"Kỳ quan một mùa" (one-season wonder) là khái niệm để chỉ những cầu thủ tỏa sáng rực rỡ trong một mùa giải rồi… thôi. Vấn đề là, khi một cầu thủ còn đang là "kỳ quan", thì không ai đoán được cái sự "một mùa" đó. Nên mới sinh ra nhiều vụ mua hớ.
Charlie Adam (Liverpool)
Sau khi ghi 20 bàn trên mọi đấu trường và giúp Blackpool thăng hạng Premier League vào mùa 2009/10, Charlie Adam tiếp tục tỏa sáng rực rỡ khi ghi 12 bàn ở Premier League mùa tiếp theo.
HLV Ferguson từng nói những quả đá phạt của Adam là “một nửa bàn thắng”. Liverpool lập tức bỏ ra 8 triệu bảng để đưa anh về. Nhưng ở Anfield, Adam gây thất vọng ghê gớm, và chỉ trụ lại được 12 tháng trước khi bị đẩy sang Stoke.
Afonso Alves (Middlesbrough)
Tên tuổi của Alves tới nước Anh trước cầu thủ này rất lâu, sau khi anh ghi tới 48 bàn cho Heerenveen chỉ sau có 50 trận ở giải Hà Lan. Đó là lý do Boro quyết định chi tới 12,5 triệu bảng - kỷ lục CLB - để đưa anh về vào tháng 1/2008.
Mọi chuyện bắt đầu khá tích cực khi anh ghi 6 bàn sau 11 trận đầu tiên. Nhưng sau đó Alves tự nhiên quên hẳn cách ghi bàn. Tới mùa Hè 2009 thì anh bị đẩy sang Qatar.
Titus Bramble (Newcastle)
Nghe có vẻ khó tin, nhưng Bramble từng là một món hàng “nóng” trên thị trường chuyển nhượng sau mùa 2001/02, mùa giải anh chơi rực sáng giúp tân binh Ipswich Town có được vị trí thứ năm ngoài tưởng tượng.
Newcastle đã rất vui mừng khi có được anh với giá “chỉ” 6 triệu bảng. Nhưng những gì họ nhận được là một chuyên gia gây cười với hàng loạt sai lầm ngớ ngẩn. Năm 2012, Bramble được chọn vào đội hình… tệ nhất trong lịch sử Newcastle!
Daniel Guiza (Fenerbahce)
2008 là một năm rực rỡ với Guiza. Sau khi giành ngôi Vua phá lưới La Liga trong màu áo Mallorca với 27 bàn thắng, Guiza được triệu tập vào đội hình Tây Ban Nha dự EURO 2008.
Dù không đá chính, anh vẫn góp công không nhỏ vào chiến tích vô địch EURO của La Roja với 2 lần lập công. Fenerbahce bị ấn tượng tới mức bỏ ra 13,7 triệu bảng để đánh bại Barca và Arsenal và đưa anh về. Những gì tiếp theo là một chuỗi những ngày buồn.
Francis Jeffers (Arsenal)
Jeffers từng là một thần đồng. Anh ra mắt Everton khi mới 16 tuổi và liên tục có những màn trình diễn ấn tượng. Arsenal thích lắm, nên mới chi 8 triệu bảng để đưa anh về sau mùa giải 2000/01.
Cứ tưởng đó sẽ là một thương vụ để đời cho cả hai bên. Nhưng chấn thương đã khiến sự nghiệp của Jeffers không cất cánh nổi. Anh giải nghệ hồi 2013 trong màu áo đội hạng Tư Accrington Stanley, sau khi đã lang thang sang tận Australia và Malta.
Javi Moreno (Milan)
Moreno là ngôi sao trong đội hình Alaves đã vào tới tận trận chung kết UEFA Cup năm 2001. Alaves thất bại ở trận ấy, nhưng Moreno vẫn gây ấn tượng với một cú đúp, nâng tổng số bàn thắng anh ghi được trong mùa lên con số 28.
Milan quyết định chơi lớn và đưa anh về. Nhưng chỉ một năm sau, họ đã phải tống anh đi. Phong cách buông thả khiến Moreno không thích nghi nổi với sự hà khắc ở Serie A. Vấn đề là rời Serie A rồi, anh vẫn không tìm lại được cảm giác ghi bàn.
