Tháng 7 'quỷ ám' hay bộ mặt thật của Barca?

Barca đã và đang trải qua một tháng 7 đầy hỗn loạn: mua hụt Nico Williams, vỡ kế hoạch trở lại Camp Nou, rồi đến chuyến du đấu Nhật bị hủy phút chót. Ba cú sốc liên tiếp phơi bày những rạn nứt sâu trong cách vận hành của CLB.

Tháng 7 'quỷ ám' hay bộ mặt thật của Barca?

Thất bại với Nico, chữa cháy bằng Rashford

Trong hai tuần đầu tháng 7, giới truyền thông Tây Ban Nha khẳng định chắc nịch: Nico Williams sẽ cập bến Camp Nou. Barca đã chuẩn bị ngân sách, Bilbao thì có vẻ chấp nhận thực tế. Nhưng đến ngày 4/7, cầu thủ xứ Basque bất ngờ gia hạn hợp đồng trong sự ngỡ ngàng của các sếp Barca.

Với một đội bóng đang khát khao trẻ hóa hàng công, sự khước từ của Nico không chỉ là thất bại chiến lược. Nó còn làm tổn thương hình ảnh của Barca, một đội bóng vẫn tự hào là bất kỳ tài năng nào cũng ao ước được khoác áo.

Tháng 7 'quỷ ám' hay bộ mặt thật của Barca?

Ngay sau đó, Marcus Rashford được công bố như một “bản hợp đồng bom tấn”. Nhưng ai cũng hiểu đây là một thương vụ vội vã. Không phải Rashford kém, nhưng thay thế Nico bằng một cầu thủ đánh mất phong độ ở MU rõ ràng chỉ như đang tìm cách bịt lỗ rò trên con tàu đang nghiêng.

Camp Nou mới chưa sẵn sàng

Ngày 25/6, Barca thông báo rầm rộ: trận Joan Gamper - sự kiện khởi động mùa giải truyền thống - sẽ đánh dấu màn trở lại của sân nhà Spotify Camp Nou. Nhưng rồi chỉ một tuần sau, họ buộc phải thừa nhận: giấy phép “sử dụng lần đầu” vẫn chưa xong. Không còn cách nào khác, trận đấu phải chuyển sang tổ chức ở sân Johan Cruyff, một bước lùi rõ ràng so với tham vọng truyền thông ban đầu.

Tháng 7 'quỷ ám' hay bộ mặt thật của Barca?

Đây không chỉ là vấn đề pháp lý. Nó cho thấy sự thiếu kiểm soát trong khâu tổ chức, nơi mà những kỳ vọng liên tục vượt quá khả năng thực thi. Và khi niềm tin người hâm mộ đang mong mỏi được trở lại “thánh địa” của mình, một cú trượt như vậy càng làm tổn thương cảm xúc tập thể.

Hỗn loạn ở Nhật Bản

Cú sốc lớn nhất, và cũng là cú sốc gây bối rối nhất, đến vào chiều 23/7: Barca đột ngột hủy bỏ chuyến du đấu đến Nhật Bản chỉ vài giờ trước khi lên máy bay. Lý do: đối tác tổ chức tại Nhật (Yasuda Group) không thanh toán đúng hạn, một “vi phạm hợp đồng nghiêm trọng” theo lời CLB. Người ta ước tính khoản tiền chưa được trả dao động từ 5-8 triệu euro.

Hệ quả không chỉ là một trận giao hữu bị hủy. Barca đứng trước nguy cơ mất trắng 20 triệu euro thu nhập từ tour châu Á, và quan trọng hơn: họ đánh mất niềm tin từ hàng nghìn fan Nhật, nơi từng đón nhận những cựu sao Barca như Iniesta, Bojan, và nơi thương hiệu “Blaugrana” vẫn còn sức nặng.

Tháng 7 'quỷ ám' hay bộ mặt thật của Barca?

Rakuten - đối tác cũ và cũng là tập đoàn mẹ của Vissel Kobe - buộc phải nhảy vào “giải cứu” bằng cách tạm ứng khoản tiền còn thiếu. Barca lại “lật kèo” lần nữa và có thể sẽ bay đến Nhật. Kế hoạch có thể được cứu vãn, nhưng những gì còn lại vẫn là một dư vị chua chát: sự hỗn loạn, sự bất nhất, và một hình ảnh không còn xứng với khẩu hiệu “Més que un club”.

Nếu nhìn bề ngoài, đây có thể là những “trục trặc kỹ thuật”. Nhưng khi ba cú sốc nối tiếp nhau chỉ trong vòng chưa đầy 20 ngày, người ta buộc phải đặt vấn đề về cấu trúc bên trong CLB. 

  • Tại sao các kế hoạch lớn như tổ chức Gamper lại được công bố khi chưa có đủ giấy phép?
  • Tại sao việc kiểm tra tài chính của đối tác Nhật không được tiến hành kỹ càng từ sớm?
  • Tại sao các thương vụ chuyển nhượng vẫn mang dáng dấp của sự bị động?

Tháng 7 'quỷ ám' hay bộ mặt thật của Barca?

Joan Laporta là người khơi lại niềm tin khi trở lại ghế chủ tịch giữa khủng hoảng năm 2021. Nhưng hơn ba năm sau, Barca vẫn chưa thể bước ra khỏi vòng xoáy thiếu minh bạch - thiếu nhất quán - và thiếu tầm nhìn dài hạn…

T KHÓA: BarcaRashford
    Bình Luận