Đó là một buổi sáng tháng 12 lạnh lẽo tại Madrid. Nhưng trong khách sạn Ritz giữa thủ đô Tây Ban Nha, không khí đang dần nóng lên bởi những cuộc đàm thoại về tiền bạc và quyền lực sắp diễn ra.
Hai ngài Chủ tịch của Real Madrid (Florentino Perez) và Barcelona (Joan Laporta) cùng bước vào bữa tiệc mà họ đã được mời với tư cách những vị khách quý. Họ được Bernd Reichart, CEO của A22 Sports Management, đưa tới ghế ngồi. Đây chính là tập đoàn quản lý đang chịu trách nhiệm xúc tiến dự án European Super League.
Ngài Perez hay Laporta không xuất hiện tại đây để lên tiếng về dự án mà chỉ đơn thuần đưa ra những động thái ủng hộ. Reicher nói rằng dự án Super League “chưa chết” bất chấp những quyết định cuối cùng của Toà án Công lý Châu Âu (European Court of Justice - ECJ) về việc bác bỏ giải đấu này.
Cuộc gặp gỡ đã cho công chúng thấy hai gã khổng lồ tại Tây Ban Nha vẫn bắt tay chặt chẽ trước những kẻ thù chung bao gồm Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin và Chủ tịch La Liga, ông Javier Tebas.
Từ thù thành đồng minh
Trong những thập kỷ gần đây, Perez và Laporta luôn đối đầu nhau bởi cuộc chiến cho vị trí số một tại Tây Ban Nha giữa Real Madrid và Barcelona và cả cho danh hiệu Champions League. Nhưng những sự kiện liên quan tới Super League đã đưa Real và Barca trở thành đồng minh, khởi nguồn cho một câu chuyện có thể sẽ để lại nhiều hệ lụy to lớn cho tương lai bóng đá Tây Ban Nha nói riêng và châu Âu nói chung.
Sự thân cận giữa hai CLB này là một điều kỳ lạ với các CĐV trên toàn thế giới bởi lẽ cuộc chiến “El Clasico” luôn nổi tiếng căng thẳng với những sự ảnh hưởng văn hoá - xã hội lớn giữa Tây Ban Nha và xứ Catalan.
Perez và Laporta, những CĐV trung thành từ xa xưa của đội bóng mà họ đang nắm giữ vị trí chủ tịch, biết rất rõ sự sâu sắc của mối tư thù trên.
Ngài Perez, một cựu chính trị gia, một nhà kinh tế siêu việt, chính là người đã tận dụng cuộc chiến không đội trời chung này để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chức chủ tịch Real Madrid vào năm 2000. Ông đã hứa sẽ “cuỗm” cầu thủ hay nhất của Barcelona thời điểm bấy giờ là Luis Figo.
Sự phản bội của Figo đã gây nên làn sóng phẫn nộ tại Barcelona. Họ dùng đồng xu, bóng golf và cả chiếc đầu lợn để ném vào cầu thủ chạy cánh người Bồ Đào Nha khi anh trở lại sân Camp Nou trong màu áo Real Madrid.
Tổn thất này đã trực tiếp ảnh hưởng tới việc Laporta lên nắm quyền tại Barcelona vào năm 2003 với tư cách “JFK xứ Catalan” tiếp nối những di sản đáng tự hào của CLB. Joan Laporta đã nói thế này trong ngày đắc cử: “Đừng hỏi Barca đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Barca”, phỏng theo câu nói của JFK, cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy.
Niềm tự hào ấy càng được dâng trào khi Pep Guardiola dẫn dắt Barcelona tới những thắng lợi to lớn với đội hình gồm những sản phẩm xuất chúng của lò đào tạo trẻ La Masia: Lionel Messi, Xavi hay Andres Iniesta. Lối chơi tiki-taka đẹp mắt được ra đời cũng đã kéo theo vô vàn lời ngợi khen và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người chơi bóng trên toàn thế giới.
