Sau khi tuyển nữ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung giành vé dự World Cup, ông Dương Nghiệp Khôi, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ của CLB Hà Nội, kể với Zing về hai nhân vật có ảnh hưởng lớn tới thành công của bóng đá nữ Việt Nam. Đó là ông Hoàng Vĩnh Giang và ông Trần Thanh Ngữ.
Hai ông là những nhân vật tiên phong có ảnh hưởng lớn trong việc gây dựng lại phong trào bóng đá nữ Việt Nam thập niên 1980 trở về sau. Ông Giang là người đầu tư nuôi dưỡng thế hệ bóng đá nữ đầu tiên của Hà Nội, CLB nữ Hoa học trò, khi còn làm lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội. Ông Ngữ là nguyên Giám đốc Trung tâm TDTT Quận 1 TP.HCM.
Niềm tin đi trước thời đại
Là người có hơn 40 năm làm bóng đá, từng trực tiếp làm việc với ông Giang và ông Ngữ, chứng kiến sự phát triển từng bước của bóng đá nữ Việt Nam, ông Khôi không khỏi bồi hồi.
“Sau khi CLB nữ Hà Nội giành chức vô địch giải quốc gia lần đầu tiên năm 1998, ông Giang nói với tôi rằng sau giải này, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ phát triển hơn, gặt hái thành công sớm hơn tuyển nam”, ông Dương Nghiệp Khôi kể với Zing.
Ông nói tiếp: “TP.HCM có ông Ngữ cũng là người tâm huyết với bóng đá nữ. Tôi từng là cấp dưới của ông ấy. Thời kỳ chưa có giải vô địch quốc gia, ông ấy đã là người ấp ủ giấc mơ đưa tuyển nữ Việt Nam ra thế giới. Nói là điên rồ hay ảo vọng thì hơi quá nhưng suy nghĩ của ông ấy thời kỳ đó không hề được ủng hộ. Có một lần tuyển nữ đang lên đường đi tập huấn thì một vị lãnh đạo sở ngày đó còn lái xe chặn lại cơ mà”.
Theo ông Khôi, những thế hệ làm bóng đá trước đây không nhiều người dám tin bóng đá nữ Việt Nam sẽ gặt hái thành công.
“Có những ông bảo rằng phải lo bóng đá nam cho xong rồi hẵng tính tới bóng đá nữ. Tôi bảo rằng tại sao không phát triển bóng đá nam nữ song song, tại sao bóng đá nữ phải chờ bóng đá nam? Tôi tin bóng đá nữ, như niềm tin của ông Giang và ông Ngữ. Hai người đó với tầm nhìn xa trông rộng đã âm thầm phát triển bóng đá nữ những năm đó”, ông Khôi chia sẻ.
Giải vô địch quốc gia nữ đầu tiên ra đời năm 1998 có dấu ấn không nhỏ của hai cố chuyên gia Hoàng Vĩnh Giang và Trần Thanh Ngữ. Những năm sau đó, hai ông vẫn tiếp tục đóng góp, cạnh tranh tích cực vì sự phát triển chung của bóng đá nữ Việt Nam.
Ông Dương Nghiệp Khôi kể: “Hai ông không vì thành tích riêng của Hà Nội và TP.HCM mà ăn thua hay kèn cựa nhau. Nghĩa là nếu năm nay Hà Nội vô địch thì năm khác TP.HCM, Quảng Ninh hay đội nào khác vô địch không quan trọng, miễn là chúng ta tạo ra được một đội tuyển mạnh mẽ”.
24 năm kể từ câu nói của ông Hoàng Vĩnh Giang, tuyển nữ Việt Nam làm nên lịch sử khi giành vé dự vòng chung kết World Cup lần đầu tiên. Đây là bước tiến vượt bậc sau những danh hiệu của bóng đá nữ Việt Nam ở đấu trường SEA Games và AFF Cup. Ông Khôi hy vọng kỳ tích lần này sẽ là cú hích để thay đổi cái nhìn về bóng đá nữ, về cuộc sống và tương lai của các cầu thủ nữ tại Việt Nam.
'Con gái đá bóng khổ hơn con trai nhiều'
Từng có giai đoạn phụ trách mảng bóng đá nữ trẻ tại VFF, ông Dương Nghiệp Khôi thể hiện niềm tự hào khi những mầm non năm xưa đã trưởng thành và tỏa sáng ở đội tuyển Việt Nam.
Ông Khôi xúc động kể lại: “Nhiều cháu vì miếng cơm manh áo mới chọn con đường đi đá bóng, như lứa U14 của Thanh Nhã cũng có nhiều lắm. Mà HLV chỉ chọn những cháu hay nhất để đưa ra đây thôi".
"Một lần tôi dùng cơm tối tại trung tâm với các cháu mới ra từ Nghệ An, Huế, tôi có hỏi Vạn Sự: ‘Sao con lại thích chơi bóng đá?’. Sự trả lời rất thật: ‘Thưa bác, nhà con ở Đô Lương con nghèo lắm bác ạ, chúng con phải đi tập bóng đá để bớt đi một miệng ăn cho bố mẹ đỡ khổ’."
"Lúc ấy, tôi xoa đầu cháu, dặn cháu chóng lớn thành cầu thủ giỏi, thương các con nhiều lắm. Đam mê bóng đá là một chuyện, hoàn cảnh cũng đưa đẩy không biết bao nhiêu cầu thủ nữ vươn lên để mong muốn thay đổi cuộc sống”, ông Khôi giải thích.
Ông Khôi cũng nhắc lại một kỷ niệm năm 1998 khi làm trưởng đoàn đội nữ TP.HCM. Ngay trước trận khai mạc, tiền đạo Lưu Ngọc Mai bất ngờ lên cơn đau bụng (vì đến tháng).
“Chúng tôi lo lắm. Bác sĩ Nghiệp lấy ngải cứu hơ nóng trên bụng cho cháu đỡ đau. Vậy mà vài giờ sau, Mai vẫn chạy băng băng, ghi bàn mang lại chiến thắng 2-0. Sau trận tôi hỏi: ‘Đau không con?’. Con đáp: ‘Con đau chứ nhưng cắn răng lại để đá’. Các cầu thủ nữ cũng thật lì đòn. Thế mới biết con gái đá bóng khổ hơn con trai gấp nhiều lần”, ông Khôi cho hay.
Bình Luận