Bên trong "nhà máy" sản xuất tài năng của Lyon: Tre chưa già, măng đã mọc

Đâu là điểm chung giữa Benzema, Lacazette, Umtiti và Martial? Tất cả được quy về điểm bắt đầu sự nghiệp: Lyon. Không phải đến khi đánh bại Man City và cầm hòa Barcelona ở Champions League mùa này, Lyon mới gây ấn tượng tại châu Âu. Kể từ khi trở lại Ligue 1 vào thập niên 90, Lyon luôn là CLB giàu bản sắc nhất nước Pháp.
Bên trong "nhà máy" sản xuất tài năng của Lyon: Tre chưa già, măng đã mọc
Bản sắc - bí quyết duy trì vị thế
Xét về mặt thành tích, Lyon là đội bóng thi đấu ổn định nhất nước Pháp trong 20 năm qua. Ngoại trừ mùa giải 2013/14 cán đích ở vị trí thứ 5, Lyon luôn nằm trong Top 4 đội dẫn đầu Ligue 1. Dù đỉnh cao với 7 chức vô địch Ligue 1 liên tiếp (từ 2002 đến 2008) đã qua từ lâu, nhưng Lyon vẫn là một thế lực đáng gờm của bóng đá Pháp.

Chỉ có bản sắc và truyền thống của một đội bóng lớn mới có thể giúp Lyon duy trì thành công lâu dài đến vậy. Sau cuộc phát động cách mạng từ tổ chức bóng đá nhà nghề PFC (tiền thân của LĐBĐ Pháp) năm 1973, Lyon là CLB Pháp đầu tiên khai trương học viện bóng đá. “Lyon mang trong mình văn hóa đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ”, ông Jean-Francois Vulliez, Giám đốc Học viện bóng đá Lyon tự hào nói.

Đến thập niên 80, Jean-Michel Aulas, một doanh nhân địa phương được bầu làm Chủ tịch đội bóng. Aulas nuôi tham vọng biến Lyon trở thành một thế lực lớn mạnh của bóng đá Pháp. Nhưng nếu như Moratti (Inter), Berlusconi (Milan) chọn cách hóa rồng bằng việc vung tiền chiêu mộ những ngôi sao, Aulas lại hướng về thế hệ tương lai.

Aulas bổ nhiệm Raymond Domenech làm HLV trưởng, còn Bernard Lacombe làm GĐKT. Đây đều là những cựu cầu thủ Lyon, mang trong mình niềm tự hào được khoác lên mình tấm áo đội bóng quê hương. Domenech tạo cơ hội cho những cầu thủ trẻ bản địa như Remi Garde, Bruno N’Gotty và chính Bruno Genesio. Nhờ vậy, Lyon lên hạng vào năm 1989, cũng là năm thứ 2 dưới triều đại Aulas. Họ trụ vững tại Ligue 1 từ đó đến nay.

30 mùa giải liên tục thi đấu ở Ligue 1, Lyon không ngừng trình làng những ngôi sao sáng giá cho bóng đá Pháp. Florian Maurice, Sidney Govou, Ludovic Giuly nhanh chóng trở thành những cầu thủ tấn công hàng đầu châu Âu. Sau đó, đến lượt Loic Remy, Ben Arfa và Karim Benzema tỏa sáng. Clement Grenier, Maxime Gonalons, Rachid Ghezzal, Corentin Tolisso, Houssem Aouar có thể ở đẳng cấp thấp hơn, nhưng cũng là những cầu thủ chất lượng.

Ngôi sao số một của Lyon hiện nay, Nabil Fekir (giữa) là một cái tên tiêu biểu cho chất lượng của lò đào tạo Lyon
Ngôi sao số một của Lyon hiện nay, Nabil Fekir (giữa) là một cái tên tiêu biểu cho chất lượng của lò đào tạo Lyon

Đội trưởng hiện tại của Lyon, tiền đạo Nabil Fekir, cũng là một sản phẩm từ lò đào tạo của CLB. Anh hoàn toàn có thể sánh ngang với những đồng đội cũ như Lacazette hay Martial nếu đầu quân cho một đội bóng lớn ở châu Âu. Trong trường hợp Nabil ra đi, cậu em trai Yassin Fekir đã sẵn sàng kế tục truyền thống của CLB.

Những gương mặt xuất thân từ lò đào tạo Lyon có nhiều điểm chung. Họ nhanh nhẹn, mạnh mẽ, thi đấu ấn tượng và có thể thích nghi với bất cứ môi trường bóng đá nào. Đó là lý do xét trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu hiện nay, Lyon chỉ đứng sau Real Madrid về số cầu thủ “xuất khẩu” sang các đội bóng khác, đứng trên cả Barca.