Phản ứng của Perez chính là đưa về “người đặc biệt” Jose Mourinho, nhân vật đã đánh bại Barcelona ở đỉnh cao của họ, bằng những chiến lược hung hăng (aggressive) ở cả trong và ngoài sân cỏ với đỉnh điểm vào tháng 8/2011 khi vị thuyền trưởng của Real Madrid dùng một ngón tay chọc vào mắt Tito Vilanova, trợ lý HLV của Pep Guardiola bấy giờ, trong một trận El Clasico tại sân Camp Nou.
Barcelona - Real Madrid từng là trận cầu được theo dõi bởi hơn 500 triệu khán giả truyền hình, những người ngồi trước màn ảnh nhỏ để theo dõi cuộc chiến giữa hai CLB hàng đầu thế giới của những tên tuổi như Lionel Messi, Xavi, Iniesta, Gerard Pique, Neymar bên phía Barcelona và Cristiano Ronaldo, Sergio Ramos, Karim Benzema, Luka Modric bên phía Real Madrid vào những năm đầu của thập kỷ 2010.
Trận thư hùng giữa Real Madrid và Barcelona có sức nặng rất lớn, cũng giống với những yếu tố chính trị đằng sau mối quan hệ kình địch này.
Trong bối cảnh các nhà chính trị địa phương đang thúc đẩy quyền độc lập của xứ Catalonia, đám đông tại sân Camp Nou luôn giương cao lá cờ sọc đỏ - vàng truyền thống và hát vang khúc ca “Independencia” (Tự do) mỗi trận đấu, điều thậm chí đã khiến trận El Clasico vào năm 2019 phải bị hoãn vì những lý do an ninh.
Khi Josep Maria Bartomeu giữ chức chủ tịch Barcelona từ năm 2014 tới 2020, ông thường đổ lỗi rằng những tai ương ập đến với Barca đều có sự tham gia bởi một “thế lực đen” điều khiển bởi Perez. Bởi lẽ, những khách mời của Perez tại sân vận động Bernabeu luôn bao gồm các nhà chính trị, giới thương gia và thậm chí có cả cựu Quốc vương Tây Ban Nha Juan Carlos I.
Cả hai CLB dường như say sưa với sự khác biệt giữa họ, những người đấu tranh cho nền độc lập của xứ Catalan và những người Madrid bảo vệ những giá trị Tây Ban Nha truyền thống. Tình yêu và thù hận đều được thể hiện trong trận El Clasico.
Chủ tịch Florentino Perez nói: “Suốt cuộc đời chúng tôi, lúc nào họ cũng cho rằng Barca là người tốt còn (Real) Madrid là kẻ phản diện”. Ông luôn hãnh diện về “Đội bóng Hoàng gia” của mình, cũng giống như cách Barcelona thể hiện trong khẩu hiệu “Mes que un club” (hơn cả một đội bóng).
Tuy nhiên, sự tương đồng giữa hai CLB lại ít được chú ý tới. Real Madrid và Barcelona đều là tổ chức do thành viên sở hữu với nguồn gốc từ địa phương nhưng có phạm vi hoạt động quốc tế, loại hình dân chủ không hoàn hảo và cho phép người đứng đầu có quyền lực rất lớn. Họ đều có thế mạnh khổng lồ nhưng đồng thời cũng có những nỗi lo sâu xa mà chưa bao giờ muốn thừa nhận trước công chúng.
Việc theo đuổi dự án European Super League là thứ đang ràng buộc Barcelona và Real Madrid, biến họ thành những kẻ “đồng cam cộng khổ”.
Bắt tay vì Super League
Không có gì lạ với việc Real Madrid chống lưng cho dự án Super League bởi lẽ Perez chính là người đã đề xuất ý tưởng này trong hàng thập kỷ. Ông cho rằng giải đấu là phương án duy nhất để CLB của mình có thể cạnh tranh công bằng với các tên tuổi khác tại châu Âu, những đội bóng với nguồn vốn lớn từ bên ngoài và thậm chí từ chính phủ.
