Tối Chủ nhật tới, Real sẽ bước vào trận El Clasico đầu tiên của mùa giải, nhưng chủ tịch Florentino Perez có thể đã sẵn sàng cho các cầu thủ ra sân mà không có Lopetegui trên băng ghế chỉ đạo, dù cái giá phải trả đắt tới cỡ nào chăng nữa.

Sự tàn nhẫn đã được Perez mang từ cuộc sống vào bóng đá, với tham vọng duy nhất vượt lên tất cả: Nếu ông là số 2, không ai là số 1.
Cú vấp đầu tiên
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư công trình tại Đại học Bách Khoa Madrid, Perez thuộc diện “quy hoạch” vào cơ quan nhà nước. Đó là thời điểm Tây Ban Nha vừa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, chính quyền các nơi bắt đầu kế hoạch khởi công các dịch vụ cộng đồng hướng tới phúc lợi xã hội.
Perez khởi đầu bằng một vai trò hành chính nhỏ tại hội đồng thủ đô Madrid: Giám sát thi công tuyến đường công cộng. Gây dựng thiện cảm với các nhà chức trách sau dự án đó, Perez chuyển lên cấp trung ương, đảm nhận chức vụ chuyên viên mảng cầu đường tại Bộ Công chính và Vận tải Tây Ban Nha.
Khi đã tích lũy được “vốn liếng” nhất định, Perez muốn chạy đua vào chính trường. Bằng những cuộc vận động hành lang, Perez được bầu làm Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Cải cách (PRD).
Nhưng PRD trong mắt các chính đảng ở Tây Ban Nha là cái gai. Trong cuộc bầu cử năm 1986, PRD không giành được số phiếu tối thiểu để có một ghế trong quốc hội. PRD bị giải thể ngay lập tức, khiến mộng quan trường của Perez tan thành mây khói.
Ông nhận ra, cuộc chơi này không dành cho mình, và tự xây dựng đế chế riêng có lẽ là con đường duy nhất. Ngân hàng Padros và tập đoàn ACS (một trong những nhà thầu xây dựng lớn nhất thế giới) - hai nguồn tiền bảo trợ Real nhiều năm qua - đã ra đời sau cú ngã ấy.

Xây dựng đế chế
Với đặc thù địa chính bị chia cắt thành các khu tự trị, bóng đá là phương tiện truyền tải sinh động nhất các đặc tính xã hội Tây Ban Nha, và cũng là kênh để giới kinh doanh mở rộng tầm ảnh hưởng.
Perez, với vốn hiểu biết về bóng đá chỉ bằng “một con búp bê” theo mô tả của tờ El Pais, sớm nhận ra những lợi ích mà môn “thể thao vua” mang lại. Năm 1995, nhân tình hình nội bộ Real khủng hoảng do khoản nợ khổng lồ đè lên vai, Perez đặt quyết tâm hạ bệ chủ tịch đương nhiệm Ramon Mendoza.
Dù bị phản đối gay gắt vì khả năng quản lý yếu kém, bằng cách nào đó Mendoza vẫn giành chiến thắng tuyệt đối với 699 phiếu bầu. Perez hiểu rằng, tiền quan trọng, nhưng mới chỉ là điều kiện cần để đặt một chân vào đội bóng Hoàng gia.
Perez chủ động tạo mối quan hệ với DRP và UCD - hai chính đảng có quan điểm ôn hòa. Khi DRP và UCD bị giải tán, Perez tiếp tục đi tìm một đồng minh tin cậy, là PP - Đảng Kito Giáo bảo thủ, phe cánh hữu Tây Ban Nha và giới quý tộc, tạo tiền đề cho cuộc tranh cử ghế chủ tịch Real lần hai vào năm 2000.
Chiến thuật lần này được cải biên. Thay vì hứa hẹn về những chính sách phát triển CLB ở tầm vĩ mô, Perez đánh thẳng vào lòng hận thù của các Madridista. Ông tuyên bố nếu được bầu làm chủ tịch sẽ mua Luis Figo -“nhạc trưởng” đang khoác áo “kẻ thù” Barca.
Perez không hề hứa suông. Trong khi tất cả đều chắc mẩm đó chỉ là tuyên bố trong phút cao hứng của Perez thì ở bóng tối, ông âm thầm tìm cách móc nối với người đại diện của Figo. Tất nhiên, giống bao người khác, vị này không mấy tin tưởng vào hy vọng thắng cử của Perez. Perez chỉ chờ có thế, khi điểm chết tâm lý của đối phương đã bộc lộ. Bằng kinh nghiệm của nhà buôn vào sinh ra tử nhiều lần, 1% với Perez cũng là con số đáng cân nhắc.

