Messi ra đi, La Liga xuống cấp cũng là lẽ thường

Ai, hoặc điều gì, cũng phải đến lúc thoái trào. Bóng đá Tây Ban Nha đã được tung hô quá nhiều, quá lâu rồi. Cũng phải đến lúc La Liga bước lùi, chứ giải đấu này đâu thể thống trị bóng đá đỉnh cao mãi! Từng có mấy chục năm liền trước đây, bóng đá đỉnh cao ở châu Âu vẫn luôn hấp dẫn, dù không ai nhắc đến Real Madrid hoặc Barcelona trong thời kỳ ấy.
Messi ra đi, La Liga xuống cấp cũng là lẽ thường

- Lịch thi đấu La Liga 2021/2022

Sau khi Sergio Ramos và Raphael Varane chia tay Real Madrid, đến lượt Lionel Messi chia tay Barcelona. Đấy chỉ là câu chuyện của mùa Hè này. Và câu chuyện chỉ trở nên chấn động khi cái tên Messi xuất hiện. Trước đây, Neymar và Cristiano Ronaldo cũng đã lạnh lùng quay lưng với La Liga, mà đâu ai kết nối với sự xuống cấp của La Liga. Ngược lại là đằng khác. Không ít người dè bỉu rằng, Ronaldo “bật bãi”, không đủ trình độ chơi bóng ở La Liga nữa!

Chủ tịch Javier Tebas của La Liga nói vào năm 2019, rất… hạ cấp: “Tôi chẳng thấy có gì khác biệt khi Ronaldo hoặc Neymar chia tay La Liga. Giải đấu vẫn tuyệt vời. Chỉ có Lionel Messi là vĩ đại. La Liga không cần những ngôi sao khác”. Người hâm mộ thuần túy, muốn chê ai tùy ý. Là quan chức số 1 của La Liga, sao Tebas lại so sánh theo kiểu “dìm hàng” Neymar và Ronaldo một cách lố bịch như vậy? Tebas nói, La Liga chỉ cần có “Messi vĩ đại”, nên bây giờ ông ăn quả báo, phải lãnh trọn cái tát của chính Messi?

Vâng, Messi “tát” La Liga, chứ không phải Barcelona! Và dù những gì chúng ta thấy trên bề mặt có thể phần nào dối trá (có thể Barcelona muốn “đá đít” Messi thật, hoặc Messi đã muốn sang PSG từ lâu); quá ầm ĩ so với thực tế (Messi đã 34 tuổi rồi, chắc gì còn hay nữa), thì vẫn hiển nhiên một điều: La Liga mất Messi vì quy định tài chính của giải đấu này. Barcelona không bỏ qua cơ hội đổ lỗi cho La Liga, nói họ vẫn muốn giữ lại Messi, nhưng không được phép.

Có một số điều cần tách bạch. Ronaldo, Ramos hay thậm chí Messi, đều đã… già khú đế rồi. Và nếu bàn kỹ về chuyên môn thì Neymar cũng chưa chắc có giá trị đáng kể gì (siêu sao Brazil luôn được thổi phồng quá lố, chỉ giỏi ăn vạ và lừa bóng rườm rà? Tùy quan điểm).

Nhưng ở đây, chúng ta đang nói về những “thương hiệu”. Một người hâm mộ bóng đá bình thường thì cần gì những phân tích cao siêu, nặng nề về mặt chuyên môn. Du khách càng không quan tâm. Nhiều người từ Anh sang Barcelona để du lịch, thăm thánh đường Sagrada Familia và xem Messi đá bóng – đơn giản thế thôi.

Và chỉ cần đơn giản như thế, để quy ra… hàng trăm triệu euro. Đây là cái điều mà La Liga đã và đang mất dần trong những năm gần đây, bây giờ mới giật mình nhận ra khi mất nốt siêu sao Lionel Messi.

