Rạng sáng 1/5 (giờ Việt Nam), PSG chính thức giành chức vô địch Ligue 1 mùa thứ 3 liên tiếp. Sau một cuộc bỏ phiếu, Liên đoàn Bóng đá Pháp (LFP) thông báo rằng họ định đoạt mùa giải dựa trên số điểm trung bình của các đội.
Theo kết quả này, Rennes lần đầu được góp mặt ở sân chơi Champions League. Trong khi đó, Lyon, một đội bóng giàu thành tích của Pháp, chịu cảnh làm khán giả của sân chơi này sau 23 năm liên tiếp tham dự.
Sự bất lực của Lyon
Nếu giành chức vô địch Champions League, Lyon sẽ được tham dự mùa giải năm sau. Hiện tại, đội bóng này đi đến vòng 16 đội và đã giành chiến thắng 1-0 trước Juventus ở trận lượt đi trên sân nhà. Tuy nhiên, cửa vô địch của Lyon là không cao. Tỷ lệ thắng cho ai đặt cửa Lyon lên ngôi tại Champions League là 1 ăn 100.
Lyon còn có thể giành một suất dự Europa League nếu giành chiến thắng trước PSG trong tại cúp Liên đoàn Pháp. Tuy nhiên, với thông báo từ đại diện chính phủ, khả năng này cũng không còn.
"Các sự kiện thể thao lớn sẽ không thể diễn ra trước tháng 9. Mùa giải 2019/20, đặc biệt là bóng đá, sẽ không thể tiếp tục", Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói. Cánh cửa đặt chân đến các sân chơi tầm châu lục của Lyon gần như đóng sập.
Điều này dường như không công bằng với Lyon. Họ chỉ kém Nice, đội được dự Europa League đúng một điểm và giải đấu còn 10 vòng đấu nữa mới kết thúc.
"Lyon có quyền phản đối, đệ đơn kiện quyết định đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chúng tôi mất cơ hội tham dự các giải đấu tầm cỡ và việc nghỉ thi đấu khiến thiệt hại hàng chục triệu euro", Sky Sports dẫn lời đại diện Lyon.
Trước ngày phán quyết, Jean-Michel Aulas, chủ tịch Lyon gửi bản kế hoạch dài 23 trang lên LFP để đề xuất việc định đoạt Ligue 1 bằng cách đá play-off. Thời gian thi đấu chỉ kéo dài khoảng 3 tuần nhưng có thể đảm bảo sự công bằng cũng như mang lại các nguồn thu khác. Tuy nhiên, kế hoạch này không được đồng ý, còn Lyon cũng mất cơ hội dự cúp châu Âu.
Một đội bóng khác cũng không hài lòng với quyết định của LFP là Amiens, đội sẽ phải xuống chơi ở Ligue 2 mùa tới. Họ mất đi cơ hội bảo vệ suất trụ hạng khi chỉ kém đội xếp trên 4 điểm. Khoảng cách này hoàn toàn có thể san lấp trong 10 trận còn lại của giải.
"Chúng tôi sẽ chiến đấu hết mình để bảo vệ quyền lợi vì chúng tôi cho rằng quyết định này không thỏa đáng. Chúng tôi sẽ chờ đợi thêm những thông báo từ LFP. Chúng tôi cũng có quyền kiện để đòi công bằng", ông Bernard Joannin, chủ tịch Amiens chia sẻ.
Các đội bóng Ligue 1 còn phải chịu chung thiệt hại. Theo L'Equipe, tờ nhật báo thể thao hàng đầu nước Pháp, 2 nhà đài là beIN Sports và Canal+ từ chối trả khoản tiền bản quyền còn lại do mùa giải chấm dứt. Con số này là 243 triệu euro.
Không chỉ ở Pháp, một HLV tại Hà Lan cũng bức xúc vì việc mùa giải kết thúc ngay lập tức. Henk de Jong, HLV đội Cambuur, không ngần ngại chỉ trích việc hủy bỏ kết quả ở các giải bóng đá chuyên nghiệp Hà Lan khiến đội bóng của ông mất quyền lên hạng.
Ông còn gọi đây là bê bối lớn nhất lịch sử thể thao Hà Lan. Còn Hakim Ziyech, cầu thủ của Ajax, gọi quyết định của Liên đoàn Bóng đá Hà Lan là điều nhảm nhí. Rõ ràng, việc hủy mùa giải dấy lên không ít vấn đề.
Số phận của các giải đấu còn lại
Trong khi 2 nước láng giềng là Pháp và Hà Lan đã quyết định hủy bỏ mùa giải thì số phận của các giải đấu tại Đức vẫn chưa được định đoạt. Thủ tướng Angela Merkel cho biết việc đưa Bundesliga trở lại sẽ được xem xét vào ngày 6/5 và các trận đấu có thể diễn ra sớm nhất vào ngày 16/5.
Tại Tây Ban Nha, các thông tin về việc mùa giải trở lại vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, Thủ tướng Italy, ông Giuseppe Conte cho phép các đội thể thao chuyên nghiệp có thể tiếp tục tập luyện vào ngày 18/5.
Giải đấu được nhiều người quan tâm nhất chính là Premier League. Chỉ tính riêng tại Anh, số tiền bản quyền truyền hình tổn thất lên đến gần 1 tỷ bảng. Do đó, đại diện các câu lạc bộ liên tục thảo luận để đưa ra các phương án nhằm tránh việc hủy mùa giải.
Hôm 1/5, hàng loạt phương án được đề xuất trong cuộc thảo luận của 20 đội bóng là: Các cầu thủ phải đeo khẩu trang mọi lúc, cấm khạc nhổ tại sân tập, những người liên quan được xét nghiệm cùng các vấn đề về hô hấp khác 48h trước khi trở lại tập luyện.
Tất cả các thiết bị phục vụ thi đấu như cột cờ góc, cột gôn, hệ thống định vị... đều được khử trùng trước và sau khi sử dụng bởi nhân viên mang thiết bị bảo hộ. Ôtô đỗ cách nhau 3 ô trong bãi gửi xe. Các cầu thủ không massage, trừ khi được chỉ định bởi bác sĩ và tập luyện theo từng nhóm 5 người.
Không chỉ vậy, chính phủ Anh cũng khá ủng hộ việc Premier League trở lại. Họ tin rằng điều này sẽ mang lại một cú hích cho nền kinh tế nước này. Bộ trưởng bộ Văn hóa và Thể thao của Anh Oliver Dowden cho biết ông đã đề cập vấn đề này với chính phủ.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, chính phủ Anh cũng đồng tình với phương án dự kiến mà ban tổ chức Premier League đưa ra, đó chính là thi đấu tập trung. Ngoài ra, cảnh sát vùng Merseyside cũng chuẩn bị các kế hoạch thắt chặt an ninh bên ngoài sân Anfield trong trường hợp Liverpool lên ngôi vô địch.
Các bên liên quan đang nỗ lực hết mình để đưa Premier League trở lại vào đầu tháng 6. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, giải đấu này dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 7.
Bình Luận