Hai bộ mặt trong chức vô địch của Real Madrid

Ổn định và hỗn loạn là nét đặc trưng của Real Madrid trong mùa bóng này. Họ vận dụng nhuần nhuyễn hai mặt tương phản nhau để tạo nên thành công lớn.

Espanyol là đội đầu tiên đánh bại được Real Madrid trong mùa 2021/22. Và cũng chính đại diện xứ Catalonia trực tiếp chứng kiến "Los Blancos" đăng quang danh hiệu vô địch La Liga thứ 35 khi hai đội gặp nhau ở vòng 34 La Liga tối 30/4 (giờ Hà Nội). Real Madrid vô địch trước 4 vòng đấu, có thể kết thúc mùa giải với khoảng cách hơn rất nhiều điểm so với đội bóng xếp thứ hai.

Trong một thập kỷ qua ở Liga, có hai lần khoảng cách lớn tương đương được thiết lập, Barca vô địch mùa 2012/13 với 15 điểm cách biệt. Cũng "Blaugrana" đăng quang ở mùa 2017/18 với 14 điểm cách biệt. Vào những mùa đó, đội chủ sân Camp Nou sở hữu đội hình ở thời kỳ sung mãn. Còn hiện tại, Real Madrid sống bằng hơi thở, năng lượng và nguồn cảm hứng từ các cựu binh như Karim Benzema, Luka Modric.

Cuối mùa 2012/13, Barca bị Bayern đè bẹp ở bán kết Champions League với tổng tỉ số 7-0. Mùa 2017/18, "Blaugrana" bị Roma loại từ vòng tứ kết. Năm 2022, Real Madrid vẫn sống sót ở đấu trường Champions League sau những màn lội ngược dòng nghẹt thở.

 - Bóng Đá

 Carlo Ancelotti ghi dấu ấn đậm nét trong chức vô địch La Liga của Real Madrid. Ảnh: Reuters.

Dưới tay một HLV ổn định

Ổn định có thể xem là từ khóa quan trọng với Real Madrid mùa này. Đưa đội bóng vào tay HLV Carlo Ancelotti đồng nghĩa với việc "Los Blancos" cần sự ổn định, không phải đột phá.

Việc phải chi nhiều tiền sang sửa lại sân Santiago Bernabeu, cộng với nguồn thu bị sụt giảm do thời gian dịch Covid-19 khiến họ phải chi tiêu kiểu “thắt lưng buộc bụng”. Chưa hết, Real Madrid phải chuẩn bị một khoản tiền lớn để đưa về tiền đạo Kylian Mbappe.

Ancelotti là người không đòi hỏi cao trên thị trường chuyển nhượng. Nhà cầm quân người Italy luôn nghe lời các ông chủ, mát tay với cầu thủ lớn tuổi. Ông cũng nằm trong top HLV khai thác khả năng cầu thủ tốt nhất.

Những điều đó hợp với Real Madrid ở giai đoạn hiện nay. Ancelotti không giống các nhà chiến thuật thuần túy như Jose Mourinho hay Rafael Benitez, những người từng dẫn dắt Real Madrid và ít thành công hơn ông.

Ancelotti không cần các chiến thuật mang tính cách mạng, dạy cầu thủ phải chơi thứ bóng đá tấn công có tính cấu trúc cao hay áp dụng lối chơi phòng ngự tiêu cực. Ông cũng chẳng nhất thiết phải gặp gỡ, bàn luận với các HLV trẻ tuổi hơn - những người đang thành công với ý tưởng bóng đá mới.

Ancelotti làm theo cách mà ông tin rằng tốt nhất với một đội bóng. Đó là tạo ra hệ thống đơn giản để các cầu thủ thoải mái chơi bóng, sáng tạo và tỏa sáng.

Ancelotti làm việc theo cách mà ông tổng kết bằng tựa đề cuốn tự truyện của mình: Lãnh đạo trầm lặng. Zinedine Zidane được thừa hưởng triết lý này để đưa Real Madrid giành 3 danh hiệu vô địch Champions League liên tiếp vào các mùa hè 2016, 2017, 2018. "Zizou" làm trợ lý cho Ancelotti khi ông dẫn dắt Real Madrid trong hai mùa 2013/14 và 2014/15.