Trên bảng xếp hạng Deloitte, Manchester City đã vượt qua Real Madrid và Barcelona để lần đầu tiên trở thành CLB “giàu” nhất thế giới với doanh thu 644,9 triệu euro trong năm 2021, hơn 17% so với năm 2020. Cùng thời điểm đó, doanh thu của Real Madrid giảm 7% và của Barcelona giảm 18%.
Trên thị trường chuyển nhượng, số tiền mà Man City đã sử dụng (218,8 triệu euro) cũng lớn hơn rất nhiều so với Real Madrid (44,7 triệu euro) và Barcelona (90,8 triệu euro).
Khác với Real Madrid, lãnh đạo Barcelona không quá công khai thúc đẩy việc tổ chức Super League. Tuy nhiên, những nhà cầm quyền như Laporta, Sandro Rosell hay Bartomeu ít khi bỏ lỡ cơ hội công kích năng lực tổ chức các cúp châu Âu của UEFA.
Vào tháng 10/2020, ngay khi Bartomeu quyết định từ chức vì những bê bối trong và ngoài sân cỏ, ông đã tuyên bố rằng Barca luôn sẵn lòng tham gia dự án Super League. Điều này có thể gây bất ngờ với nhiều người nhưng không phải với những nguồn tin thân cận.
Chủ tịch La Liga, Javier Tabas phát biểu: “Bartomeu đã bị điều khiển bởi Florentino (Perez). Barcelona từng là CLB luôn có chính kiến nhưng giờ đây họ chỉ đang lặp lại những gì Real Madrid nói”.
Những lời ấy thật khó nghe đối với các CĐV Barcelona khi người đàn ông đứng sau dự án Super League, Perez, cũng chính là người đã cướp Figo từ họ, đồng tình với việc Mourinho động tay vào Vilanova và hơn cả, luôn đe dọa sự độc lập của xứ Catalonia.
Trong các cuộc bầu cử tìm kiếm người kế nhiệm Bartomeu, tất cả ứng viên đều biết điều gì là phù hợp nhất với “hội đồng bầu cử”, như cách gọi của các thành viên CLB Barcelona.
Laporta nói vào tháng 1/2021: “Dự án Super League hoàn toàn là về tiền bạc. Nó có thể phá hủy bản chất của bóng đá”. Ông cũng đã tranh cử thành công chức chủ tịch Barcelona vào tháng 3/2021. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, đội bóng xứ Catalan trở thành một trong 12 ông lớn tham gia thành lập Super League với đầu tàu là Chủ tịch Perez của Real Madrid.
Perez nói trong talkshow El Chiringuito de Jugones: “Cũng không khó để thuyết phục Laporta. Dự án Super League sẽ cứu Barca khỏi những khó khăn về tài chính ở thời điểm hiện tại. Ngày mai Laporta sẽ đứng ra và nói cho tất cả điều này”. Tuy vậy, Laporta không dại gì lên tiếng trong lúc làn sóng biểu tình phản đối dự án này leo thang tại Anh.
Còn tại Catalonia, xuất hiện rất ít những sự công kích bởi họ hiểu rằng Perez đã đúng. Khoản nợ hơn 1,3 tỷ euro của Barcelona không cho phép họ có quyền lựa chọn. Vì thế, ngay cả khi tất cả các CLB tham gia đã rút khỏi dự án (ngoại trừ Juventus), Barcelona và Laporta vẫn là những người ủng hộ kiên định ý tưởng này.
Cũng như Tebas, chủ tịch UEFA Ceferin đã chỉ ra sự gượng gạo trong quyết định theo đuổi dự án của Laporta. Ceferin nói với tờ AS của Tây Ban Nha vào tháng 5: “Barcelona luôn được biết đến như một CLB vì quần chúng, không giống như Real Madrid”.
