Chiến thuật La Liga 2019/20: Barca khủng bố, Real thủ chắc, Atletico mất tuyệt chiêu

La Liga sẽ chính thức trở lại từ giữa tháng 6 này sau 3 tháng phải tạm nghỉ vì Covid-19. Mùa giải 2019/20 đã chứng kiến rất nhiều ý tưởng chiến thuật đặc sắc của các đội bóng thuộc giải đấu hàng đầu xứ bò tót.

4-4-2 thống trị và tôn vinh kiểm soát bóng

Sự trở lại của La Liga sẽ mang tới những hưng phấn tột đỉnh cho người hâm mộ bóng đá không chỉ của Tây Ban Nha mà trên toàn thế giới. Giải đấu ngày càng trở nên hấp dẫn với những phát kiến chiến thuật mới, cách sắp xếp độc lạ của các HLV và những tranh cãi về phong cách chơi khác nhau.

Sau khi trở lại, thể lực và tâm lý của các cầu thủ chắc chắn bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật của các đội bóng sẽ vẫn mang tới sự hấp dẫn như từ đầu mùa giải.

La Liga mùa này được cho là có tới rất nhiều ý tưởng chiến thuật khác nhau đã được đưa ra. Với sự hỗ trợ của các phân tích dữ liệu, chúng ta có thể phần nào hình dung ra được bức tranh chiến thuật đặc sắc của giải đấu này.

Về sơ đồ chiến thuật, hệ thống 4-4-2 với nhiều biến thể khác nhau đang được sử dụng nhiều nhất tại La Liga mùa này. Có tới 43,1% các trận đấu chứng kiến sơ đồ này được triển khai.

Trong khi đó, các sơ đồ 4-3-3 hoặc biến thể 4-1-4-1 cũng được sử dụng khá nhiều ở các đội bóng thiên về kiểm soát bóng như Barca (kiểm soát bóng trung bình 63,4%), Real Madrid (58,1%), Sevilla (58%) và Real Sociedad (56,3%).

Đây chính là 4 đội bóng đang dẫn đầu trên BXH La Liga mùa này và cũng là những đội bóng sở hữu các thống kê chuyên môn ấn tượng nhất giải đấu.

Phong cách chơi kiểm soát bóng của Barca, Real Madrid, Sevilla và Real Sociedad được xây dựng từ tuyến dưới. Khoảng 30 tới 40% đường chuyền của họ là từ phần sân nhà.

Barca từ lâu đã gắn liền với cách chơi này nhưng giờ họ không còn là kẻ thống trị tuyệt đối nữa. Khi Xavi Hernandez còn là ông chủ khu trung tuyến của Barca, anh thường có hơn 90 đường chuyển mỗi trận trong giai đoạn từ 2010 tới 2013.

Hiện nay, Sergio Busquets là người chuyền nhiều nhất đội với trung bình 81 đường chuyền mỗi trận. Đứng ngay phía sau là Gerard Pique với 74 đường chuyền/trận.

Barca vẫn là đội bóng kiểm soát bóng trung bình nhiều nhất và có nhiều đường chuyền nhất giải đấu. Và nhiều đội đã chứng tỏ kiểm soát bóng là cách tốt nhất để thành công. Tuy nhiên, có những người không đồng ý với quan điểm này.

Những đội bóng dũng cảm

Getafe chính là đội bóng nổi bật nhất đi ngược lại xu thế kiểm soát bóng tại La Liga. Đội bóng này thiên về gây áp lực với đối thủ bằng lối chơi pressing mạnh mẽ. Tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình chỉ là 43% nhưng Getafe luôn khiến các đối thủ phải e ngại.

Getafe có trung bình 79,7 đường chuyền dài mỗi trận và khoảng cách trung bình của mỗi đường chuyền lên tới 52,4m. Điều này chứng tỏ họ luôn tìm cách phất bóng từ phần sân nhà của mình lên thật xa phía trên cho các cầu thủ tấn công bứt tốc.

Thêm vào đó, Getafe có trung bình 2,5 lần lấy lại bóng mỗi phút và biến họ thành đội bóng hiệu quả bậc nhất ở khía cạnh phòng thủ.

Không đội bóng nào bị bắn phá ít hơn Getafe mùa này với chỉ 7 cú sút phải chịu mỗi trận. Và ngay cả khi các đối thủ có cơ hội dứt điểm, họ cũng sẽ phải đối mặt với một David Soria đầy tỉnh táo. Thủ thành người Tây Ban Nha có trung bình 29,5 hành động phòng thủ mỗi trận.

Ngoài Getafe, còn có Osasuna và Eibar cũng đang thi đấu theo chiến thuật ưu tiến tốc độ và khả năng pressing tầm cao. Những đội bóng này thường lựa chọn sơ đồ 4-4-2.

Eibar là đội bóng chịu khó phá bóng từ khá xa khung thành của đội mình nhất (cự ly trung bình khoảng 37,8m). CLB này rất chịu khó vây ráp đối thủ từ sớm và dẫn tới việc họ bị bắn phá tương đối ít, chỉ phải nhận 9,9 cú sút mỗi trận.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến họ không có nhiều cơ hội để ghi bàn. Đoàn quân của HLV José Luis Mendilibar nằm trong top 5 đội có thành tích ghi bàn tệ nhất mùa này với chỉ 27 bàn thắng sau 27 trận.

