HLV dĩ nhiên là người huấn luyện. Nhưng cụ thể, công việc huấn luyện ấy gồm những việc gì? Rất ít người trả lời được.

Chức vô địch World Cup 2018 chỉ là kết quả phản ánh công việc của Didier Deschamps, chứ cũng không ai biết rõ ông nghĩ gì, làm gì hàng ngày để có được kết quả ấy (mặt khác, nếu có HLV khác cũng suy nghĩ và làm đúng những công việc hàng ngày của Deschamps, thì lại chưa chắc vô địch).
Bây giờ, khi có tình trạng hàng loạt HLV nổi tiếng nhất thế giới tề tựu về Premier League, có người khẳng định: điều cốt lõi quyết định ai sẽ thành công giữa những Pep Guardiola, Jose Mourinho, Mauricio Pochettino, Juergen Klopp, Emery Unai, Maurizio Sarri chỉ là tư duy. Ai nghĩ ra được ý tưởng hay hơn để đi trước đối thủ thì đấy sẽ là người thành công. Vì họ đều có trong tay gần như đầy đủ phương tiện để hiện thực hóa ý tưởng.
La Liga nhìn chung không giàu như Premier League. Trừ Barcelona, Real Madrid, và phần nào là Atletico Madrid, các đội còn lại ở La Liga đều nghèo hơn hẳn so với mặt bằng tài chính của bóng đá Anh. HLV trưởng của các đội ấy không phải cứ muốn thì sẽ hiện thực hóa được ý tưởng. Nói nôm na là phải “liệu cơm gắp mắm”. Công việc hàng ngày của giới cầm quân tại La Liga do vậy được cho là khó khăn hơn các HLV ở Premier League - dù trên nguyên tắc thì, xin lặp lại, cũng chẳng ai nói được công việc cụ thể ấy là như thế nào. Một HLV từng nói với cây bút nổi tiếng Sid Lowe: “Với một nửa công việc hàng ngày mà chúng tôi phải làm ở La Liga, chúng tôi đã có thể huấn luyện một đội bóng ở Premier League, khá dễ dàng”.

Theo những người trong cuộc, một HLV ở Tây Ban Nha phải không ngừng suy nghĩ về môn bóng đá. Cho dù là đúng đi nữa, đấy vẫn chỉ là sự thật... tương đối. “Bóng đá” trong mắt các HLV Tây Ban Nha nghĩa là trò chơi trên sân, là các vấn đề chiến thuật và các nguyên lý vận hành. Họ luôn nghiền ngẫm, để rồi xuất hiện thực tế là tính chiến thuật ở La Liga cao hơn Premier League. Dựa vào đó, HLV Manuel Pellegrini khẳng định: “Thứ bóng đá tại La Liga là thứ bóng đá hay nhất thế giới”. Pellegrini (người Chile) hiện đang huấn luyện West Ham ở Premier League. Ông từng đưa Manchester City lên ngôi vô địch Premier League. Ở La Liga, Pellegrini đã huấn luyện từ Villarreal, Malaga đến Real Madrid.
Nhưng nếu các HLV tại Premier League “suy nghĩ ít hơn về môn bóng đá”, thì họ làm gì trong quỹ thời gian còn lại? So sánh bắt đầu chệch choạc. Kỳ thực, “bóng đá” của giới HLV Anh lại không chỉ là trò chơi trên sân, mà còn là vấn đề quản lý đội bóng, là các vấn đề thể lực, kinh doanh... Nếu cho rằng cái hay cụ thể nhất của môn bóng đá là khả năng bóng đá... tự bán mình, thì Pellegrini cãi như thế nào khi Premier League mới là giải đấu “vô đối” về sự giàu có?
Tít mù nó lại vòng quanh. Vì không giàu nên các HLV ở Tây Ban Nha đành phát triển theo con đường “bóng đá thuần túy”, nghĩa là chủ yếu chỉ gồm chiến thuật. Gần trăm năm trước, HLV Herbert Chapman của Anh đã nghĩ ra số áo, như một cuộc cách mạng để đưa chiến thuật và việc huấn luyện lên tầm cao mới. Sơ đồ 4-4-2 mà HLV Alf Ramsey nghĩ ra hơn nửa thế kỷ trước cũng là sơ đồ mà giới bóng đá “không tưởng tượng nổi”. Chưa chắc dân Anh thua sút trong khả năng “suy nghĩ về bóng đá”. Vấn đề ở đây là các HLV ở La Liga tự hào về chiến thuật trước tiên vì họ “chỉ có chiến thuật”.
Bình Luận