Hôm 30/8, Messi đã không quay trở lại Barca kiểm tra sức khỏe nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tiền mùa giải. Siêu sao người Argentina đã thông báo với Barca rằng anh đã kích hoạt điều khoản ra đi trong trong hợp đồng và đang tìm kiếm bến đỗ mới. Messi thực sự muốn ra đi trong sự tôn trọng và thân thiện, nhưng phía gã khổng lồ xứ Catalan cho đến nay vẫn từ chối đàm phán.
Hiện tại, mức phí giải phóng hợp đồng của Messi là 700 triệu euro. Nếu có đội bóng nào nộp đủ số tiền này, tiền đạo 33 tuổi sẽ ngay lập tức được tự do. Đó là lập trường cứng rắn của Barca.
Tuy nhiên, nếu bị đẩy vào đường cùng, Messi có thể kiện Barca lên FIFA để yêu cầu được ra đi. Vai trò của FIFA cũng như Tòa án trọng tài thể thao (CAS) có thể sẽ mang tính quyết định chuyện thành bại của thương vụ Messi. Hai cơ quan này có nghĩa vụ tham gia vào vụ việc từ thời điểm một bên đưa ra giá chuyển nhượng cho Messi.
Điều đó có nghĩa là nếu Man City, PSG, Juventus hoặc bất kỳ CLB nào yêu cầu FIFA cấp quyền ký hợp đồng với Messi, họ sẽ bắt đầu vào cuộc. FIFA có thẩm quyền cho cầu thủ quyền thi đấu, quyền kiếm tiền bằng cách làm việc.
Yếu tố quan trọng khác ở đây là mức giá hợp lý cho Messi. Điều này không thể được quyết định bởi FIFA hoặc CAS. Nếu Barca và đội bóng muốn ký hợp đồng với Messi không thể đạt được thỏa thuận, họ sẽ phải thông qua tòa án để quyết định mức giá chấp nhận được cho chủ nhân của 6 Quả bóng Vàng.
Tòa án sẽ xem xét thời hạn hợp đồng còn lại, độ tuổi, thu nhập của Messi và chi phí cá nhân cho Barca nếu họ không có sự phục vụ của Messi. Sau đó, tòa án sẽ cần quyết định xem liệu "điều khoản giải phóng" mà đội ngũ pháp lý của Barca đang tuyên bố còn có hiệu lực hay không. Nếu còn hiệu lực, tòa án sẽ xem mức phí giải phóng 700 triệu euro có phải là một mức giá hợp lý để "giải thoát" Messi khỏi Barca hay không.
Cốt lõi của sự tranh cãi là vì mùa giải 2019/20 đã kết thúc muộn hơn dự kiến do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. FIFA có thể khuyến nghị hành động liên quan đến việc liệu điều khoản có còn hiệu lực hay không, nhưng họ không thể bỏ qua bất kỳ quyết định nào được luật pháp Tây Ban Nha bảo vệ.
Trong trường hợp một đội bóng khác tại Tây Ban Nha muốn có Messi, họ sẽ phải đặt cọc điều khoản giải phóng hợp đồng đầy đủ của tiền đạo này với LĐBĐ Tây Ban Nha. Về mặt kỹ thuật, khoản thanh toán ấy nằm dưới danh nghĩa của cầu thủ, tức là người đang giải phóng bản thân, song tiền được trả bởi CLB mua.
Còn nếu Messi đến một CLB ngoài xứ sở bò tót, và điều khoản giải phóng không còn hiệu lực, Messi vẫn cần phải "chuộc thân", mua lại hợp đồng của mình với Barca.
XEM THÊM
Lý do Messi không nên gia nhập Man City?
Bình Luận