Hiện tại, cả hai CLB đều không có bất kỳ đại diện nào trong các uỷ ban của UEFA cũng như trong Hiệp hội Các CLB Châu Âu (European Club Association - ECA). Thay vào đó, họ chỉ đang cố gắng gây ảnh hưởng bằng những phát ngôn từ bên ngoài, điều mà UEFA cho đến thời điểm này vẫn hoàn toàn có thể phớt lờ.
Mùa hè vừa qua cho thấy, sự ủng hộ của Real Madrid và Barcelona đối với dự án Super League đã dần tách họ khỏi những đội bóng khác tại châu Âu. Tờ Athletic cho biết không có đội bóng châu Âu nào nhận lời đá giao hữu với Real và Barca trong mùa hè. Thay vào đó, hai CLB này phải tổ chức một trận El Clasico tại Las Vegas, Mỹ. Barcelona thậm chí không tìm được đối thủ đồng ý tham dự trận giao hữu truyền thống tiền mùa giải Trofeo Gamper tại Camp Nou và phải mời CLB UNAM tới từ Mexico.
Dẫu vậy, Laporta không hề nao núng. Trái lại, Barca ngày càng công khai ủng hộ dự án Super League. Tại đại hội cổ đông thường niên của CLB vào tháng 10 vừa qua, ông nói Super League sẽ là “một giải đấu cạnh tranh bình đẳng, cởi mở, có tính chuyên môn cao và được xây dựng với cơ sở tôn trọng các giải vô địch quốc gia”. Ông cũng dự đoán các toà án tại châu Âu sẽ coi UEFA đang nắm một thế độc quyền cần được phá bỏ.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài Cadena SER tại Tây Ban Nha tuần qua, Laporta chia sẻ rằng dự án Super League “sẽ trở thành hiện thực vào năm 2025” bất chấp những quyết định của ECJ được đưa ra vào tháng trước.
Vì vậy, hoàn toàn là lẽ tự nhiên khi Laporta tới ngồi cùng Perez tại trung tâm Madrid trong sự kiện được nhắc tới ở đầu bài viết, công khai cho thấy những kế hoạch của họ vẫn đang được xúc tiến mạnh mẽ.
Đồng cam cộng khổ
Dự án Super League cũng không phải là điều duy nhất khiến Barca và Real liên kết với nhau trong những năm gần đây. Họ ngày càng thân thiết sau những cuộc chiến chính trị trong nước chống lại Javier Tebas, Chủ tịch La Liga.
Nhiệm vụ của Tebas kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2013 là bảo vệ lợi ích của các CLB nhỏ hơn, những đội bóng luôn nằm dưới trướng của hai ông lớn. Bộ đôi El Clasico thường xuyên phản đối các chính sách này, cho rằng họ không nhận được quyền lợi tương xứng sau khi đã tạo ra khoảng một nửa doanh thu cho nền bóng đá Tây Ban Nha.
Gần một thập kỷ đấu tranh về pháp lý đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/2021 khi Barcelona và Real Madrid từ chối tham gia vào thỏa thuận hợp tác ‘La Liga Boost’ trị giá 2,7 tỷ euro đã thỏa thuận với công ty cổ phần tư nhân châu Âu CVC Partners.
Thay vào đó, Barcelona đã thực hiện một thoả thuận độc lập tương tự vào mùa hè năm ngoái với các nhà tài chính Mỹ Sixth Street, mang lại 517 triệu euro để lấp đầy những lỗ hổng trong ngân sách của CLB. Thoả thuận trên được thông qua bởi Key Capital Partners, tập đoàn hỗ trợ tài chính cho Super League, và từng tài trợ 360 triệu euro để cải tạo sân Bernabeu chỉ 2 tháng trước đó.
Một tiêu điểm báo tại Madrid viết rằng: “Florentino Perez đã tìm đến Barcelona để cứu lấy dự án Super League”.
