Pjanic gia nhập Barca: Đổi chiều tư duy, niềm tin cuối cho Setien và Messi

Thương vụ trao đổi Arthur Melo lấy Miralem Pjanic của Barcelona nhận nhiều ý kiến bỉ bai. Đổi 24 tuổi lấy 30 tuổi kèm 12 triệu euro phải chăng là một thương vụ có lãi? Lãi hay lỗ chớ vội phán xét…

Arthur, phiên bản tồi hơn của Xavi

Thứ nhất, bóng đá không phải là bài toán cộng trừ để so đo, chỉ có thời gian mới đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Thứ hai, 30 tuổi Pjanic có thể đem lại nhiều giá trị hơn 24 tuổi Arthur trong trung và ngắn hạn. 

Tất nhiên vẫn cần tầm nhìn dài hạn cho chiến lược phát triển song cần nhớ, hợp đồng của Quique Setien chỉ còn hiệu lực 2 năm nữa và quãng thời gian chơi bóng đỉnh cao của Messi, người vừa bước sang tuổi 33, có lẽ cũng chỉ chừng đó.

Khi Setien và đặc biệt là Messi ra đi, Barca sẽ phải cải tổ sâu rộng như khi Ronaldinho ra đi. Hiện tại, nhiệm vụ của Setien là kiện toàn hệ thống, với Messi là hạt nhân, với mục tiêu chinh phục La Liga và Champions League.

Để kiện toàn hệ thống này, Barca đã tiêu tốn 1 tỷ euro từ năm 2015, thời điểm gã khổng lồ xứ Catalan vô địch Champions League lần cuối cùng, với hàng loạt bom tấn thất bại thảm hại.

Arthur cũng nằm trong kế hoạch kiện toàn ấy, và việc Barca chấp nhận đẩy tiền vệ người Brazil sang Juventus cho thấy cầu thủ này chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Trên lý thuyết, Arthur được đo ni đóng giày để khoác áo Barca, với phong cách rất giống Xavi. Nhưng thực tế cho thấy, Arthur chỉ là sự lặp lại của một phiên bản tồi hơn.

Arthur chỉ là phiên bản tồi hơn của Xavi

Tiền vệ người Brazil rất giỏi cầm bóng xoay sở và phân phối nhưng không thể làm chủ khu vực trung tuyến. Ở Arthur thiếu cái uy, khả năng cảm nhận trận đấu và sự thấu hiểu triết lý như Xavi đã từng.

Bên cạnh đó, Arthur cũng không có được những đường chuyền phát triển bóng (progressive pass – đường chuyền bóc tách ít nhất 1 vị trí trong hệ thống phòng ngự đối phương) như Xavi vẫn thực hiện.

Thế nên, tần suất ra sân của Arthur trong màu áo Barca rất thiếu ổn định. Đơn cử, mùa này tiền vệ người Brazil chỉ xếp thứ 11 trong danh sách những cầu thủ ra sân nhiều nhất cho Barca tại La Liga, đá chính 14 trận và 7 trận vào sân từ băng ghế dự bị.

Sự xuất hiện của Pjanic, dấu hiệu đổi chiều tư duy

Một khía cạnh khác, bóng đá đã thay đổi rất nhiều so với 10 năm trước, thời thịnh trị của Barca cùng lối đá tiqui-taca. Dù vậy, chiến lược phát triển của Barca bao năm qua vẫn xoay quanh triết lý lỗi thời ấy, vẫn tìm người để lấp đầy khoảng trống Xavi hay Iniesta để lại và thất bại. Arthur hay Coutinho chính là minh chứng điển hình.

Sự lặp lại của những phiên bản tồi hơn của Xavi hay Iniesta dẫn đến hệ lụy là Barca ngày càng phụ thuộc Messi. Siêu sao người Argentina là cầu thủ duy nhất có thể/được quyền tạo đột biến trên sân. 

Bởi vậy, sự ma mị của những pha ban bật tí tách dần tàn phai để nhường chỗ cho sự đơn điệu. Các HLV đối đầu với Barca đôi khi là công việc đơn giản, vì chỉ cần dựng cái lồng phong tỏa Messi.