Sự ra đi của những Sergio Ramos, Raphael Varane và nhất là Lionel Messi (ảnh phải) khiến sức hút của La Liga giảm sút rõ rệt

Giáo sư kinh tế học Rodriguez Guerrero ở đại học Oviedo khẳng định: “Đây là mất mát rất lớn, sẽ để lại hệ lụy liên quan đến mọi CLB ở La Liga, trong nhiều lĩnh vực”. Sẽ có những bàn thắng không được ghi, những chiếc áo không được bán, những gói du lịch không được ngó ngàng đến nữa. “Tất cả sẽ phải nuối tiếc”, Guerrero kết luận.

Bóng đá, trong nhiều trường hợp, là ngành kinh doanh hơn là một môn thể thao thuần túy. Nhưng bóng đá là ngành kinh doanh đặc biệt, khác hẳn những ngành kinh doanh thông thường. Trong ngành này, các công ty lớn, nhỏ phải dựa vào nhau để sống, chứ không có xu hướng công ty lớn luôn tìm cách nuốt chửng các công ty nhỏ.

Ở cái ngành kinh doanh bóng đá này, bạn có thể kiếm tiền nhờ những vốn quý trong tay kẻ khác. Đây là lý do khiến chủ tịch Angel Torres của CLB Getafe phát biểu gần như “nguyền rủa” La Liga. Torres tuy là chủ tịch Getafe, nhưng lại là hội viên có thẻ của… Real Madrid. Và ông luôn mong chờ cơ hội gặp Barcelona của Lionel Messi.

Torres nói: “La Liga không thể để mất Messi. Cầu thủ hay nhất thế giới phải chơi bóng ở La Liga cho đến trước khi giải nghệ. Đây là lỗi lớn mà tất cả chúng ta sẽ đều phải nuối tiếc”. Vâng, lại phải “nuối tiếc”, như kết luận của giáo sư Guerrero.

Tất nhiên, đây đó sẽ có ý kiến, rằng La Liga chẳng việc gì phải nuối tiếc. Rằng cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, ở Barcelona hoặc bóng đá Tây Ban Nha nói chung, có hay không có Messi. Ừ thì La Liga vẫn sống, với những Griezmann, Suarez, Hazard, Benzema, Aguero… Sức sống ấy như thế nào, sẽ thấy ngay thôi mà!

383. Một nhóm nghiên cứu gồm nhiều nhà kinh tế học ước tính: Lionel Messi làm cho Barcelona tốn khoảng 383 triệu euro trong vòng 3 năm gần đây nhất. Nhưng cũng trong khoảng thời gian ấy, cái tên Messi lại giúp Barcelona kiếm được khoảng 620 triệu euro.

Ai đắt giá nhất La Liga?

Theo tính toán của trang web chuyên về chuyển nhượng Transfermarkt, trong top 10 cầu thủ có giá trị thị trường (là giá trị được rút ra sau khi xét tới rất nhiều yếu tố, có thể thấp hoặc cao hơn giá giao dịch thực tế) cao nhất thế giới, LaLiga chỉ đóng góp đúng một cầu thủ là Frenkie de Jong! Anh đứng ở vị trí thứ 9 với giá 90 triệu euro. Trong top 20 thì LaLiga cũng chỉ có thêm 3 cầu thủ là Pedri (thứ 16), Joao Felix (17) và Marcos Llorente (20), đều có giá thị trường là 80 triệu euro.

“Ai mà rước nổi Messi?”

Đấy quả là một vấn đề không nhỏ. Nhưng sự thật đã phơi bày. PSG ngay lập tức tuyển dụng Messi, cho dù trong đội bóng này đã có nửa tá siêu sao thượng thặng, mà không cần nói thì ai cũng biết là lương rất cao. Cái cách mà PSG ký hợp đồng với Messi, ngay sau khi anh chia tay Barcelona, cho thấy chủ tịch Javier Tebas của La Liga chỉ là ếch ngồi đáy giếng, khi quả quyết không có đội nào rước Messi mà không phạm luật về tài chính!

    Bình Luận