Một giao kèo béo bở được đề xuất. Perez chìa ra một “hợp đồng bảo hiểm”, ghi rõ trong trường hợp Perez thất bại, ông sẽ đền bù cho Figo và nhà môi giới khoản tiền xứng đáng. Đổi lại, Figo phải ký vào hợp đồng ghi nhớ.
Tin chắc Perez sẽ thua trong cuộc tranh cử chủ tịch Real nên Figo nhanh chóng gật đầu. Cựu tiền vệ người Bồ Đào Nha vẫn nghĩ rằng trên đời này không bao giờ có chuyện “kẻ ngoại đạo” như Perez lại nắm quyền ở Real. Cứ ký, đằng nào cũng chẳng mất gì.
Trớ trêu thay, 1% nhỏ nhoi kia lại là đoạn cao trào trong vở kịch. Năm đó, Perez đánh bại Lorenzo Sanz, chính thức trở thành người đàn ông quyền lực nhất Bernabeu. Figo, không còn cách nào khác là tôn trọng hợp đồng bởi nếu không, anh sẽ chịu khoản phạt khủng khiếp, ước tính gần 25 triệu euro.
Giành chiến thắng chung cuộc, tham vọng biến Real thành “sân chơi của những ngôi sao hàng đầu thế giới” mà Perez ấp ủ đã lâu lập tức được kích hoạt. Perez bán miếng đất ở đại lộ La Castellana, “trái tim” của Madrid và giải quyết khoản nợ 300 triệu euro của Kền kền trắng. Còn dư 200 triệu euro, ông quay vốn để đảm bảo rằng mỗi mùa Hè, Bernabeu lại đón một siêu sao.
Khái niệm Galacticos ra đời từ ấy. Những ngôi sao tới Bernabeu, tỏa ánh sáng rực rỡ bao trùm khắp bờ cõi Tây Ban Nha. Perez là người vui nhất. Vì ông là kiến trúc sư trưởng trong tổng công trình “dải ngân hà” tại Madrid. Perez không tận tay xử lý từng đơn hàng, ông tạo ra một cỗ máy và bắt nó hoạt động giúp kiếm tiền.
Độc tài và độc đoán
Perez là người giàu thứ 6 ở Tây Ban Nha, nhưng không bao giờ thỏa mãn với những gì đang có. Nếu Perez muốn, ông sẽ làm và làm cho bằng được. Theo báo điện tử ViceSsports, nhiều năm trước, bản dự thảo về Ley Mordaza - đạo luật gây tranh cãi xoay quanh quyền riêng tư và bí mật thông tin được Perez chỉnh lại sao cho đúng ý ông.

Năm 2011, Quốc hội Tây Ban Nha thông qua bộ luật mang tên… Florentino Perez, tạo ra những tiền lệ chưa từng có trong quy tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước. Nó cho phép Perez, một doanh nhân tư bản tham gia vào ban giám đốc tại tập đoàn năng lượng quốc gia Iberdrola.
Khi Lopetegui mất quyền kiểm soát phòng thay đồ, báo chí Tây Ban Nha tiết lộ lý do chính Zidane chia tay Real là vì Perez tự ý thay đổi chiến lược thể thao của CLB. Với số đông, đó là sai lầm lớn của Perez khi không thể giữ chân vị HLV nắm giữ kỷ lục 3 lần liên tiếp vô địch Champions League.
Nhưng Perez không cho đó là sai lầm. Đơn giản vì Perez muốn thế, và Perez - một nhà độc tài - chẳng có lý do gì để trình bày kế hoạch làm ăn với cấp dưới. Zidane, Ronaldo hay bất kỳ ngôi sao hạng A nào, đều chỉ là quân cờ của Perez.
Bây giờ, Perez đã sẵn sàng “sửa sai”, bằng hành động “thiết thực” được cho là sa thải Lopetegui ngay trước thềm trận Siêu kinh điển. Tất nhiên, về cơ bản đấy là một kịch bản điên rồ, nhưng sẽ không có nhiều người quá bất ngờ nếu nó xảy ra. Vì vào tháng 6, đúng 48 tiếng trước ngày ra quân World Cup 2018, chính Perez đã bỏ mặc cả quốc gia, buộc LĐBĐ Tây Ban Nha phải dừng hợp đồng với Lopetegui.
“Nếu ĐTQG có thể không cần HLV đi World Cup, tại sao Real không?” - đó có thể là câu hỏi Perez tự chất vấn bản thân lúc này.
Không có chuyện “nhường” ![]() Trong lịch sử điều hành Real, lần duy nhất Perez chịu “xuống nước” với các cầu thủ trong việc ăn chia tiền bản quyền hình ảnh là trường hợp của Cristiano Ronaldo. Luật bất thành văn ở Real là khi cầu thủ đi đóng quảng cáo, 50% giá trị hợp đồng phải trả về CLB. Với Ronaldo, tỷ lệ là 60-40. |
Bình Luận