Còn những trang thông tin tại Catalan không nhấn mạnh mối liên kết với đội chủ sân Bernabeu, có lẽ để những CĐV Barcelona không phải nghĩ về điều đó quá nhiều. Họ ưu tiên viết về những “đòn bẩy kinh tế” đã giúp CLB ký những bản hợp đồng mới như Robert Lewandowski hay Raphinha trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua.
Tới mùa thu, bộ đôi El Clasico một lần nữa phải “đồng cam cộng khổ” để chống lại những điều luật thể thao mới từ chính phủ Tây Ban Nha. Perez đã cố gắng sử dụng các mối quan hệ chính trị của mình để sửa đổi từ ngữ trong luật nhằm mang lại lợi ích cho Real Madrid, và cả Barcelona, dẫn tới một chiến dịch vận động hành lang của Tebas và nhiều đội bóng Tây Ban Nha khác để bảo vệ sự bình đẳng trong những điều luật.
Chủ tịch Sevilla, Jose Castro, cho biết: “Chúng ta đều chung chí hướng vào lúc này, ngoại trừ một số thôi”. Ai cũng hiểu ông đang nói tới Real cùng Barca. Những sự tranh cãi về điều luật mới đã kết thúc giữa chừng và không bên nào thực sự hài lòng.
Sự cô lập đối với hai gã khổng lồ tại Tây Ban Nha một lần nữa xuất hiện vào tháng trước khi cả hai CLB tẩy chay chuyến đi do La Liga tổ chức nhằm xây dựng những mối liên kết kinh tế tại Trung Đông. Một số nhà cầm quyền tại Barcelona đã có dự định tham gia nhưng theo Tebas chia sẻ trong kỳ World Cup tại Qatar: “Tôi đoán đã có một cuộc điện thoại từ Florentino và họ lại thay đổi ý định”.
Real Madrid và Barcelona hiện nay đều không có bất kỳ người đại diện nào trong các tiểu ban quan trọng của La Liga, bao gồm các giám đốc điều hành của các CLB. Thay vào đó, họ thường gửi một người đại diện để tranh luận về trường hợp của mình khi các quyết định đang được đưa ra. Tại cuộc họp tại Dubai đã đề cập phía trên, cả hai CLB đều được đại diện bởi một luật sư tới từ Clifford Chance, một công ty đại diện cho Super League trong vụ ECJ - UEFA.
Tuy nhiên, sự cô lập ấy cũng mang lại những hậu quả đáng kể. Tháng 11 vừa qua, cả 18 đội bóng tại La Liga đã đồng ý thay đổi các quy chế về lương, điều khiến Barcelona ngày càng lún sâu vào khủng hoảng tài chính. Cùng với đó là những điều luật giới hạn về tầm ảnh hưởng của Barca và Real lên những môi trường mà họ thi đấu tại châu Âu và giải quốc nội.
Ý nghĩ về Real Madrid và Barcelona như những kẻ thù không đội trời chung luôn là điều khiến giới truyền thông và người hâm mộ quan tâm. Tuy nhiên, giới chức của hai CLB lại không có suy nghĩ như vậy. Ramon Calderon, chủ tịch Real Madrid giai đoạn 2006-2009, chia sẻ với tờ The Athletic khoảng hai năm trước: “Chúng tôi (Real và Barca) có mối quan hệ tuyệt vời. Chưa từng có vấn đề gì xảy ra giữa hai CLB mà ngược lại, luôn là bầu không khí thân thiện giữa các giám đốc trước mỗi trận đấu".
"Chúng tôi biết mình đại diện cho hai đội bóng kình địch nhưng chúng tôi chưa bao giờ coi nhau là kẻ thù và luôn thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Mối quan hệ cá nhân (với Laporta) luôn tốt đẹp và vẫn như vậy sau nhiều năm”, Calderon khẳng định.
