
Người Tây Ban Nha đang là hình mẫu của cả châu Âu về đào tạo trẻ. Ở cấp độ đội tuyển, họ đang là đương kim vô địch ở các giải U19, U21 châu Âu và trước khi Hà Lan thống trị ở 2 kỳ gần đây, đã lọt vào chung kết giải U17 2 kỳ liên tiếp (1 lần vô địch). Ở cấp CLB, La Liga cũng đang là giải đấu ưu ái các tài năng bản địa nhất trong số 5 giải VĐQG lớn của lục địa già.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu thể thao quốc tế (CIES) thì trong từ giai đoạn 2009 đến 2017, trung bình cứ 4 cầu thủ ở La Liga thì có 1 người trưởng thành từ chính lò đào tạo của CLB. Tỷ lệ chính xác là 23,6%, nhỉnh hơn một chút so với Ligue 1 (23,2%) và bỏ xa những Bundesliga (15,1%), Premier League (14,1%) và Serie A (9,1%). Tuy nhiên, bí mật đằng sau việc bóng đá Tây Ban Nha liên tục sản sinh ra những lứa cầu thủ tài năng này là gì?
Câu trả lời là La Liga đã nghiên cứu phương thức vận hành những học viện tốt nhất Tây Ban Nha suốt 4 năm, rồi đúc kết một chương trình đào tạo cho cả nền bóng đá. Chương trình cơ bản với 100 bài học này được chia thành 6 giai đoạn, và tập trung vào 4 mặt: chiến thuật, kỹ thuật, chuẩn bị thể lực, tâm lý. Người phụ trách dự án này là Hugo Blanco, trưởng bộ phận phát triển bóng đá của La Liga. Các thành viên của dự án gồm Juan Florit, Carlos Casal và David Garcia, tất cả đều có bằng UEFA Pro, bằng cấp cao nhất với một HLV chuyên nghiệp.
Tất nhiên, việc áp dụng chương trình đào tạo sẽ được điều chỉnh tùy theo cơ cấu tổ chức, điều kiện vật chất và trình độ của các HLV đội trẻ ở từng CLB. Nhưng tất cả đều phải tuân thủ theo một tôn chỉ xuyên suốt, nhằm tạo ra thế hệ kế cận của những Andres Iniesta, Sergio Ramos hay Saul Niguez. Đó là tôn chỉ mà Blanco đúc kết là: “Trước đây, chúng tôi dạy các VĐV cách đá bóng. Còn hiện giờ, chúng tôi đi tìm những cầu thủ biết chơi bóng một cách thông minh”.
Phương pháp ấy đã giúp bóng đá Tây Ban Nha phát triển theo một hướng rất khác so với các nước ở châu Âu. Eduardo Covelo, giám đốc đào tạo của học viện Celta Vigo, một trong những học viện tham gia vào dự án, cho biết: “Thành công của đội tuyển Tây Ban Nha ở EURO 2008 và World Cup 2010 đã giúp chúng tôi định hình phong cách của mình. Mục tiêu của các lò đào tạo giờ là tìm kiếm những cầu thủ thông minh, có nhãn quan chiến thuật và xử lý bóng tốt. Chúng tôi không tìm người khỏe nhất hay nhanh nhất, mà là những người biết đưa ra quyết định đúng đắn nhất”.
Tất nhiên, để thay đổi cả một hệ thống đào tạo không phải là điều đơn giản. Nó phải bắt đầu từ chính các HLV phụ trách đào tạo trẻ. Như chia sẻ của Covelo thì “nếu như trước đây, các HLV theo dõi các cầu thủ trẻ với tâm thế của một người điều khiển một đội bóng trong trò PES thì giờ, họ phải hiểu rõ trận đấu, phải biết một cầu thủ cần làm gì và tại sao cậu ấy làm điều đó”. Nhưng không chỉ tập trung vào những mặt chuyên môn, người Tây Ban Nha còn để tâm đến cả khía cạnh ngoài bóng đá.
Trưởng bộ phận phát triển bóng đá của La Liga, Blanco cho biết: “Sau khi nghiên cứu, chúng tôi nhận ra những cầu thủ từ 12 đến 16 tuổi không cần rời xa môi trường quen thuộc của mình, và nên có một tuổi thơ bình thường như mọi đứa trẻ khác”. Nguyên nhân của chuyện này thực ra khá đơn giản. Trong hơn 900.000 đứa trẻ đang chơi bóng trên khắp các sân cỏ Tây Ban Nha, sẽ chỉ có 1-3% trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Vì thế, mục đích của dự án là “trợ giúp để mỗi cầu thủ phát huy tối đa tiềm năng của mình”. Và những mầm non này có thể thành công hay không, còn phụ thuộc vào tài năng cá nhân, sự nỗ lực và cả may mắn của từng cầu thủ.
Người Tây Ban Nha tràn ngập châu Âu La Rojita thống trị các giải trẻ |
Bình Luận