Pjanic là chuyên gia trong những tình huống tìm người thứ ba

Pjanic không phải dạng siêu sao để san sẻ áp lực cho Messi như Neymar nhưng tiền vệ người Bosnia có thể là viên gạch cuối cùng để hoàn thành một hệ thống mới, với sự cách tân tư duy để hỗ trợ Messi.

Đầu tiên, cần khái quát rằng Barca không cần cầm nhiều bóng thêm nữa. Vấn đề của đội bóng này là tăng cường hàm lượng đột biến trong các đường chuyền lẫn các pha đột phá ở các vị trí xung quanh Messi.

Sự xuất hiện của Pjanic sẽ tăng cường và hoàn thiện hệ thống này, với trục Pjanic, De Jong và Griezmann. Dễ nhận thấy, De Jong lẫn Griezmann đều đang gặp những vấn đề với hệ thống của Barca hiện tại. 

De Jong có sức mạnh thể chất, khả năng bao quát còn Griezmann mạnh về khoản khai thác không gian, nhưng cả hai thiếu sự kết nối với các cầu thủ xung quanh. Rất nhiều lần De Jong cầm bóng nhưng không thể phát triển bóng còn Griezmann di chuyển đến vị trí thuận lợi nhưng không được nhận bóng.

Cả hai thiếu một đối tác chuyển tiếp để tạo ra sự kết nối. Pjanic chính là đối tác ấy. Dễ hình dung, trong một tình huống phối hợp tam giác, De Jong đóng cai trò cầu thủ thứ nhất, Griezmann là cầu thủ thứ ba. 

Tiền vệ người Hà Lan không thể đưa bóng trực tiếp cho tiền đạo người Pháp vì bị hàng thủ đối phương phong tỏa. Vì vậy, cần một cầu thủ thứ hai làm nhiệm vụ chuyển tiếp. Pjanic là chuyên gia trong vai trò này.

Pjanic luôn có ý thức bọc lót trong các tình huống tấn công

Tiền vệ người Bosnia không “tốn bóng” như Arthur mà chọn vị trí hợp lý nhất để nhận bóng từ cầu thủ thứ nhất và thực hiện đường chuyền, với ít chạm nhất có thể, cho cầu thủ thứ ba.

Những pha phối hợp như vậy có thể bóc tách nguyên một tuyến phòng ngự của đối phương và tạo ra rất nhiều không gian cho các cầu thủ tuyến trên, bao gồm Messi, Griezmann và Suarez.

Một khía cạnh khác, bộ ba Pjanic-De Jong-Griezmann cũng có thể tạo thành hệ thống phòng ngự tuyến trên hiệu quả cho Barca. Cần nhấn mạnh rằng, mất bóng trong các tình huống tấn công chính là thời điểm dễ tổn thương nhất của Barca. Busquets hay Arthur (trước đây) đều không phải là những cầu thủ giỏi phòng ngự.

Ngoài ra, khả năng gây áp lực từ tuyến trên (offensive pressing) của Barca cũng thiếu hiệu quả, khi gần như “chấp” Messi. De Jong, Griezmann hay Pjanic lại khác. Họ được đào luyện và sở hữu những phẩm chất để tham gia hỗ trợ phòng ngự ở tuyến trên, từ chọn vị trí cho đến tranh chấp.

Trong những tình huống gây áp lực tuyến trên này, nếu đoạt được bóng, cơ hội ăn bàn trở nên rất rõ ràng. Liverpool với Juergen Klopp là đội thành công nhất hiện nay với phong cách này và Quique Setien cũng là bậc thầy của phong cách này khi còn dẫn dắt Real Betis.

Do đó, sự xuất hiện của Pjanic có thể là báo hiệu cho sự thay đổi tư duy lẫn phong cách của Barca, để trở nên máu lửa và trực diện hơn. Thành hay bại chỉ thời gian có thể trả lời, nhưng ít nhất Setien đã và đang quyết tâm cách tân cho hy vọng cuối cùng của ông và có thể cả Messi tại Nou Camp.

XEM THÊM

Juventus chiêu mộ Arthur với giá 72 triệu euro

Pjanic gia nhập Barca kèm điều khoản phá hợp đồng tới 400 triệu euro

Barca theo đuổi suốt 3 năm mới có được Pjanic

    Bình Luận