U20 Việt Nam: Giành vé dự VCK U20 châu Á 2025 dễ hay khó? 

Hôm nay (21/9), vòng loại U20 châu Á 2025 sẽ chính thức khởi tranh. Mục tiêu của U20 Việt Nam khi được chơi trên sân nhà là giành vé dự vòng chung kết vào năm sau tại Trung Quốc.

U20 Việt Nam: Giành vé dự VCK U20 châu Á 2025 dễ hay khó? 

Lịch thi đấu của U20 Việt Nam tại vòng loại U20 châu Á 2025: Đi từ dễ đến khó 

Vòng loại U20 châu Á 2025 có 45 đội tham dự, được chia thành 10 bảng, trong đó có 5 bảng 5 đội và 5 bảng 4 đội. 10 đội đứng nhất ở 10 bảng và 5 đội đứng thứ nhì tốt nhất sẽ cùng chủ nhà U20 Trung Quốc tham dự VCK , từ ngày 5 đến 23/2 năm sau tại  Trung Quốc. Do có sự khác biệt về số đội ở các bảng nên để xác định 5 suất nhì, kết quả của đội đứng nhì và đội đứng cuối ở bảng 5 đội sẽ không được tính. Vòng loại sẽ diễn ra từ ngày hôm nay (21/9) và sẽ kết thúc đồng loạt vào ngày 29/9. 

Theo kết quả bốc thăm, U20 Việt Nam nằm ở bảng A với 4 đối thủ gồm Bhutan, Guam, Bangladesh và Syria. Để chuẩn bị cho giải đấu này, U20 Việt Nam đã có hành trình rèn giũa chuyên môn khá kỹ lưỡng. Trọng tâm là 2 đợt chuẩn bị gần nhất. Đầu tiên là thời gian chuẩn bị cho giải U19 Đông Nam Á 2024, hồi tháng 7. Ở giải đấu này, đoàn quân của ông Hứa Hiền Vinh đã rời giải ngay sau vòng bảng (thể thức thi đấu khắc nghiệt khi có 3 bảng nhưng chỉ có 4 đội giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp trong lúc nằm ở bảng có đối thủ rất mạnh là U19 Australia). Dù vậy, thất bại đó là bài học lớn để HLV Hứa Hiền Vinh và cộng sự phân tích, mổ xẻ về chuyên môn, nhân sự của cả thầy lẫn trò để bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng. Trong đợt chuẩn bị vừa qua, U20 Việt Nam có chuyến tập huấn và thi đấu giao hữu tại Nhật cũng như đá tập với U20 Nga.

Có thể thấy, U20 Việt Nam cũng gặp những khó khăn nhất định. Thời tiết mưa bão nên đoàn quân của ông Hứa Hiền Vinh phải hủy 1 trận đấu tập tại Nhật và bỏ dỡ trận giao hữu thứ hai với U20 Nga (tại Hà Nội) chỉ sau 15 phút ra sân. Cũng do ảnh hưởng của bão nên quá trình tập luyện cũng bị ngắt quãng. Về nhân sự,  U20 Việt Nam cũng không thể tập hợp được lực lượng mạnh nhất do một số đội không chấp nhận nhả quân bởi đang thi đấu ở V.League hoặc chấn thương. Vì thế, một số  gương nổi bật như Văn Thuận (Thanh Hóa), Nguyên Hoàng (SLNA) hay Mạnh Hưng (Thể Công)… không thể góp mặt. Một số khác như Long Vũ (SLNA), Công Phương (Thể Công)… được phép tập trung nhưng không thể tập luyện thường xuyên và chỉ có thể xuất hiện ngay sát ngày thi đấu chính thức, nên quá trình tập luyện chiến thuật của đội cũng bị ảnh hưởng. 

Vượt lên trên những khó khăn ấy, thầy trò ông Hứa Hiền Vinh quyết tâm giành vé dự VCK. Đây được coi là chỉ tiêu phải hoàn thành đối với Công Phương và đồng đội. Có thể thấy, các lớp đàn anh đi trước đã không bỏ lỡ tấm vé dự U20 VCK nào trong 3 giải gần nhất là động lực để U20 Việt Nam nỗ lực hết mình.  Rõ ràng, việc hướng đến tấm vé VCK không dễ, nhưng cũng không phải quá tầm đối với đoàn quân của ông Hứa Hiền Vinh. Bởi U20 Việt Nam có lợi thế sân nhà khi bảng A được tổ chức ở Hải Phòng. 3/4 đối thủ của U20 Việt Nam là Bhutan, Guam và Bangladesh đều bị đánh giá thấp hơn rất nhiều. Đối thủ trực tiếp là Syria lại gặp ở trận cuối cùng nên dễ bề cho tính toán. Nếu đảm bảo được chuỗi 3 trận toàn thắng để cùng đủ số điểm cũng như hiệu số bàn thắng cao trước lượt cuối cùng thì chỉ cần 1 trận hòa trước Syria là đủ để U20 Việt Nam (cũng như Syria) tiến thẳng đến Trung Quốc vào năm sau. 

U20 Việt Nam: Giành vé dự VCK U20 châu Á 2025 dễ hay khó? 
 

    Bình Luận