Khoảng thời gian giữa hai lần Ancelotti làm việc cho Real Madrid thì Zidane cũng có hai lần cầm quân CLB. Lần đầu, huyền thoại người Pháp dựa vào các ngôi sao, như Cristiano Ronaldo còn ở đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha. Lần thứ hai, "Zizou" sáng tạo hơn khi đề cao lối chơi pressing từ tuyến đầu, giục hai cánh tham gia vào nhiều hoạt động bên trong sân hơn và mở rộng không gian sinh tồn cho Casemiro.

Còn Ancelotti thì rất kiên định. Ông vẫn sử dụng sơ đồ 4-3-3, với bộ ba tiền vệ Casemiro, Modric và Toni Kroos. Ở tuyến trên, Benzema lên xuống ở trục giữa, Vinicius bên trái. Chỉ có cặp trung vệ phải thay đổi do hoàn cảnh bắt buộc.

Đôi lúc, Ancelotti thay đổi chiến thuật. Đó là dùng hàng tiền vệ hình kim cương khi gặp Espanyol. Kết quả là Real Madrid thua 1-2, và ông không bao giờ dùng lại nữa. Gặp Barca khi vắng Benzema, Ancelotti dùng sơ đồ 4-6-0 với hai tiền vệ áp sát vòng cấm và hai cầu thủ chạy cánh. Kết quả là Real Madrid thua 0-4. Ngày nào còn dẫn dắt "Los Blancos", Carlo (Ancelotti) chắc chắn không bao giờ áp dụng sơ đồ ấy nữa.

Khi Ancelotti thử nghiệm, chuyện trở nên tồi tệ. Khi ông giữ mọi thứ đơn giản, Real Madrid tỏa sáng.

 - Bóng Đá

 Real Madrid có một tập thể ổn định. Họ hiểu rất rõ nhau. Ảnh: Reuters.

Trong một cấu trúc ổn định

Tất nhiên, sự ổn định này trước tiên đến từ cấu trúc đội bóng, được thiết lập rất rõ ràng bởi cánh tay phải của Chủ tịch Florentino Perez, đó là Jose Angel Sanchez. Khi thắng cử chức Chủ tịch Real Madrid lần đầu vào năm 2000, ông Perez đặt Sanchez vào vị trí Giám đốc Marketing. Perez ra đi, ông chủ tịch khác là Vicente Calderon vẫn tin dùng Sanchez.

Khi Perez trở lại Real Madrid lần thứ hai vào năm 2009, ông thăng chức cho Sanchez lên vị trí Tổng giám đốc. Và Sanchez ngồi ghế này suốt từ đó đến nay.

HLV có thể đến và đi khỏi Real Madrid, nhưng các cầu thủ vẫn còn đó. Ai là người đưa họ về? Đó là Sanchez. Không HLV nào có thể tác động đến quyết định mua hay bán cầu thủ của Perez và Sanchez.

Sanchez thiết kế một Real Madrid ổn định và thành công hơn 1 thập kỷ qua. Nhìn sang khắp các CLB hàng đầu châu Âu, đã có CLB nào vẫn dùng cầu thủ nhiều năm như Real Madrid: Marcelo (15 năm), Benzema (13 năm), Modric, Nacho (10 năm), Carvajal, Isco, Bale, Casemiro (9 năm), Kroos, Asensio (8 năm)…

Real Madrid có bộ khung quá hiểu nhau. Sự ổn định lâu dài trong đội bóng là điều mà bất kỳ đội bóng nào cũng muốn. Nó phải được bắt đầu rất kỹ bằng công việc tuyển trạch.

Các cầu thủ trẻ thiết lập được chỗ đứng ở Real Madrid hiện nay như Vinicius, Rodrygo, Militao, Mendy, Valverde chắc chắn sẽ ở với CLB lâu dài.

 - Bóng Đá

 Karim Benzema là nguồn cảm hứng trong lối chơi của Real Madrid. Ảnh: Reuters.

