhật ở Bundesliga nhiều gấp 4 lần cường quốc láng giềng Hàn Quốc, hoặc nhiều gấp đôi so với tổng số cầu thủ châu Á trừ Nhật!

Tất cả chỉ mới là một nửa vấn đề. Ở khía cạnh ngược lại, Bundesliga cũng là “địa chỉ yêu thích nhất” của cầu thủ Nhật. Giải vô địch Đức quy tụ số cầu thủ Nhật đông hơn tổng số cầu thủ Nhật ở cả 4 giải đấu còn lại trong 5 cường quốc bóng đá hàng đầu châu Âu. Phù hợp với nhau, theo cả hai chiều, nên mới khẳng định mối lương duyên quá tuyệt vời giữa cầu thủ Nhật và giải Bundesliga.

Nhìn chung, cầu thủ Nhật có những đặc điểm phù hợp với trường phái bóng đá Đức. Ý thức kỷ luật có lẽ là chỗ tương đồng quan trọng nhất, xét về chuyên môn. Nhưng thật ra, đây đã là câu chuyện vượt xa phạm trù chuyên môn, từ bao năm nay. Hãy bắt đầu từ câu chuyện quota, mà Bundesliga là giải đấu lớn thuận lợi nhất cho cầu thủ Nhật.

Okugawa (áo sẫm) đang là chân sút số một của Bielefeld, sắp đối đầu với 2 cầu thủ đồng hương Kamada - Hasebe (ảnh chủ)  của Frankfurt ở vòng 20

Giải Premier League của Anh tuy không giới hạn số lượng cầu thủ ngoài khối EU, nhưng lại có quy định “giấy phép hành nghề” rất ư bảo thủ. Trên nguyên tắc, mọi cầu thủ nước ngoài đều phải vượt qua rào cản này trước khi xuất hiện ở Premier League. Trong nhiều trường hợp, đấy chỉ là vấn đề thủ tục thuần túy. Nhưng một cầu thủ trẻ đến từ Nhật, chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế, chưa hoặc ít khoác áo ĐTQG, giá chuyển nhượng không cao, thì không dễ được cấp phép. Lấy đâu ra nhiều “Shinji Kagawa”! Ở Serie A, quy định về cầu thủ bên ngoài khối EU rất phức tạp và thường xuyên thay đổi, nhưng nói chung là có giới hạn, không phải CLB muốn tuyển bao nhiều cầu thủ ngoài khối EU cũng được. Ở La Liga, mỗi CLB chỉ được tuyển mộ tối đa 3 cầu thủ ngoài khối EU. Chỉ có Bundesliga là hoàn toàn mở rộng cửa cho các cầu thủ ngoài khối EU. Đây là câu chuyện chính trị, xã hội, chứ không còn là bóng đá nữa.

Hồi Kagawa tỏa sáng trong màu áo Dortmund, báo giới sang Nhật tìm hiểu ngọn ngành và mới biết rằng Kagawa thật ra được tự do chuyển nhượng từ CLB Cerezo Osaka, chứ không phải có giá 350.000 euro “giải phóng hợp đồng” như sự thể hiện trên mặt báo. Chuyển nhượng giá rẻ, trong những trường hợp cụ thể, có thể là sự xúc phạm đối với mọi phía liên quan. Trên thực tế, đấy chỉ là tiền tài trợ của Dortmund để Cerezo phát triển lò trẻ, như một sự phải phép đối với thái độ dễ dàng của đội này. Bất cứ cầu thủ nào có cơ hội ký hợp đồng với các CLB lớn ở châu Âu thì ngay lập tức Cerezo cho phép ra đi để cầu thủ ấy phát triên sự nghiệp. Thỏa thuận ngầm này sau đó trở nên phổ biến khắp các CLB Nhật.

Cứ phải theo lẽ tự nhiên. Sân cỏ Bundesliga và các ngôi sao Nhật luôn thích nhau trước tiên vẫn là vì những Kagawa, Makoto Hasebe, Shinji Okazaki, Shinji Ono, Naohiro Takahara, Hiroki Sakai… đều đã thật sự thành công. Các yếu tố chính trị, xã hội bất quá cũng chỉ phụ họa. Riết rồi cầu thủ Nhật thật sự là một thương hiệu trên sân cỏ Đức. Mùa trước, Hasebe đã là cầu thủ lớn tuổi nhất Bundesliga. Vậy mà bây giờ, anh vẫn đang được Eintracht tin dùng!

Bayern tăng cường hợp tác với Nhật Bản
Cách đây không lâu, giám đốc điều hành Oliver Kahn của Bayern vừa tiết lộ: Bayern vừa gia hạn một bản hợp đồng mang tính liên kết giữa CLB số 1 Bundesliga với LĐBĐ Nhật Bản. Đôi bên là đối tác của nhau trong các chương trình phát triển bóng đá. Khuyến khích các tài năng trẻ của bóng đá Nhật gia nhập lò trẻ Bayern chẳng hạn. Sự hợp tác này bao gồm cả bóng đá nam lẫn bóng đá nữ.

36. Không riêng mùa này, mà trong toàn bộ lịch sử, số lượng cầu thủ Nhật Bản chơi bóng ở Bundesliga cũng nhiều hơn hẳn so với cầu thủ Hàn Quốc. Tổng cộng có 36 cầu thủ Nhật từng chơi bóng ở Bundesliga, gần gấp đôi so với cầu thủ Hàn Quốc (19).

Okugawa được so sánh với Kagawa
Tiền vệ công Masaya Okugawa của Arminia Bielefeld đang được so sánh với ngôi sao lừng lẫy một thời Shinji Kagawa, khi anh chơi rất thành công ngay trong lần đầu xuất hiện (từ đầu mùa) ở Bundesliga. Okugawa từng ghi bàn trong 4 trận liên tiếp gần đây, hiện dẫn đầu danh sách ghi bàn cho Bielefeld (7 bàn) ở Bundesliga, hơn gấp đôi so với người kế tiếp. Anh có lối chơi khá tương đồng với Kagawa - cầu thủ Nhật từng ghi bàn nhiều nhất ở Bundesliga và các cúp châu Âu.

    Bình Luận