Max Meyer: Bi kịch của "Messi nước Đức"

Từng được coi là tài năng sáng giá nhất Bundesliga, thậm chí được gọi là “Messi nước Đức”, nhưng Max Meyer đang thất nghiệp ở tuổi 22, sau khi vừa hết hợp đồng với Schalke. Vì sao tên tuổi này vẫn chưa thể tìm được bến đậu mới?
Max Meyer: Bi kịch của "Messi nước Đức"

Đi lên từ “đường chuyền 20 triệu euro”

Max Meyer - cậu bé có chiều cao 1m70, đã có cả thế giới dưới chân mình vào năm 17 tuổi. Ra mắt ở lứa tuổi sao mai, Meyer cho thấy sự thấp bé không thể cản trở để anh thể hiện trong thế giới bóng đá. Chỉ đá 10 trận ở mùa đầu tiên cho Schalke, mỗi lần Meyer xỏ giày vào sân là một bữa tiệc mãn nhãn. Anh có năng khiếu thật sự, bởi những thứ như khả năng đi bóng, nhãn quan chiến thuật và những đường kiến tạo ở độ tuổi ấy không thể là sản phẩm của tập luyện. Meyer thậm chí tự tin mặc áo số 7 từ huyền thoại Raul Gonzalez tại Schalke ngay ở mùa thứ hai, ở tuổi 18. Năm đó, chân sút sinh năm 1995 này ghi được 6 bàn. 

Tài năng của Meyer khiến người ta liên tưởng đến Lionel Messi. Danh hiệu “Messi nước Đức” bắt đầu được gán cho tiền vệ này từ năm 2013, sau màn trình diễn trước PAOK, tại trận play-off Champions League. Hôm đó, Meyer làm đảo điên hàng thủ đối phương bằng những pha rê dắt tuyệt hảo, dù đó mới là trận đầu tiên của anh ở đấu trường này. Trận lượt về với PAOK, Meyer vào sân ở hiệp 2 và ngay lập tức kiến tạo để Julian Draxler lập công, đưa Schalke vượt lên. Meyer được thay ra chỉ 8 phút sau pha bóng xuất thần đó, vì Schalke cần bảo toàn tỷ số thắng chung cuộc trước đại diện Hy Lạp. Truyền thông Đức hôm sau gọi pha kiến tạo ấy của Meyer là “đường chuyền 20 triệu euro”, vì nó giúp đội bóng vùng than dự vòng bảng Champions League năm đó.

Giới săn tin bắt đầu quan tâm đến cuộc sống của chàng trai 18 tuổi này. Không như phần lớn thanh niên phương Tây khác, Meyer sống chung với bố mẹ và cũng không có ý định ra ở riêng. “Tôi không bao giờ phải dọn dẹp phòng của mình, vì đã có mẹ tôi, dù bà luôn ca thán thói bừa bộn của tôi. Nhưng tôi hiểu, bà ấy muốn làm điều ấy cho tôi và trên hết là bà muốn tôi ở nhà”, anh kể lại. Nghe có vẻ không được tự lập cho lắm, nhưng khi Meyer thành công, báo chí gọi một cuộc sống như thế là “giản dị” và “yên bình”. Anh chắc cũng không ngờ rằng, bão tố đã sắp xảy ra.

Max Meyer xuống dốc không phanh khi bị truyền thông Đức soi mói cuộc sống cá nhân
Max Meyer xuống dốc không phanh khi bị truyền thông Đức soi mói cuộc sống cá nhân

Sự mất tích của một “Messi”

Những ngày tháng tươi đẹp của vài mùa giải đầu tiên nhanh chóng trôi qua, Meyer đối diện với hiện thực mà mọi cầu thủ trẻ khác đều gặp: làm bạn với băng ghế dự bị, nhường chỗ cho những cầu thủ giàu kinh nghiệm hơn.

Mùa 2016/17, dù gây được ấn tượng với HLV Markus Weinzierl trong những buổi tập, nhưng phong độ ổn định của Leon Goretzka, Amine Harit và một loạt các lựa chọn khác khiến Meyer không được tin tưởng. Anh không được chơi ổn định ở một vị trí. Lúc thì HLV Weinzierl dùng anh trong vai trò tiền vệ tấn công. Khi thì anh được ông cho thử sức với vị trí số 9. 

Trước Stuttgart tại Bundesliga năm đó, Meyer bị thay ra khi tỉ số là 1-1. Anh vừa rời sân, Schalke ghi liền hai bàn rồi thắng chung cuộc 3-1. Một kịch bản giàu sức liên tưởng cho vai trò của cầu thủ tấn công này tại CLB: Không có anh, Schalke vẫn chạy tốt.

Chỉ đến khi Tedesco dẫn dắt Schalke, ông mới tìm thêm cơ hội cho Meyer ở vị trí... tiền vệ phòng ngự. Và một “Messi” đã mất tích khỏi vị trí trên tuyến đầu của mình như vậy, khi bất ngờ chơi cực hay ở vị trí mà chẳng ai nghĩ anh có thể đáp ứng. Anh phát huy khả năng đọc trận đấu và những đường chuyền sát thủ từ tuyến dưới. Trong số các tiền vệ đạt mốc chuyền trên 1.000 đường tại Bundesliga mùa trước, chỉ Thiago, Tolisso và James Rodriguez của Bayern có tỉ lệ chuyền chính xác cao hơn Meyer (89%).


Nhưng khi bắt đầu thể hiện được mình ở vai trò mới, Meyer lại quyết định không kí hợp đồng mới với đội chủ sân Veltins Arena. Ông Tedesco, người tái sinh Meyer và từng một lần thốt lên: “Tôi không thể ngờ thằng nhóc này có thể đá tốt đến như vậy”, tiếc nuối tột độ. Là một sản phẩm của học viện Schalke, giám đốc thể thao Christian Heidel muốn Meyer gắn bó với đội bóng. Nhưng ông này lại cực kì giận dữ với thói vòi vĩnh của Roger Wittman, người đại diện của Meyer, nên các cuộc thương lượng đều đổ bể. Và thế là Meyer trở thành cầu thủ tự do từ ngày 30/6 vừa rồi, khi hợp đồng với Schalke đáo hạn.

Cho đến nay, anh vẫn chưa thể tìm được bến đỗ cho mình. Mức lương khoảng 90.000 euro/tuần mà anh yêu cầu, đã bị Liverpool và Arsenal từ chối thẳng thừng.

Các đội bóng lớn lần lượt từ chối Meyer
Sau Liverpool và Arsenal, một loạt đội bóng lớn khác đã liên hệ với Meyer nhưng rồi phải quay đi. Đó là Fenerbahce (Thổ Nhĩ Kỳ), Marseille (Pháp). Sau đó AC Milan, Atletico cũng tham gia đàm phán, nhưng không đạt được thỏa thuận về mức lương. Hiện Hoffenheim đã vào cuộc đua để hy vọng có thể cứu vớt “thần đồng” của bóng đá Đức.

Meyer cảm thấy bị Schalke xúc phạm
Trả lời tờ Bild, tài năng 22 tuổi này thể hiện sự tức giận với GĐTT Heidel của Schalke. “Tôi không muốn ở lại và làm việc với Heidel, vì cảm thấy mình bị bắt nạt”, anh nói. Tuy nhiên, phía Heidel và Schalke lại bắn tin ra ngoài rằng, Meyer đòi mức lương quá cao và họ không thể đáp ứng.
    Bình Luận