Chuyện chưa kể về xương vai phải mổ 2 lần
“Tôi đến với bóng đá 11 người khá muộn. Sở dĩ nói là bóng đá 11 người bởi trước đó, tôi có chơi futsal. Tôi từng giành 2 HCB cùng futsal nữ Việt Nam ở SEA Games 2011 và 2013. Đến năm 2014, tôi mới chuyển sang chơi bóng đá sân cỏ 11 người”, Thùy Trang hồi tưởng lại về hành trình đến với bóng đá cách đây hơn 10 năm về trước.
“Khi đó, tôi gia nhập CLB TP.HCM. Trong giai đoạn tập luyện ở sân Thành Long, chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc, tôi bất ngờ gặp một chấn thương đáng tiếc. Trong lúc đang tâng bóng với chị Kim Chi, tôi nhảy lên đánh đầu. Thật không may, tôi bị ngã. Tôi nghe rõ tiếng xương của mình kêu rộp, rộp lúc bấy giờ. Tay tôi không nhấc nổi lên được nữa. Vai sưng tấy lên. Chị Lưu Ngọc Mai phải lau người hộ rồi chở tôi ra bệnh viên chụp phim. Nhìn phim X-quang, xương của tôi gãy, chồng chéo lên nhau. Đội quyết định cho tôi đi mổ, gắn lại xương. Khi ấy, mẹ đã khóc rất nhiều và không muốn tôi tiếp tục với bóng đá”.
Tiền vệ Thùy Trang tiếp tục dòng hồi tưởng: “Phải thuyết phục mãi, mẹ mới đồng ý để tôi phẫu thuật và chơi bóng tiếp. Khoảng 2 tháng sau ca mổ, xương của tôi chưa lành hẳn. Nhưng vì quá nôn nóng cho giải VĐQG lần đầu tham dự, tôi đã tập luyện sớm hơn chỉ định. Vai của tôi lòi lên cây vít cố định trước đó. Ca tiểu phẫu sau đó phải diễn ra sớm để lấy cây vít ra, còn lại thép ở trong xương lúc bấy giờ. 2 năm sau đó, tôi trải qua ca phẫu thuật lớn thứ 2. Thép được tháo ra nhưng bác sỹ phải gắn 6 con vít cố định xương của tôi lại. Dần dà, những con vít đó gắn sâu vào bên trong”.
“Tôi cũng hỏi nhiều bác sỹ để xin tư vấn. Nhiều bác sỹ thừa nhận lấy ra lúc này sẽ rất đau, vì những con vít đã ở sâu bên trong người của mình. Nhưng có lẽ, sau khi khép lại World Cup, tôi vẫn sẽ mổ để lấy ra. Giờ thì vẫn phải làm bạn với nó trong hành trình giải đấu. Vai của tôi tất nhiên là đau khi va chạm mạnh. Nhưng lúc này, mình chỉ nghĩ đến được ra sân, được cống hiến cho đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup”, Thùy Trang tâm sự.
Vì anh trai, bố mẹ và gia đình
Thùy Trang sinh ra trong gia đình có tới 9 anh chị em. Cô là con áp út. Động lực đến với bóng đá nói riêng và thể thao nói chung của Thùy Trang xuất phát từ cảm hứng của anh trai. Cô bùi ngùi tâm sự với người viết: “Khi tôi nói chuyện với bạn, cũng là thời điểm ngày giỗ của anh ấy. Khi còn sống, anh là người đã đồng hành với tôi xuyên suốt hành trình chơi thể thao.
Anh ấy từng có lúc được đội Quân Khu 5 để mắt. Đáng tiếc, khuyết điểm về chân đã khiến anh không thể theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp. Ngày tôi nhận điểm thi tốt nghiệp, trúng tuyển vào đại học cũng là ngày anh trút hơi thở cuối cùng. Đến giờ, tôi vẫn quyết tâm chơi bóng đá không chỉ vì niềm đam mê bản thân, mà đó còn là khát vọng của anh trai mình. Tôi mong ở trên trời cao, anh có thể mỉm cười khi thấy tôi đã nỗ lực ra sao để có được như ngày hôm nay”.
