Không phải do cầu thủ kém...
SLNA nổi tiếng cả nước với lò đào tạo trẻ chất lượng và những cầu thủ của họ thường xuyên góp mặt trong các lứa tuyển trẻ Quốc gia, sau này là ĐTQG. Đỉnh điểm của số lượng cầu thủ gốc Nghệ An góp mặt ở ĐTVN chính là ở đấu trường AFF 2016 dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng với 10 cầu thủ (chưa tính Công Phượng). Hãy tạm gác lại những thông tin trái chiều cho rằng HLV xứ Nghệ này đã quá ưu ái cho các học trò cũ mà hãy nhìn nhận rằng, các cầu thủ gốc SLNA ấy thuộc hàng “chất lượng cao” tại V-League.
Thế nhưng các cầu thủ chất lượng của quê hương Bác Hồ lại phải sắm vai “lính đánh thuê” vì ngân sách đội nhà không đủ để giữ chân họ. Công Vinh, Đình Luật, Âu Văn Hoàn, Trọng Hoàng đã phải đầu quân cho B.Bình Dương, sau này là Hoàng Thịnh, Đình Đồng đến với Thanh Hóa và Sầm Ngọc Đức thi đấu cho Hà Nội FC. Những cầu thủ giỏi ra đi để lại những khoảng trống bất tận khiến các thế hệ đàn em không đủ khả năng tiếp nối.
Giờ đây, đội chủ sân Vinh chỉ còn Nguyên Mạnh, Ngọc Hải, Văn Khánh, Phi Sơn và Tuấn Tài nhưng bấy nhiêu vẫn là chưa đủ để cạnh tranh cùng các đội bóng khác như Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh hay Sài Gòn tại V-League.
Để rồi một câu chuyện hoàn toàn khác đã diễn ra ở những trận đấu ở Cúp Quốc gia năm nay. Dù rằng các đội bóng không còn quá mặn mà với giải đấu “sân sau” này nhưng để đến với trận Chung kết, SLNA đã có một hành trình tuyệt vời. Họ giành chiến thắng trước cả 2 đội bóng đang làm mưa làm gió tại V-League là Hà Nội (ở vòng 1/8) và Quảng Nam (vòng Bán kết). Và chiến thắng với tổng tỷ số cách biệt 7-2 ở trước B.Bình Dương để đăng quang là một cái kết ngọt ngào cho những nỗ lực của SLNA.
... vì “anh hùng chưa gặp thời thế”
SLNA từng là một thế lực của bóng đá Việt Nam trong vòng 3 mùa giải từ 2009 đến 2011 với thành tích đáng nể (1 chức vô địch V-League 2011, 1 Cúp Quốc gia 2010, 1 Siêu Cúp 2011). Tất cả thành công này đều có sự chung tay của HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Từ sau khi xưng vương tại giải VĐQG, SLNA không còn là chính mình và nhìn Hà Nội T&T (sau này là CLB Hà Nội) cùng các đội bóng dưới trướng bầu Hiển thăng hoa. Với nguồn tài chính khiêm tốn, SLNA không thể giữ chân được các nhân tài cũng như chiêu mộ những ngoại bình chất lượng. Và cứ thế, từ V-League 2012 đến nay SLNA không thể tham gia vào cuộc đua huy chương mà đành hài lòng kết thúc mùa giải với những ví trị ở giữa BXH.
Đằng đẳng 6 năm sau giai đoạn huy hoàng đó SLNA mới có được 1 chiếc cúp để giải cơn khát danh hiệu cho NHM quê hương. Và đây có thể sẽ trở thành một động lực, cú hích tinh thần cho các cầu thủ cũng như những người làm bóng đá Nghệ An tiếp tục đầu tư, phát triển đội bóng đi lên trong thời gian tới. Tương lai của chàng “Ronaldo xứ Nghệ” Trần Phi Sơn có ra sao chăng nữa thì với nguồn cầu thủ trẻ tài tăng, nhiệt huyết, SLNA hoàn toàn có cơ sở để mơ về những thành quả cao hơn tại đấu trường V-League trong những năm sắp tới. Nhất là khi lứa U21 xứ Nghệ đang thi đấu rất khởi sắc tại giải U21 báo Thanh Niên đang diễn ra tại Bình Dương.
Bình Luận