Việc tổ chức các giải trẻ như U11, U13, U15, U17, U19 hay U21 đúng độ tuổi luôn là điều mà tất cả kỳ vọng. Tuy nhiên, không phải giải đấu nào cũng xuôi chèo mát mái. Mới đây nhất, câu chuyện ở giải U11 Quốc gia, với việc đội U11 Sông Lam Nghệ An dùng cầu thủ quá tuổi dẫn tới án phạt 2 năm tốn nhiều giấy mực từ báo chí. Báo chí Nghệ An và chính đội bóng xứ Nghệ cũng đã có những phản hồi ngược lại xoay quanh vụ việc trên, khi có quyết định liên quan đến án phạt.
Trên thực tế, việc kiểm tra gian lận tuổi ở giải trẻ Việt Nam vẫn thường dựa trên hồ sơ của cầu thủ ở địa phương. Tất nhiên, một số trường hợp đặc thù là do hoàn cảnh gia đình như thiên tai, bão lụt mà dẫn tới cầu thủ bị mất giấy khai sinh. Vì thế, gia đình phải khai lại. Về điều này, một số trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, trong đó có PVF (đơn vị trước kia tôi có thời gian làm việc) chủ trương không tuyển mộ cầu thủ nếu như không được cầm chính xác trong tay bản gốc. Bên cạnh đó, việc về địa phương xác minh, đánh giá năng lực cầu thủ, phương diện tâm lý, hình thể cũng là những bộ lọc để kiểm tra năm sinh, tuổi thực của cầu thủ.
Ở góc độ y sinh, một số yếu tố có thể hỗ trợ để thêm xác định cầu thủ có gian lận tuổi hay không. Một cậu bé 12 - 13 tuổi đã có ngực, có cơ, định hình khung xương thì cần phải kiểm tra bằng việc chụp X-quang cổ tay. Ở trình độ cao hơn, ví dụ như các giải quốc tế, FIFA còn áp dụng chụp cộng hưởng từ MRI. Vì sao lại là cổ tay? Bởi dưới 17 tuổi, cầu thủ vẫn còn sụn tiếp hợp (sụn tăng trưởng). Đây cũng là lý do vì sao mà FIFA thường kiểm tra ở độ 17 tuổi trở xuống.
Sụn tăng trưởng được tạo thành từ sụn, một dạng cấu trúc cao su, mềm dẻo. Sụn tăng trưởng giúp xác định chiều dài và hình dạng trong tương lai của xương trưởng thành. Quá trình sụn phát triển và bồi đắp thành xương, tạo điều kiện để xương phát triển dài ra gọi là tiến trình cốt hóa sụn. Quá trình tăng trưởng này diễn ra trong suốt thời kỳ thơ ấu và tăng tốc nhanh trong giai đoạn dậy thì. Sụn tăng trưởng cuối cùng được thay thế bằng xương hoặc đóng lại vì sự tăng sinh của các tế bào trong mảng tăng trưởng giảm dần.
Nhiều người vẫn hay gọi là đo xương khi kiểm tra tuổi của cầu thủ cũng là vì vậy. Sụn tăng trưởng ngày càng ít đi hoặc không còn đồng nghĩa cầu thủ cùng ngày càng lớn tuổi hơn.
Thang đo về sụn tăng tưởng chính là phương án tham chiếu cho việc kiểm tra tuổi của cầu thủ trẻ. Ví dụ ở đoạn tuổi 12, 13 hoặc 14, nếu phim chụp Xquang ở cổ tay thấy sụn tiếp hợp đã không còn thì chứng tỏ cầu thủ ấy đã quá tuổi. Tất nhiên, sai số trong việc xác định tuổi vẫn có, thường là trên dưới 2 tuổi (+- 2). Lấy 1 ví dụ chứng minh, một cầu thủ Việt Nam từng bị phát hiện lớn hơn 2 tuổi so với thông tin ban đầu, sau khi kiểm tra sụn tiếp hợp.
Với các trường hợp dưới 11 tuổi, việc kiểm tra giấy khai sinh gốc là điều rất cần thiết. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thông tin liên quan đến công dân ngày càng được chuyển đổi số. Việc làm giả cũng khó có thể diễn ra. Ngay bản thân trẻ em khi sinh ra đã có giấy chứng sinh, cơ sở để làm giấy khai sinh sau này. Vậy nên tôi nghĩ, việc gian lận tuổi bằng cách khai sinh giả từ địa phương hoặc làm lại giấy tờ ngày càng ít đi. Nếu có, nó nằm ở việc BHL đội bóng cố tình, cộng thêm BTC đã không kiểm soát được kỹ lưỡng, với hồ sơ các cầu thủ của từng đội tham dự.
Bình Luận