Những CLB thích mưa bàn

Mallorca và Valencia đang là những đội bóng ưa thích lối chơi tổng tấn công bất chấp nhất. Đây là một cách chơi đầy mạo hiểm khi bạn có thể bị phản công bất cứ lúc nào và không phải lúc nào cũng có thể ghi được nhiều bàn thắng hơn đối thủ.

Mùa này, chỉ có Alaves là phải nhận ít cú sút trung bình mỗi trận hơn Valencia. Tuy nhiên, Bầy dơi của HLV Albert Celades được vớt vát phần nào nhờ tỷ lệ chuyển hóa thành bàn thắng vượt trội (48,5%, đứng thứ hai tại La Liga sau Barca).

Leganes và Espanyol đứng ở cuối danh sách khả năng chuyển hóa bàn thắng với lần lượt là 8,8% và 11,1%. Khá ngạc nhiên khi các đội thuộc tốp đầu như Sevilla và Real lại có tỷ lệ chuyển hóa bàn thắng khá thấp, lần lượt là 26% và 22,6%. 

Trong khi đó, Alaves lại thuộc nhóm những đội có tỷ lệ chuyển hóa cao nhất với 27,8%. Tuy vậy, điều này không giúp nhiều cho Alaves trong cuộc đua giành vé dự cúp châu Âu. Họ hiện đang đứng thứ 14 trên BXH, kém đội đứng thứ 6 là Atletico Madrid tới 13 điểm.

Những đội bóng có sự cân bằng tốt hơn như Villarreal và Granada cũng đang có vị trí tốt hơn, lần lượt thứ 8 và thứ 9. Villarreal đã có 44 bàn thắng mùa này, chỉ kém mỗi Barca, Real và Sociedad.

Giá trị của các bàn thắng

Sự cân bằng là điều vô cùng quan trọng cho vị trí của các đội bóng. Getafe đang là đội có số bàn thua ít thứ 4 giải đấu (25 bàn thua), chỉ kém mỗi Real (19), Atletico (21) và Bilbao (23).

Thành tích phòng ngự của các đội bóng phụ thuộc khá nhiều vào phong độ của những người gác đền. Unai Simón của Bilbao đang là thủ thành có tỷ lệ cứu thua tốt nhất giải đấu với 74,7%. Đứng phía sau là Thibaut Courtois của Real (74,6%) và Jan Oblak của Atletico (73,8%). 

Trong khi đó, Aitor Fernández của Levante là thủ môn có nhiều pha cứu thua nhất (126 lần). Levante là đội bóng để lọt lưới nhiều thứ 3 giải đấu (40 bàn thua). Con số này sẽ còn nhiều hơn nữa nếu như không có Aitor.

Sự mong manh của Levante được giải thích bởi các rối loạn về nhân sự nơi hàng thủ, khoảng cách giữa các tuyến và không có khả năng đánh chặn ở khu giữa sân. Đội bóng này có cự ly phá bóng ở gần khung thành thứ 2 tại La Liga, khoảng 31,4m. Họ cũng phải nhận 16,2 cú sút mỗi trận.

Đó cũng là trường hợp tương tự của Valencia (cự ly phá bóng cách khung thành 32,2m và nhận 15,2 cú sút mỗi trận) và Mallorca (cự ly phá bóng cách khung thành 31,1m và nhận 13,1 cú sút mỗi trận). 

Khả năng tận dụng các tình huống cố định

Việc các đội bóng tích cực tận dụng các tình huống cố định đã bắt đầu xuất hiện từ World Cup 2018. Theo thống kê, đã có 64 bàn thắng được ghi tại giải đấu này, trong đó có 24 bàn từ đá phạt trực tiếp. 49 bàn thắng từ các pha đá phạt từ những pha phạm lỗi ở gần biên, ở gần khu cấm địa và các tình huống ném biên.

Tại La Liga mùa này, Getafe là một chuyên gia ghi bàn từ các tình huống cố định. Họ đã có 7 bàn thắng từ các quả đá phạt góc. Hơn thế, các tình huống đá phạt của đội bóng này cũng rất đa dạng.

Trong khi đó, Mallorca lại không tận dụng được nhiều từ các tình huống cố định khi mới chỉ có 2 bàn thắng, không tính các quả phạt đền.

Espanyol và Eibar là những đội có nhiều bàn thắng từ tình huống đá phạt nhất với lần lượt 10 bàn (43,5% tổng bàn thắng) và 11 bàn (42,3%).

Ở phía đối diện, Levante là đội phải nhận nhiều bàn thua nhất từ các tình huống cố định. Họ đã có 10 lần bị thủng lưới từ các quả đá phạt, không tính penalty.

Atletico đứng thứ hai với 9 bàn thua (4 từ phạt góc, 1 từ đá phạt trực tiếp và 4 từ các quả đá phạt do phạm lỗi), chiếm tỷ lệ 47,6% tổng số các bàn thua của họ.

Đây là điều khá bất ngờ bởi lâu nay đoàn quân của HLV Diego Simeone vẫn nổi tiếng là đội giỏi tận dụng các tình huống cố định nhất.

Nói tóm lại, La Liga 2019/20 đã chứng kiến rất nhiều dấu ấn chiến thuật đặc sắc và hứa hẹn sẽ còn nhiều điều thú vị khi giải đấu trở lại vào ngày 12/6 tới.

XEM THÊM

La Liga chuẩn bị trở lại: Nắng nóng còn đáng sợ hơn... Messi

Thay 5 người ở La Liga: Người nói hay, người nói dở

Setien giao nhiệm vụ Barca phải thắng mọi trận còn lại ở La Liga

    Bình Luận