Người thật giá ảo
Harry Kane hiện là chân sút số 1 tại Ngoại hạng Anh, và hiển nhiên anh trở thành mục tiêu đầy thèm khát của rất nhiều đội bóng lớn: Barcelona, Chelsea, MU, và có cả Real Madrid.
Trước sự quan tâm đặc biệt của những đại gia hàng đầu châu Âu thì Gà Trống đã đẩy giá Kane tăng theo từng ngày. Theo tin đồn mới nhất, Tottenham đã “báo giá” cầu thủ này là 250 triệu euro! Nếu có một so sánh nào đó, thì có thể thấy mức giá này là đắt kỷ lục trong lịch sử bóng đá thế giới khi cao hơn giá Neymar 3 triệu euro; còn ngược dòng thời gian thì nó còn đắt hơn cả giá của Cristiano Ronaldo và Gareth Bale cộng lại!
Liệu đây có phải là giá thật hay không?
Để định giá một cầu thủ thì phải xem xét rất nhiều yếu tố. Trong mặt bằng các “món hàng hot” trên thị trường cầu thủ hiện nay, thì rõ ràng Kane là cái tên “hot” nhất. Nhưng liệu cầu thủ này có thực sự phù hợp với lối chơi của một CLB nào khác hay không, thì còn phải hỏi các nhà chuyên môn. Dù gì đi chăng nữa, mức giá cao đến như vậy thì quả là không tưởng!
Từ đầu năm 2015, giá của Harry Kane là 100 triệu nhưng đến nay tăng gấp 2.5 lần! Đành rằng, giá cầu thủ đã bị đẩy lên rất cao sau mùa Hè vừa qua, và tình trạng khan hiếm tiền đạo tài năng là có thật. Nhưng về phần nhu cầu của các đại gia đang quan tâm Kane, nhất là với Real Madrid, thì hầu hết đều không thiếu tiền đạo giỏi – thậm chí là đang sở hữu cả những siêu sao.
Vì thế, họ muốn có Kane chưa hẳn là vì sự bức bách trong chuyên môn, mà có thể vì lý do khác. Và cũng vì thế, có thể thấy một phần giá của tiền đạo người Anh đang được định đoạt bởi truyền thông.
Báo chí, các chuyên gia bóng đá đang tung hô Harry Kane lên mây. Ngay cả các huyền thoại như Maradona, Zidane, Roy Keane, Rio Ferdinand… đều “quá lời” cho Kane. Không thể phủ nhận, tài năng và sự cố gắng của chân sút này là có thật, nhưng chính những lời khen lên mây xanh này đã đẩy giá của Kane lên… 9 tầng mây.
Tuy vậy, trong mắt giới cầu thủ thì Kane cũng “bình thường thôi”. James Rodriguez từng nhận xét: “Những cổ động viên Real còn rất xa lạ với Kane. Anh vẫn là cầu thủ bình thường.” Công tâm hơn hãy để con số lên tiếng.
Xét trong giai đoạn mùa 2014/15, tỷ suất ghi bàn của Kane là 0.64 bàn/trận, trong khi đó Ronaldo là 0.83 bàn/trận và Messi là 0.89. Tính năm 2015/16 từ đầu năm đến nay thì tỷ suất ghi bàn của Kane là 0.57 bàn/trận, Ronaldo là 1.04 và Messi là 1.03. Rõ ràng Harry Kane vẫn chưa thế sánh ngang với hai ngôi sao này.
Sự lão luyện của một “con buông chính hiệu”
Các đội bóng lớn để ý đến Kane từ 2015. Nhưng từ đó đến nay, Tottenham chỉ ra giá chứ không bán. Phải chăng họ đang “ghim hàng”, chờ cơ hội để… đầu cơ?
Gà Trống thành London thừa biết món hàng trong tay họ là bảo vật, còn nhu cầu của các đội bóng khác đều tăng lên theo thời gian.
Tottenham “ghim hàng” đã được 2 năm – kể từ khi Kane trở nên nổi tiếng. Theo quy luật kinh tế, thì việc “ghim hàng” là có thời hạn. Với một cầu thủ, thời hạn ấy càng cần cụ thể hơn. Bởi anh ta chỉ có giá khi còn phong độ đỉnh cao. Khi qua đỉnh cao thì giá của anh ta có thể rớt xuống chỉ còn phân nửa, hay thậm chí “rẻ bèo” nếu phong độ rớt thảm.
Mặc dù Kane còn rất trẻ, nhưng phong độ của một cầu thủ lên xuống không hẳn phụ thuộc hoàn toàn vào tuổi tác. Hãy nhìn lại trường hợp Fernando Torres, anh chuyển từ Liverpool qua Chelsea khi vẫn còn khá trẻ, nhưng khả năng săn bàn thì lại tuột dốc không phanh. Vì thế, với Tottenham, đây chính là thời điểm phù hợp nhất để họ có thể bán Kane để thu về khoản tiền lớn nhất có thể - nếu như quả thực họ muốn bán.
Bởi đây là lúc phong độ của Kane đang ở đỉnh cao, sự tâng bốc của truyền thông cũng đẩy anh liên tục “lên đỉnh”, và sự thèm khát của các đội bóng lớn cũng lên cao trào.
Trong bối cảnh như vậy, động thái “chào thua” của Chủ tịch Perez trong thương vụ Kane là vô cùng khôn ngoan – chỉ thấy ở những tay lái buôn lọc lõi bậc nhất thế gian. Chỉ cần một lời nói, một cái lắc đầu thôi, là đủ để “dập” cả truyền thông, và cũng khiến Tottenham phải bình tĩnh nhìn lại mức giá mà mình đã “phán”.
Vì ai cũng thấy, mức giá 250 triệu euro là… quá ảo. Nhưng chỉ duy nhất một con người có đủ quyền lực là Perez mới có thể can thiệp. Chỉ có như thế mới tạo lập lại thế cân bằng cho thị trường chuyển nhượng.
Bình Luận