VAR ở 4 giải hàng đầu châu Âu khác gì VAR ở Premier League?

Ngay từ khi đưa vào sử dụng chính thức ở Premier League 2019/20, VAR đã gây nên rất nhiều tranh cãi, thất vọng, tức giận, thậm chí gây chấn động lớn. Mới nhất là vụ bàn thắng bị từ chối của Liverpool trong trận gặp Tottenham. Nhưng hệ thống này hoạt động như thế nào tại 4 giải đấu lớn còn lại của châu Âu? Dưới đây là những phân tích của BBC Sport và cách chấm điểm về độ thành công của VAR ở các giải đấu này.

Bundesliga

Đã xuất hiện khá nhiều vấn đề khi VAR được triển khai lần đầu tiên vào năm 2017. Phải mất nhiều thời gian để trọng tài chính tham khảo rồi đưa ra quyết định cuối cùng. Thậm chí, không có cả màn hình trên sân và khán giả không hề hay biết có một cuộc trao đổi giữa các trọng tài đang diễn ra.

Tuy nhiên, PGMO (Ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp) của Đức đã họp lại vào kỳ nghỉ giữa mùa giải 2017/18 và họ quyết định sử dụng màn hình bên sân nhiều hơn. Nhưng điều đó lại gây ra vấn đề khác khi chúng bị lạm dụng quá mức. Kể từ đó, PGMO phải mất một thời gian để tìm ra được giải pháp dung hòa.

Bước ngoặt quan trọng là khi trọng tài bắt đầu sử dụng màn hình, các cầu thủ có thể nhìn thấy sự việc và bắt đầu chấp nhận các quyết định. Không có chuyện mắng mỏ hay cãi lại trọng tài vì họ biết điều đó sẽ thuộc về VAR. Nhờ vậy VAR hoạt động dễ dàng hơn ở Đức. Càng ngày VAR càng hoạt động tốt hơn rất nhiều. Gần như không có gì phải tranh cãi tại Đức.

VAR đang vận hành tốt tại Bundesliga

Đánh giá mức độ thành công của VAR: 8/10 điểm.

La Liga

Từng có những vấn đề phát sinh khi VAR bắt đầu được đưa vào sử dụng năm  2018. Vấn đề ban đầu là những thứ nhỏ nhất, chi tiết nhất đều được kiểm tra. Mỗi lần xem xét VAR đều mất nhiều thời gian và khiến trận đấu bị cắt vụn. Giới mộ điệu cũng thất vọng như ở Anh. Sự thay đổi lớn nhất, đó là những pha phạm lỗi trong vòng cấm, với các câu hỏi như “liệu đó có phải là một quả phạt đền không?”, “Pha phạm lỗi đó xứng đáng thẻ vàng hay thẻ đỏ?”, “Chúng tôi không thể nói, hãy tiếp tục trận đấu sau khi tham khảo VAR”…

La Liga luôn cố gắng ngăn chặn những pha tắc bóng nguy hiểm từ phía sau - không chỉ những pha phạm lỗi mà cả những tình huống đạp sau gót chân đối phương do bất cẩn. Các trọng tài sẽ lập tức tham khảo VAR để có thể quyết định xem đó có phải là thẻ đỏ hay không.

VAR tại La Liga cũng ngày một hoạt động ổn định hơn, tốt hơn sau một thời gian làm quen, thích nghi. Ngay cả thời gian để check VAR cũng ngày càng được rút ngắn. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn cần cải thiện như bóng chạm tay và việt vị. Song, điều này phản ánh sự yếu kém của luật hơn là VAR.

La Liga hạn chế được nhiều pha tắc bóng nguy hiểm từ phía sau khi dùng VAR

Đánh giá mức độ thành công của VAR: 7/10

Serie A

VAR bắt đầu được sử dụng thí điểm vào năm 2017. Nhưng các tifosi không thích VAR vì họ ghét phải chờ đợi quá lâu một quyết định, điều đó giết chết cảm xúc, sự hứng thú. Thậm chí chính các đội bóng cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt.

Lazio còn từng lên án VAR phá nát trận đấu và dọa sẵn sàng rời khỏi Serie A. Đó là tình huống xảy ra trong trận đấu với Inter năm 2017. Đội bóng thủ đô được hưởng một quả phạt đền, nhưng lại bị hủy bỏ sau khi trọng tài tham khảo VAR.

Đến thời điểm hiện tại, VAR tại Serie A hoạt động tốt hơn rất nhiều. Số thẻ đỏ do hành vi bạo lực ít đi đáng kể vì các cầu thủ biết mình sẽ bị xử lý và không thể thoát khỏi một khi có VAR can thiệp. Tháng 1/2018, LĐBĐ Italia đã khai trương trung tâm đào tạo VAR đầu tiên trên thế giới đặt trụ sở tại Coverciano.

Ý tưởng này giúp các trọng tài trở nên chuyên nghiệp hơn trong việc sử dụng VAR, giúp họ hiểu VAR nên được sử dụng để làm gì và họ không cần kiểm tra những gì. Vì vậy, các thủ tục như nếu trọng tài biên nghi ngờ việt vị, họ nên hạ cờ xuống và để trận đấu tiếp tục rồi có thể xem xét sau đó.

LĐBĐ Italia thậm chí đã khai trương trung tâm đào tạo VAR đầu tiên trên thế giới

Đánh giá mức độ thành công của VAR: 7/10

Ligue 1

Kể từ khi được đưa vào sử dụng năm 2018, VAR luôn gây ra các vấn đề tranh cãi. Các trọng tài đã mắc rất nhiều lỗi rõ ràng nhưng bây giờ thậm chí còn có nhiều lời chỉ trích những ông vua áo đen hơn trước khi có VAR. Hiệp hội bóng đá nhà nghề Pháp (LFP) lại thường không giải thích rõ ràng về những ca gây tranh cãi.

Bạn có thể gặp những sự cố tương tự trong hai trận, nhưng kết quả không giống nhau sau khi… tham khảo VAR. Rất nhiều chủ tịch và HLV các CLB đã nói rằng VAR đúng là “vớ va vớ vẩn”. Khán giả đến sân cũng không muốn mất thời gian quá nhiều cho trọng tài tham khảo VAR. Họ mất hết mọi cảm xúc và quá mệt mỏi để chờ đợi quyết định.

VAR tại Ligue 1 hoạt động ngày một tệ đi, nhất là xác định các pha việt vị. “Chúng tôi chấp nhận một bàn thắng được ghi trong tư thế việt vị vài cm, còn hơn là phải ngồi xem họ vạch vạch, kẻ kẻ đến đau hết cả đầu”, một khán giả bất bình nói.

Ligue 1 không thích VAR

Đánh giá mức độ thành công của VAR: 3/10

Qua những phản hồi tiêu cực về VAR tại Ligue 1, xin nói thêm về công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) tại World Cup 2022. Thực chất chỉ là VAR nâng cấp với nhiều camera hơn. Đây là công nghệ sử dụng 12 camera theo dõi chuyên dụng được gắn bên dưới mái vòm ở từng SVĐ để theo dõi quả bóng cũng như các cầu thủ.

Với 29 điểm dữ liệu được thu thập liên tục từ những cầu thủ cùng với tốc độ phân tích 50 lần/giây, SAOT dễ dàng tính toán chính xác vị trí từng cầu thủ trên sân và hoạt động của các bộ phận có thể dẫn đến tình huống việt vị.

Công nghệ bắt việt vị bán tự động lần đầu được áp dụng ở trận khai mạc World Cup 2022

    Bình Luận