Perez và Laporta cũng có mối quan hệ thân thiết trong nhiệm kỳ đầu tiên của họ ngay cả khi những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa các CĐV, giới chuyên môn và các cầu thủ trên sân, chẳng hạn như khi Figo trở lại Camp Nou trong màu áo Real Madrid. Vào năm 2010, trước khi nhiệm kỳ đầu tiên của Laporta khép lại, ông đã có một bài phát biểu ca ngợi Florentino Perez, người giúp ông học hỏi được rất nhiều điều.
Mối quan hệ giữa Rosell và Bartomeu sau đó không còn được thân thiết như vậy với những vụ việc như Mourinho - Vilanova hay Barcelona chiến thắng Real Madrid trong cuộc đua giành chữ ký Neymar, và cũng bởi những căng thẳng chính trị leo thang giữa xứ Catalan và chính quyền Tây Ban Nha tại Madrid. Dẫu vậy, những ứng xử xung quanh trận siêu kinh điển El Clasico vẫn luôn tốt đẹp.
Ai đó kể lại rằng trong một lần dùng bữa trước trận gần Camp Nou, Chủ tịch Perez đã làm đổ thứ gì đó lên cà vạt của ông. Và những đồng nghiệp bên kia chiến tuyến đã ngay lập tức sắp xếp cho ông một nhà may với nhiều lựa chọn thay thế. Hay khi Rosell bị nhóm CĐV gần khán đài VIP tại Bernabeu lăng mạ, Perez đã không ngần ngại đổi vé mùa giải của họ sang một khu vực khác tại sân vận động này.
"Nếu Barcelona không tồn tại, chúng ta phải tạo ra họ"
Với sự kiểm soát chặt chẽ từ Perez đối với Real Madrid, có rất ít bất đồng giữa các CĐV hay giữa những nhà cầm quyền về sự hỗ trợ mạnh mẽ dành cho đối thủ lớn nhất của họ. Nhưng tại Camp Nou và trong các hành lang quyền lực khác của làng túc cầu, một số người luôn tự hỏi điều này có thực sự mang lại lợi ích cho Barcelona hay không.
Những người coi Perez là một kẻ xảo quyệt trong thế giới bóng đá có thể cho rằng ông đang lợi dụng thời cơ để làm suy yếu đại kình địch của mình theo một cách nào đó mà chưa ai nhìn thấy rõ ràng. Evarist Murtra, một giám đốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của Laporta, chia sẻ với tờ La Vanguardia vào tháng 7: “Mối quan hệ giữa Perez và Laporta nên là mối quan hệ bình đẳng. Nhưng giờ đây, tôi không còn thấy như vậy. Tôi thấy Barca đang đi theo guồng quay của Real Madrid. Và với cá nhân tôi, điều đó thật không dễ chịu chút nào”.
Tuy nhiên, những nhận định cá nhân như vậy đều đã bị nhấn chìm bởi các sự kiện đang làm thay đổi thế giới bóng đá, chẳng hạn như Super League.
Real Madrid và Barcelona giờ đây đã có mối liên hệ chặt chẽ tới mức nếu một đội bóng rơi xuống bờ vực thì đội còn lại cũng sẽ chênh vênh. Nếu không có đại kình địch trong trận El Clasico, họ cũng sẽ không có đồng minh trên những chiến tuyến khác.
Khi Perez lên nắm quyền tại Bernabeu, ông từng nói: “Nếu Barcelona không tồn tại, chúng tôi sẽ phải tạo ra họ”. Phản hồi của Laporta với những vấn đề tài chính gần đây của Barcelona cũng là tạo ra một phiên bản đội bóng xứ Catalan thân thiết với đối thủ lịch sử của họ từ thủ đô Madrid.
Chúng ta vẫn sẽ phải chờ xem điều này có ý nghĩa gì với tương lai của Real Madrid và Barcelona, với nền bóng đá Tây Ban Nha nói riêng và châu Âu nói chung.
Bình Luận