Cách đây 4 tháng, khi Thùy Trang nhận danh hiệu Quả bóng bạc nữ Việt Nam 2022, mẹ cô, mẹ nuôi và chị gái đã từ Đại Lộc (Quảng Nam) vào TP.HCM để chia vui với cầu thủ này. Cô bật khóc khi thấy mẹ của mình hiện diện. 6 năm trước, khi Thùy Trang nhận chiếc HCV SEA Games môn bóng đá nữ đầu tiên trong cuộc đời, hung tin ập đến với cô gái sinh năm 1988. Mẹ cô bị ung thư dạ dày.
Bao nhiêu tiền lương, thưởng và những khoản trợ cấp cô đều gửi hết về nhà để chữa trị cho mẹ. Thậm chí có tháng trong túi Trang chẳng còn đồng nào, nhưng các đồng đội của Trang đều hiểu và luôn hỗ cô hết mình. Khi bệnh tình của mẹ vừa ổn, đến lượt bố cô bị tai biến vào năm 2018 và nằm liệt giường cho đến nay. Thời điểm ấy, Thuỳ Trang bị sốc nặng, cô gần như chẳng còn tâm trí để tập luyện, thậm chí có thời điểm định bỏ bóng đá để ở quê chăm sóc cha mẹ. Tuy nhiên, HLV Đoàn Thị Kim Chi và các đồng đội ở CLB TP.HCM và ĐTQG đã khuyên bảo và phân tích, rằng cô hiện đang là lao động chính ở nhà, nếu nghỉ thi đấu thì lấy đâu tiền để chữa trị cho ba mẹ. Vì thế, cô gái sinh năm 1988 này vẫn luôn phải nỗ lực…
Nuốt nước mắt vào trong, Trang dặn bản thân phải luôn giữ được thể lực, thể trạng tốt để hướng về World Cup 2023. “Tôi sẽ cố gắng hết sức để cả gia đình tự hào. Quê hương tôi cũng cảm thấy hãnh diện khi Thùy Trang này đã nỗ lực bằng tất cả những gì có thể, vì vinh quang cho ĐT nữ Việt Nam”, cô gái 35 tuổi bày tỏ.
Chế độ sinh hoạt chuyên nghiệp
Như đã nói, Thùy Trang là cầu thủ lớn tuổi nhất trong đội hình ĐT nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023. Cô gái mới bước sang tuổi 35 vẫn là trụ cột trong sơ đồ 5-4-1 của HLV Mai Đức Chung.
“Tôi tránh mọi chất kích thích có ảnh hưởng đến sức khỏe”, Thùy Trang tâm sự với phóng viên Bóng đá. “Tôi cũng mua thêm một ít sâm, thực phẩm chức năng. Vào buổi sáng, tôi thường dậy vào lúc 6 giờ, uống một cốc nước ấm. Trước khi ăn sáng 15 phút, tôi có uống 1 cốc nước sâm. Sau buổi tập về, tôi thường bổ sung vitamin C. Tôi sẽ ngủ trưa khoảng 1 tiếng, trước thời điểm 12 giờ. Vào buổi tối, tôi ngủ trước 10 giờ. Nếu ngày hôm sau được nghỉ tập, tôi có thể ngủ muộn hơn một chút".
Thùy Trang chia sẻ: “Sau mỗi buổi tập, tôi thường ở lại tập thêm các động tác tĩnh, tăng cường sức mạnh về cơ. Các cầu thủ Việt Nam thường có tầm vóc nhỏ bé và thấp hơn cầu thủ nước ngoài. Vì thế, tôi muốn tăng cường sức mạnh, đặc biệt là phần thân trên”.
Trần Thị Thùy Trang Sinh năm: 1988 Chiều cao: 1m57 Vị trí: Tiền vệ trung tâm Danh hiệu - Huy chương vàng futsal SEA Games 2011, 2013 - Huy chương vàng SEA Games bóng đá nữ 2017, 2019, 2021, 2023 - Vô địch quốc gia cùng TP.HCM: 2016, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022 - Quả bóng bạc Việt Nam 2022 |
Bình Luận