Bùng nổ nhờ sự hỗn loạn

Sự ổn định cho phép Real Madrid lấy điểm ở các trận cầu hàng ngày với đối thủ dưới tầm. Nhưng khi gặp các đối thủ thượng thặng, sự ổn định đó là không đủ. Mà đó phải là sự bùng nổ, bạo phát, dù biết rằng tiếp sau có thể là bạo tàn.

Nhưng khi bước vào canh bạc lớn, một đội bóng không thể hèn nhát được. Real Madrid còn thua kém PSG nếu so từng cá nhân trên sân. Họ không có đội hình để tạo ra sức ép nghẹt thở như đương kim vô địch châu Âu Chelsea. Real Madrid cũng không tấn công với cả đội hình một cách nhịp nhàng hoàn hảo như Manchester City.

Thực tế trong các trận đối đầu với các đối thủ trên, có những lúc Real Madrid chơi rất tệ. Họ không lên bóng được cũng như thực hiện cú sút nào như hiệp đầu với Chelsea ở sân nhà Santiago Bernabeu.

Và Real Madrid chỉ thực sự chơi hay ở một vài thời điểm: 30 phút cuối trận lượt về với PSG, hiệp đầu ở Stamford Bridge và sau khi bị thua 0-3 ở trận lượt về cũng như vài khoảng thời gian trong trận đấu trên sân Etihad.

Nhưng đó là thời khắc mang tính quyết định. Tự nâng tầm lối chơi và giữ cái đầu lạnh trong khoảnh khắc lớn là "DNA" của các đội bóng lớn như Real Madrid. Với cái đầu lạnh đó, như người hâm mộ đã thấy, hiển hiện rõ ràng qua cú sút phạt đền kiểu Panenka kinh điển của Benzema vào lưới Man City, dù chỉ trước đó vài ngày, anh đá hỏng đến 2 cú phạt đền trong trận gặp Osasuna.

Man City là ví dụ khác. Họ rất giỏi trong việc triển khai lối chơi theo khuôn mẫu họ lựa chọn. 10 phút đầu, đại diện nước Anh ghi 2 bàn vào lưới Real Madrid, làm cho đối thủ không thở được. Man City tưởng như nhấn chìm Real Madrid bằng một chiến thắng cách biệt. Nhưng "Los Blancos" không chọn khuôn mẫu để đối phó với khuôn mẫu của Man City.

Real Madrid chọn sự hỗn loạn, không theo bài bản cách thức thường thấy. Ví dụ, họ phải tìm xem đủ đồng đội hay không mới tổ chức lên bóng, hoặc khi gây sức ép lên hàng thủ đối phương thì phải đồng loạt làm điều đó. Real Madrid không làm điều này.

Đại diện thủ đô Tây Ban Nha không đá bóng theo công thức. Real Madrid tạo sự hỗn loạn để cuốn đối thủ vào đó. Khi Man City trượt khỏi công thức sắp sẵn, "The Citizens" đánh mất mình. Trái lại, các cầu thủ Real Madrid có không gian, sự tự do hơn để tỏa sáng, để một đối một đánh bại đối thủ như cách Vinicius làm Fernandinho bẽ mặt.

Trong bóng đá, bạn có thể thực hiện rất nhiều loại phân tích. Nhưng có những thứ bạn không thể phân tích: năng lượng, ý chí, tưởng tượng. Chỉ một ánh lửa nhỏ cũng đủ kích thích nguồn năng lượng dồi dào bùng cháy, đánh thức con quái vật tỉnh dậy.

Cú vẩy chân má ngoài chuyền bóng của Modric cho Rodrygo ghi bàn vào lưới Chelsea là kiểu ánh lửa đó. Nó đầy sức mê hoặc và sự tưởng tượng. Những bàn thắng đến từ nửa cơ hội của Benzema cũng giống thế.

Không chỉ ở Champions League, tại La Liga mùa này cũng vậy, không ít lần con quái vật đó bừng tỉnh để nhấn chìm đối thủ. Sevilla cách đây hai tuần là nạn nhân của nó. Họ dẫn trước 2-0 ở hiệp đầu và thua 2-3 chung cuộc. Đứng trước Real Madrid, không biết điều gì tiếp theo sẽ xảy ra. Đó là điều các đối thủ của họ đều sợ.

Chính Phong - Zing.vn | 08:10 01/05/2022
    Bình Luận