Pháp được coi là nơi mài giũa những viên ngọc thô của bóng đá châu Âu, thể hiện qua tỷ lệ 5-6% các cầu thủ trẻ có thể tốt nghiệp và trở thành cầu thủ nhà nghề. Tại Lyon, con số thậm chí còn cao hơn gần gấp đôi, lên tới 8-12%. Đó là thành quả của quá trình tuyển chọn, sàng lọc, huấn luyện và chăm sóc các cầu thủ trẻ thực hiện nghiêm túc suốt hàng chục năm qua.

Công tác huấn luyện cầu thủ trẻ của Lyon sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy hơn nữa trong những năm tới, nhờ sự xuất hiện của HLV trưởng Bruno Génésio. 

30 năm trước, Genesio - sinh ra và lớn lên ở Lyon - nằm trong đội hình của Raymond Domenech lên thi đấu Ligue 1. Bây giờ, ông đang ở vị trí của người thầy cũ, tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống lâu đời.

Cái nôi của bóng đá tấn công
Những ngôi sao trưởng thành từ Lyon trải đều khắp 3 tuyến, nhưng tiền đạo lại là vị trí xuất hiện nhiều hơn cả. Benzema, Lacazette hay Martial chính là những ví dụ cụ thể. Armand Garrido, cựu HLV đội U17 Lyon, tin đây là thành quả từ triết lý hướng đến bóng đá tấn công từ thời Aulas. Nhờ đó, Lyon luôn không ngừng sản sinh ra những tiền đạo xuất chúng.

Thay vì cố gắng phòng ngự co cụm, không để đối phương ghi bàn như “phong cách Mourinho”, các HLV đội trẻ Lyon thúc giục các học trò ghi bàn, tìm đường vào lưới đối phương nhiều nhất có thể. Vì lẽ đó, Martial vốn xuất phát điểm là một hậu vệ cánh được đẩy lên đá tiền đạo. Lacazette từng là cầu thủ chạy cánh, sau đó được đưa vào trung lộ để tận dụng kỹ năng dứt điểm. Hoặc những ai theo dõi Lyon đá đôi công Barca hùng mạnh rạng sáng thứ 4, có thể hiểu thêm phần nào triết lý này.


Học viện bóng đá của Lyon được vận hành bài bản với kinh phí hàng năm rơi vào khoảng 8-10 triệu euro, với 14 tuyển trạch viên làm việc toàn thời gian. Lyon cũng hiểu họ không có ngân sách lớn như PSG hay Monaco hoặc dòng tiền thương mại ồ ạt đổ vào, nên thường cố gắng tối ưu lợi nhuận nhờ các giao dịch cầu thủ. 

Những gì diễn ra ở Ligue 1 mùa giải này càng cho thấy đường đi của Lyon là đúng đắn. Monaco sau quãng thời gian huy hoàng, giờ chật vật chiến đấu vì một suất trụ hạng sau khi không còn những cầu thủ đẳng cấp cao trong đội hình. Khác Monaco và PSG, Lyon có một nền tảng vững chãi dựa trên sự kế thừa của những lớp cầu thủ nối tiếp nhau. Tính ưu việt của mô hình này giúp  Lyon duy trì sự ổn định trong nhiều năm.

Nhìn vào Lyon ở thời điểm hiện tại, Aulas có thể mỉm cười mãn nguyện. Ở tuổi 70, ông đã dành gần nửa cuộc đời gắn bó với đội bóng quê hương. Thành công Lyon đạt được trong những năm qua như trái ngọt đền đáp lại công lao và niềm tin Aulas đặt vào. Vốn chỉ là một doanh nhân bình thường, Aulas đã chiếm một vị trí trong lịch sử bóng đá Pháp nhờ tình yêu dành cho trái bóng.

Kiếm bộn tiền từ bán cầu thủ
Tính trong 2 mùa giải 2017/18 và 2018/19, Lyon lãi ròng 113 triệu euro nhờ bán cầu thủ trên TTCN. Mùa trước, Lyon bán Lacazette (Arsenal, 50 triệu euro) và Corentin Tolisso (Bayern Munich, 41 triệu euro). Đến mùa Hè năm ngoái, Lyon tiếp tục bán Mariano Diaz (Real Madrid, 22 triệu euro). Hiện Lyon nắm một số cầu thủ đắt giá trong đội hình như Ndombele, Aouar, Depay và Fekir. Nhóm cầu thủ này có thể mang về cho Lyon hơn 200 triệu euro.

Quân Lyon rải khắp châu Âu
Với 35 cầu thủ do Lyon đào tạo ra đang chinh chiến tại 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu hiện nay, đội chủ sân Groupama hiện là đội bóng đóng góp nhiều cầu thủ thứ nhì cho các giải đấu lớn nhất cựu lục địa. Đứng trên họ là Real Madrid, với 36 cầu thủ.
    Bình Luận