Tiếc nuối là có...
Tuyển nữ Việt Nam khép lại hành trình World Cup với vị trí cuối bảng E, không giành được điểm số nào, không ghi bàn, thủng lưới 12 bàn.
"Thẳng thắn để đánh giá thì tuyển nữ Việt Nam có sự cải thiện. Sự thể hiện của thầy trò HLV Mai Đức Chung phản ánh đúng trình độ bóng đá nữ Việt Nam. Khoảng cách của bóng đá nữ Việt Nam và đối thủ còn rất xa.
Những gì mà chúng ta phấn đấu chỉ là hạn chế chứ không thể là thay đổi hoàn toàn được bộ mặt. Ví dụ như tuyển nữ Việt Nam muốn hạn chế bàn thua ở trận gặp Mỹ thì được nhiều người khen, gặp Bồ Đào Nha hơi tiếc một chút vì thua sớm, nhưng thua 2 quả cũng bình thường. Còn ở trận gặp Hà Lan chúng ta thua 7 quả thì nhiều người lại xoay sang hướng thế này, thế nọ.
Thực tế thì tuyển nữ Việt Nam thua 5-7 bàn là phản ánh đúng trình độ. Nếu ở trận gặp Mỹ và Bồ Đào Nha không may mắn, chúng ta cũng thua đậm như thế", BLV Quang Tùng nói.
"Sự tiếc nuối là có, nhưng rất nhỏ. Điều mà tôi nhìn nhận là các cầu thủ có sự cố gắng, có bài học lớn để hiểu bóng đá nữ Việt Nam đang ở đâu, hiểu rất rõ khoảng cách của chúng ta với đỉnh cao thế giới còn rất xa.
Việc tuyển nữ Việt Nam kết thúc ở vòng bảng với 3 trận thua là đúng thực trạng nhưng có ghi nhận sự nỗ lực, từ đó chúng ta biết để phấn đấu", BLV Quang Tùng thẳng thắn.
Chờ cú hích
BLV Quang Tùng khẳng định việc tuyển nữ Việt Nam có mặt ở World Cup sẽ tạo nên một cú hích nhất định, tuy nhiên sự thay đổi của bóng đá nữ Việt Nam lại phải cần nhiều thời gian, yếu tố.
"Tuyển nữ Việt Nam lên tới đỉnh cao bằng tấm vé dự World Cup rõ ràng là rất tuyệt vời, đời cầu thủ có lẽ cũng chỉ có được 1-2 lần. Đó là sự vinh dự và cả quyền lợi. Các cầu thủ sẽ được nhận những khoản thưởng lớn và nhiều thứ khác.
Từ đó, các cầu thủ trẻ, các thế hệ sau nhìn vào để phấn đấu. Không phải lúc nào bóng đá nữ Việt Nam cũng được đá cùng những đội bóng hàng đầu thế giới như Mỹ hay Hà Lan. World Cup vẫn là đỉnh vinh quang, là mục tiêu của nhiều thế hệ", BLV Quang Tùng phân tích.
"Nếu bóng đá nữ Việt Nam có thêm nhiều lần tham dự World Cup chắc chắn sẽ cải thiện, chỉ có điều chúng ta ở một xuất phát điểm thấp hơn nên phải nỗ lực nhiều hơn, bằng nhiều cách khác nhau để thu hẹp khoảng cách với các đối thủ. Khoảng cách đó không phải là 5 hay 7 bàn mà là từ rất nhiều thứ khác.
Để thay đổi thì đó là cả một vấn đề mang tính tổng thể. Còn thế hệ này không thể làm tốt hơn nữa được, các em đã làm tất cả những gì có thể", BLV Quang Tùng đánh giá.
Theo BLV Quang Tùng, muốn nâng tầm bóng đá nữ Việt Nam không chỉ có việc nâng chất giải VĐQG mà cần một chiến lược tổng thể và dài hơi, với sự chung tay của xã hội.
"Giải bóng đá nữ VĐQG cũng giống như bức tranh chung của bóng đá Việt Nam. Sự ổn định không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp mà phải là bóng đá chuyên nghiệp.
Chuyên nghiệp ở đây là phải có nền tảng hạ tầng, pháp lý, cơ chế tốt, doanh nghiệp sẵn sàng. Doanh nghiệp yêu bóng đá chỉ là một phần, vấn đề là người ta phải nhìn thấy cơ hội để cùng phát triển, chứ chỉ bỏ tiền đi mà không thu được gì sẽ rất khó.
Tất nhiên câu chuyện không chỉ có tiền hay không, mà tiền đó phải bền vững, xây dựng một hệ thống. Nhìn sang các đội bóng châu Âu, đó là bài học với bóng đá Việt Nam, nhưng áp dụng lại không đơn giản.
Họ gắn đội nữ với đội nam, tuy nhiên bóng đá nam phát triển bền vững, còn Việt Nam thì một đội bóng chuyên nghiệp bỏ cuộc bất cứ lúc nào", BLV Quang Tùng nói.
"Tại sao bóng đá cộng đồng, các giải phủi làm được mà bóng đá nữ không được? Sự yêu thích của mọi người với bóng đá nữ chúng ta cũng không nên trách.
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất lúc này là những người trong cuộc, những người có trách nhiệm, có tâm, phải cố gắng xây dựng, đưa ra được giải pháp về cơ chế, điều kiện cho các thành phần xã hội nhìn thấy cơ hội để song hành và phát triển cùng bóng đá nữ. Kể cả bóng đá nam cũng phải nhìn nhận lại về cơ chế", BLV Tùng chốt lại.
Bình Luận