Đón đọc đặc san “30 năm Champions League”
Mùa giải 1992/93, Champions League ra đời từ dư chấn của một thảm hoạ bóng đá, để rồi lột xác trở thành một sân khấu vĩ đại, một đấu trường danh giá, một thương hiệu bóng đá thành công nhất trong lịch sử.
Nhân kỷ niệm 30 năm Champions League, Tạp chí Bóng đá gửi tới độc giả một ấn phẩm đặc biệt với nhiều bài viết đặc sắc, hấp dẫn và độc quyền.
NGƯỜI CÓ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG VƯỢT THỜI GIAN
Nói Pep vĩ đại nhất thế giới không phải vì HLV giành được mọi danh hiệu ở bóng đá cấp CLB (17 danh hiệu lớn) mà bởi vì cách ông đã thay đổi bóng đá. Những gì trong đầu chiến lược gia 52 tuổi này đi trước phần còn lại nhiều năm ánh sáng.
Kể từ thời điểm Pep nắm quyền tại Barcelona năm 2008, tất cả những gì ông muốn làm là “khiến cho bóng đá tốt hơn, đưa đội bóng của mình lên một tầm cao mới”. Cựu HLV của ĐT Argentina, Jorge Sampaoli đã gọi Pep là “HLV có trí tưởng tượng nhất trong bóng đá”.
Fernandinho nói rằng, Pep có thể thuyết phục mọi người rằng những gì ông ấy nói ra sẽ là những gì chuẩn bị xảy ra trong một trận đấu. Sau đó, Pep sẽ cung cấp mọi thông tin cần thiết để giải quyết tình huống. “Cách tôi nhìn bóng đá bây giờ khác lắm. Tôi chưa bao giờ thấy như thế trước khi được gặp Pep”. Trong khi đó, Ilkay Guendogan mô tả Pep Guardiola là một “thiên tài đọc trận đấu và bao quát mọi tình huống có thể tưởng tượng được”.
Có một giai thoại gói gọn triết lý của Pep Guardiola xảy ra ngay sau khi ông tiếp quản Barca vào năm 2008. Thủ môn Victor Valdes kể: “Tôi nhớ cuộc nói chuyện đầu tiên với Pep. Ông ta có một bảng chiến thuật với hai cục nam châm nhỏ ở hai bên cầu môn ngay bên ngoài vòng cấm.
Ông ấy nói: Cậu có biết 2 cầu thủ này là ai không? Sau đó, ông ấy nói tiếp: Đây là những trung vệ của bạn. Tôi không biết Pep đang nói về cái gì thì đột nhiên ông ta cao giọng: ‘Khi cậu có bóng. Đây là nơi tôi muốn họ ở đó. Cậu sẽ chuyền cho họ. Và từ đây chúng ta sẽ triển khai tấn công’. Và đó là cách mọi chuyện bắt đầu”.
Và cánh cửa đã được mở ra cho một thế giới mới. Kể từ đó trở đi, công việc của Pep là thuyết phục các cầu thủ thông qua các buổi tập là phải làm những gì ông muốn họ làm. Điều này đi ngược với thói quen tập luyện của cầu thủ. Nhưng dần dần nó trở thành một quá trình tập thể có tổ chức hơn.
Pep Guardiola đã đẩy bóng đá sang những hướng đi mới. Vào năm 2008, khái niệm bóng đá thịnh hành là về các cấu trúc phòng ngự chắc chắn, có tổ chức, từ đó các pha chuyển đổi trạng thái nhanh chóng được thực hiện. Pep là người tiên phong trong việc xây dựng một đội bóng không sử dụng hàng thủ như một phương tiện để kết thúc trận đấu, mà là điểm khởi đầu của cuộc tấn công.
ÁM ẢNH CUỒNG LOẠN VỀ SỰ HOÀN HẢO
Pep Guardiola một HLV với năng lực làm việc phi thường và chứa đựng nhiều bất an trong đầu. Pep cần sự bất an, kịch tính để nuôi sống bản thân. Nếu cần, ông thậm chí còn tạo ra mối bất an không có thật. Đó là sự pha trộn của nỗi ám ảnh, nhu cầu kiểm soát mọi thứ. Pep phải cảm thấy rằng mọi thứ đều quan trọng. Đó là cách ông kiểm tra xem đam mê của mình có còn không.
Ông có 4 cuộc họp ngắn mỗi trận. Mỗi mùa, Pep có từ 6 đến 10 cuộc gặp với tất cả mọi người - từ bồi bàn và nhân viên y tế đến bác sĩ thể chất và lễ tân - trong một căn phòng ở trung tâm huấn luyện. Mọi người đều bị ép như cá mòi trong hộp. Ông nhắc nhở họ rằng họ phải tiếp tục thúc đẩy sự tiến bộ.
Chính vì thế, ông xứng đáng là HLV tiên tiến nhất thế giới. Ý tưởng của ông hoạt động trên 4 giai đoạn tấn công và phát triển chúng. Điều đầu tiên - quá trình đưa bóng lên. Từ giai đoạn mở đầu đó, phần lớn phụ thuộc vào việc có nhiều cầu thủ hơn đối thủ ở một khu vực cụ thể trên sân hay không.
Giai đoạn thứ hai - xây dựng lối chơi - dựa trên ưu thế về quân số đạt được bằng cách di chuyển cầu thủ vào các vị trí và đường tấn công khác nhau. Còn ai có thể nghĩ đến việc đạt được điều này bằng cách biến John Stones, một trung vệ, thành một trong những tiền vệ hiệu quả nhất của Man City?
Giai đoạn thứ ba là tạo ra đường chuyền cuối cùng, đường kiến tạo. Đây là điều mà Pep tin rằng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Giai đoạn đó là giai đoạn mà ông đã làm việc chăm chỉ hơn trong vài năm qua - sự di chuyển của hậu vệ cánh, tiền vệ trung tâm và tiền đạo trước đường chuyền cuối cùng.
Ông biết, bất chấp thành công của Man City, mình vẫn chưa toàn thành giai đoạn thứ ba đó, cũng như việc thiết lập giai đoạn thứ tư, “Dứt điểm” - thuật ngữ huấn luyện kỹ thuật để chỉ việc hoàn thiện một đợt tấn công.
Có cảm giác rằng văn hóa bóng đá vẫn chưa sẵn sàng cho những gì Pep muốn làm. Cầu thủ muốn có quyền tự do rê bóng khi họ muốn và sút khi họ muốn - chứ không phải khi họ được yêu cầu. Nhưng nó sẽ xảy ra. Đó là một phần trong quá trình tìm kiếm liên tục của Pep để tinh chỉnh cách suy nghĩ và cách chơi bóng.
Khi mọi người nghĩ rằng không có gì mới để phát minh về cách chơi bóng đá, Pep Guardiola đã chứng minh rằng họ đã sai. Ông đã tạo dựng được danh tiếng về việc nhìn thấy những thứ mà người khác không thấy. Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta nên tận hưởng thứ bóng đá của Pep - sản phẩm của một bộ óc tuyệt vời.
Khả năng thao túng tâm lý bậc thầy
Pep Guardiola đã huấn luyện Thomas Muller, Franck Ribery, Silva, Kevin de Bruyne và Jack Grealish, tất cả những người này - bất chấp tính cách mạnh mẽ của mình - đã tiếp thu triết lý của ông. Dani Alves từng nói: “Nếu Pep bảo tôi nhảy khỏi tầng ba sân Nou Camp, thì tôi sẽ nhảy vì tôi nghĩ phải có lý do chính đáng cho việc đó”.
Bình Luận