Thế giới bóng đá đang xôn xao về tương lai của các giải VĐQG và cúp châu Âu sau vụ 12 CLB lớn của châu lục này tuyên bố gia nhập Super League châu Âu, một giải đấu đóng mà các đội dự giải chỉ được mời và doanh thu được tối đa hóa. Điều gây phẫn nộ là việc các đội dự giải đấu này có vẻ sẵn sàng bất chấp sự tồn tại của hệ thống thang bậc bóng đá ở mỗi quốc gia để tư túi riêng.
Man City cùng với Chelsea, Real Madrid là 3 CLB dự Super League đã lọt vào bán kết Champions League
Do đó mà ý tưởng Super League đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của không chỉ UEFA, FIFA và các LĐBĐ quốc gia mà thậm chí các chính phủ cũng đã vào cuộc. Và mới đây UEFA đã có một động thái hết sức cứng rắn, họ sẵn sàng cho mùa giải của những đội còn sót lại ở cúp châu Âu thành công dã tràng nếu đã có gan “ly khai” để thành lập Super League.
Hãng thông tấn Reuters đã trích lời từ Jesper Moller, chủ tịch của LĐBĐ Đan Mạch và là một trong 12 thành viên ban chấp hành UEFA, cho biết UEFA sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để đối phó với ý tưởng Super League. Cuộc họp này có thể tổ chức ngay trong ngày hôm nay 20/4, và chậm nhất các quyết định sẽ được thông qua vào thứ Sáu tuần này.
Quyết định lớn nhất mà cuộc họp này bàn luận sẽ là việc tống cổ tất cả các CLB dự Super League khỏi các giải đấu cúp châu Âu đang được tổ chức. Theo đó Real Madrid, Man City và Chelsea sẽ bị đuổi khỏi Champions League và MU với Arsenal sẽ bị đá khỏi Europa League. UEFA sẽ bàn sau về việc chọn đội thay thế vào các vị trí trống bỏ lại ở bán kết của 2 giải, dự kiến là Porto, Dortmund và Bayern Munich.
UEFA họp bàn khả năng đuổi MU và Arsenal khỏi Europa League vì tham gia Super League
Theo nhà báo Chris Williams của UEFA.com, việc đuổi các CLB này khỏi giải có thể sẽ gây ra phiền hà với các bên nắm bản quyền truyền hình, nhưng UEFA sẵn sàng đấu lý tại tòa án với cơ sở rằng 5 CLB trên đã tự ý rời khỏi UEFA bằng việc dự một giải đấu không được công nhận, do đó UEFA không có lý do gì để cho phép họ tiếp tục đá ở một giải do mình quản lý. Các trận đấu còn lại của giải vẫn sẽ được đá đủ để hoàn tất yêu cầu hợp đồng.
Quyết định thứ hai liên quan tới việc hợp đồng cầu thủ của các CLB dự Super League. Bên cạnh việc UEFA và FIFA đe dọa cấm các cầu thủ đá cho ĐTQG, họ sẽ mở ra một con đường bằng việc cho phép các cầu thủ được tự hủy bỏ hợp đồng hiện tại không cần đền bù.
Hợp đồng có bao gồm quyền đăng ký thi đấu của cầu thủ với LĐBĐ quốc gia, châu lục và FIFA, do đó nếu các CLB tự ý rời khỏi giải đấu trực thuộc các liên đoàn đó thì quyền đăng ký một cầu thủ cụ thể của CLB cũng mất. Nếu cầu thủ đó chuyển sang đội khác, các liên đoàn sẽ đồng ý cho đăng ký với CLB mới và các đội dự Super League sẽ chẳng thể chuyển nhượng quyền đăng ký được (không nhận xu nào).
Thủ tướng Anh Boris Johnson và nội các đề xuất cấm các đội Big Six của Ngoại hạng Anh mua ngoại binh, đồng thời bàn về khả năng tước quyền sở hữu của các ông chủ hiện tại
Trong một diễn biến khác, thủ tướng Anh Boris Johnson và nội các đã bắt đầu bắt tay vào việc trừng phạt các đội Big Six của Premier League. Theo tờ Daily Mail, chính phủ Anh sẽ đệ trình một dự thảo cho phép Bộ Nội vụ Anh Quốc từ chối cấp giấy phép lao động cho tất cả các cầu thủ nước ngoài mà Man City, MU, Chelsea, Tottenham, Arsenal và Liverpool chiêu mộ.
Không những vậy, nội các của thủ tướng Boris Johnson còn đang họp bàn về khả năng cưỡng ép tước quyền sở hữu CLB Big Six của các ông chủ hiện tại “vì lợi ích của công chúng”, một hình thức quốc hữu hóa tạm thời các CLB này trước khi bán cho một chủ sở hữu khác kèm theo cam kết không được ly khai khỏi FA và UEFA. Việc đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Anh đã rời khỏi EU có nghĩa những ông chủ kia sẽ không thể kiện hành động này lên tòa án của EU.
Mặc dù đây không phải lĩnh vực liên quan thuần túy tới chính trị và có thể bị xem là hành động can thiệp của chính phủ với bóng đá, nhưng những hành động này sẽ khiến đảng Bảo thủ của thủ tướng Johnson giành được nhiều sự ủng hộ chính trị quan trọng trong lúc nước Anh đang cố gắng phục hồi sau hơn 1 năm đối phó với dịch Covid-19.
Bình Luận