Benjani Mwaruwari (Man City)
Vụ chuyển nhượng này có vấn đề ngay từ đầu. Sau khi biết tin Man City mua mình, Benjani, người đã ghi 12 bàn sau 23 trận cho Portsmouth, nói rằng anh bị sốc và không muốn đi đâu cả. Cuối cùng Benjani cũng tới được Man City, sau khi ngủ quên và lỡ 2 chuyến bay.
Man City sau đó viện cớ Benjani có vấn đề ở đầu gối để rút lui, nhưng btc Premier League thông báo họ đã nhận đủ mọi giấy tờ cần thiết, nên vụ chuyển nhượng được thông qua. Benjani sau đó vật vờ 2 năm ở Etihad, rồi vật vờ tiếp ở một loạt đội bóng Anh khác.
Antonio Nocerino (Milan)
Milan đưa Nocerino về từ Palermo vào mùa Hè năm 2011 với hi vọng anh sẽ thay thế được Andrea Pirlo. Tiền vệ người Italia vừa trải qua một mùa giải ấn tượng khi ghi 10 bàn thắng ở Serie A và có mặt trong đội hình tiêu biểu.
Milan tiếp tục thể hiện sự kỳ vọng vào Nocerino bằng cách trao cho anh chiếc áo số 22 từng thuộc về Kaka. Rốt cuộc Nocerino không thể thành Pirlo mới mà cũng chẳng thành Kaka mới. Anh gây thất vọng, bị tống sang West Ham và sau đó tới Orlando City.
Jerome Rothen (PSG)
Rothen và Giuly là bộ đôi tiền vệ cánh trứ danh đã giúp Monaco vào tới tận chung kết Champions League 2004. Sau giải đấu, mỗi người đều tìm được một bến đỗ mới. Giuly tới Barca còn Rothen tới PSG.
Nhưng trong khi Giuly tiếp tục thành công với 2 chức vô địch La Liga và 1 Champions League, thì Rothen trở thành nỗi thất vọng của PSG. 5 năm có Rothen, PSG không một lần kết thúc mùa giải với vị trí cao hơn thứ sáu.
Hakan Yakin (PSG)
Mùa 2002/03, Basel là một hiện tượng ở Champions League. Ở vòng bảng đầu tiên, họ đứng trên cả Liverpool, và chỉ bị loại khỏi vòng bảng thứ hai vì kém Juventus hiệu số bàn thắng. Yakin chính là linh hồn của Basel khi đó.
PSG quyết định chơi lớn và đưa anh về. Nhưng chỉ sau một tháng, đội bóng Pháp đã hủy hợp đồng với lý do Yakin có nhiều vấn đề về thể lực. Cầu thủ Thụy Sỹ sau đó dạt tới Stuttgart và Galatasaray, nhưng không để lại ấn tượng nào.
3 “KỲ QUAN MỘT MÙA” TIỀM NĂNG Aaron Wan-Bissaka (Man United) Man United đã chi tới 55 triệu bảng để mua Wan-Bissaka từ Crystal Palace, dù hậu vệ trẻ người Anh mới chỉ chơi có hơn 30 trận ở Premier League và vẫn chưa ra mắt đội tuyển. Đồng ý là phong độ của Wan-Bissaka mùa vừa rồi rất ấn tượng, nhưng đó hoàn toàn có thể là phong độ nhất thời. Wan-Bissaka đã được trang bị đủ để chống chọi với sức ép chưa? Joao Felix (Atletico Madrid) Atletico khiến cả thế giới bị sốc khi chi ra 126 triệu euro để giải phóng hợp đồng của Joao Felix với Benfica. Cầu thủ 19 tuổi đến Madrid với hành trang là 20 trận ở giải VĐQG Bồ Đào Nha và 1 trận trong màu áo đội tuyển. Tất nhiên, Atletico có lý khi chi tiền: họ không chỉ mua tài năng mà còn cả tiềm năng của anh. Nhưng nếu tiềm năng đó bị thui chột? Frenkie de Jong (Barca) Tài năng của De Jong thực ra đã được biết tới từ lâu. Nhưng mùa trước mới là mùa giải đột phá của De Jong, với những màn trình diễn ấn tượng cả trong màu áo ĐT Hà Lan lẫn CLB Ajax. Barca bởi vậy quyết định chi 75 triệu euro để “xí trước” De Jong ngay từ giữa mùa. Liệu anh có đi vào vết xe đổ của không ít ngôi sao đắt giá đã tới Nou Camp? |
Bình Luận