Với những cầu thủ thất nghiệp dài ngày, khả năng được một CLB để ý và ký hợp đồng gần như bằng không. Vì vậy, mô hình trại tập luyện dành cho họ ra đời, mang đến cơ hội tuyệt vời để cứu vãn sự nghiệp.
Một cơ hội mới…
Guy Ramos là một trung vệ, từng chơi cho Roda JC ở giải VĐQG Hà Lan. Nhưng chấn thương đầu gối nghiêm trọng đã khiến anh bị cắt hợp đồng vào năm 2015. Trong một thời gian dài Guy Ramos không thể kiếm được CLB mới. “Thật khó để thuyết phục một đội bóng chấp nhận ký hợp đồng với người đã rời xa sân cỏ hơn 2 năm, lại đã 33 tuổi”, cầu thủ người Cape Verde nói.
Rồi Guy Ramos tìm đến trại tập luyện dành cho cầu thủ thất nghiệp do Hiệp hội cầu thủ Hà Lan điều hành. Ở đó anh không có tiền lương, nhưng được ăn uống và cấp phát trang phục thi đấu của đội bóng được gọi là VVCS. Quan trọng nhất là tập luyện mỗi ngày, đồng thời chơi 5 trận trong một tuần dưới sự chỉ đạo của HLV John van Loen, một cựu tiền đạo. Chưa hết, Guy Ramos và những người khác còn mau chóng gây dựng lại nền tảng thể lực bởi sự hỗ trợ của chuyên gia Rob Druppers, VĐV từng giành Huy chương bạc nội dung chạy 800m ở giải vô địch điềm kinh thế giới năm 1983.
Guy Ramos
“Mục đích cuối cùng là giúp các cầu thủ tìm được CLB mới”, Giám đốc Arjan Ebbinge nói, “Và tập luyện ở đây cũng tương tự như quá trình chuẩn bị trước mùa giải, để tất cả sẵn sàng nếu được nhận. Họ được trang bị thể lực tốt, cũng như tinh thần tốt”. Ebbinge tiết lộ thêm, trại tập luyện luôn cố gắng quảng bá về VVCS trên phương tiện truyền thông xã hội và mời các tuyển trạch viên tới quan sát trại tập luyện.
Nhờ vậy, vào tháng 7 vừa qua Guy Ramos đã được CLB ở Morocco, Chabab Rif Al Hoceima ký hợp đồng. Ngoài trung vệ 33 tuổi còn 7 người khác, trong số 16 người thuộc VVCS, tìm thấy bến đỗ cho mình. May mắn nhất có lẽ là Mike Havekotte. Sau 3 năm ngồi chơi xơi nước, thủ môn này sẽ khoác áo ADO Den Haag, đội bóng đứng thứ 7 giải VĐQG Hà Lan mùa trước.
… sinh ra từ môi trường hoàn hảo
“Nếu không có trại tập luyện này, tôi không bao giờ được kết nối với Chabab Rif Al Hoceima và ký hợp đồng”, Guy Ramos tâm sự, “Tôi đã tập thành chăm chỉ và làm mọi thứ có thể để lấy lại phong độ tốt. Ở đây đã cho tôi cơ hội cuối cùng để thể hiện bản thân. Họ đã cứu sự nghiệp của tôi”.
Thực tế là những trại tập luyện kiểu này đã trở thành cứu cánh cho các cầu thủ thất nghiệp. Như ở Tây Ban Nha, nó được hình thành từ năm 2011 và được tổ chức 2 lần trong năm. 85% cầu thủ tham gia được ký hợp đồng. Vào năm ngoái, 71 trong số 78 người tìm thấy CLB mới.
Điều này một phần nhờ vào tính chuyên nghiệp của các trại tập luyện trên xứ sở đấu bò, với 2 HLV, một chuyên viên thể lực, HLV thủ môn, trinh sát, nhân viên truyền thông cùng các chuyên gia y học thể thao, dinh dưỡng và tâm lý trị liệu. Các cầu thủ còn được tham gia khóa học về ngôn ngữ và nhận được lời khuyên trong trường hợp muốn từ giã sân cỏ.
Điều đặc biệt là trại tập luyện còn mở ra cơ hội cho những cựu cầu thủ muốn trở thành HLV. Huyền thoại Real, Ivan Helguera từng làm HLV ở đây. Mùa Hè vừa rồi, phụ trách là cựu cầu thủ Real khác, Jaime Sanchez. Họ cũng có thể được một CLB nào đó để ý, mở ra chương mới trong sự nghiệp.
Nhiều ngôi sao chưa bến đậu
Ngoại trừ mùa chuyển nhượng tại Premier League và Serie A đã đóng cửa, các giải vô địch hàng đầu còn mua bán tấp nập tới ngày 31/8. Vẫn còn một tuần để không ít ngôi sao tên tuổi thoát được cảnh thất nghiệp. Điển hình như Claudio Marchisio, tiền vệ vừa chia tay Juventus sau 23 năm gắn bó. PSG đã liên hệ với cầu thủ dày dạn kinh nghiệm người Italia. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Một cái tên lừng danh khác là Yaya Toure. Ở tuổi 35, tiền vệ người Bờ Biển Ngà còn khá sung sức. Minh chứng là mùa giải trước Toure vẫn ra sân 17 trận trong màu áo Man City. Nhưng có lẽ điều khiến các đội bóng e dè khi tiếp cận lão tướng này là mức lương khá cao so với mặt bằng Premier League. Cầu thủ chạy cánh Bakary Sako cũng là một món hàng miễn phí chất lượng. Cầu thủ người Mali vừa chia tay Crystal Palace sau nửa mùa giải chìm trong chấn thương. Nhưng cần nhớ rằng trước khi chấn thương, Sako nằm trong số những cầu thủ chạy cánh hay nhất Premier League với 3 bàn sau 16 trận mùa giải vừa rồi.
Trên mặt trận tấn công, tiền đạo kỳ cựu Giuseppe Rossi vẫn chưa tìm được CLB. Cầu thủ người Italia có nửa mùa giải khá nhạt nhòa tại Genoa mùa trước với chỉ 1 bàn thắng sau 10 lần ra sân. Ở tuổi 31 và với tiền sử chấn thương dày đặc, Rossi không còn được nhiều đội bóng quan tâm. Hai ngôi sao thất nghiệp khác cũng sinh năm 1987 là Samir Nasri và Ben Arfa. Nasri mùa vừa rồi chỉ ra sân 8 lần tại Antalyaspor. Phong độ của tiền vệ tài hoa này đã sa sút rất nhiều so với thời khoác áo Man City. Tương tự là người đồng hương Ben Arfa sau một mùa giải bị “giam cầm” tại PSG.
Không nhiều đội bóng dám đặt cược vào cầu thủ có kèo trái khéo léo này, nhất là khi Ben Arfa có cá tính ương bướng và ngỗ nghịch.
Không có cầu thủ Anh thất nghiệp Xuất hiện ở Italia, Tây Ban Nha, Pháp và nhiều quốc gia khác ở châu Âu, nhưng trại tập luyện dành cho cầu thủ thất nghiệp không được tổ chức ở Anh. Theo chủ tịch hiệp hội cầu thủ Anh, Bobby Barnes, xứ sương mù có tới 92 CLB chuyên nghiệp và mang đến nhiều cơ hội, để không cầu thủ nào phải rơi vào tình trạng thất nghiệp. |
Bình Luận