1. Shin Tae-yong hiểu thầy Park
Đã quá hiểu nhau từ khi còn làm việc tại Hàn Quốc, HLV Shin Tae-yong cố gắng phong tỏa những miếng đánh sở trường của đoàn quân HLV Park Hang-seo. Thuyền trưởng U23 Indonesia áp dụng lối đá khá tương đồng với cách mà ông cho ĐTQG áp dụng tại vòng bảng AFF Cup 2020 - nơi Tim Garuda cầm chân ĐT Việt Nam 0-0.
Song song đó, U23 Việt Nam cũng vấp phải thử thách cam go khi nhiều cầu thủ trẻ bị căng cứng vì áp lực tâm lý. Ngoài những tuyển thủ đã có kinh nghiệm dạn dày, những Lê Văn Đô, Phan Tuấn Tài, Nguyễn Văn Tùng có phần bị khớp, chưa thể hiện được nhiều. Chính những yếu tố này khiến cho Những chiến binh sao vàng gặp khó trong thời gian hiệp 1.
2. Chém đinh chặt sắt
Indonesia chủ động phòng ngự sâu ở phần sân nhà và sẵn sàng đá rắn để hạn chế khả năng phối hợp của U23 Việt Nam. Marc Klok, Rachmat Irianto hay Saddil Ramdani liên tục vào bóng quyết liệt trên mức cần thiết và khiến trận đấu bị gãy vụn. Sang hiệp 2, lối đá này tiếp tục được duy trì và nó khiến cho trung vệ Phan Tuấn Tài bị đau và đỉnh điểm là trường hợp của Lý Công Hoàng Anh. Số 10 phải nhờ đến sự giúp đỡ của bộ phận y tế mới có thể rời sân.
3. Thầy Park phá thế gài
Như đã đề cập ở trên, HLV Shin Tae-yong muốn khắc chế U23 Việt Nam bằng phương án đã sử dụng tại AFF Cup 2020. Để rồi sang hiệp 2, HLV Park Hang-seo đã tạo ra những thay đổi về mặt nhân sự để phá thế gài của người đồng hương bên kia chiến tuyến.
Đầu tiên, ông đưa Nhâm Mạnh Dũng vào sân thay cho cầu thủ thi đấu có phần căng cứng là Nguyễn Văn Tùng. Tiếp theo, vị thuyền trưởng người Hàn cho 2 hậu vệ biên đổi vị trí cho nhau. Và đây chính là mấu chốt để khẳng định tài thao lược của thầy Park khi Văn Xuân và Văn Đô bắt đầu có những tình huống đi bóng bó vào trong nhiều hơn.
Để rồi bàn thắng phá vỡ thế bế tắc ghi dấu ấn của Văn Đô sau pha đi bóng táo bạo, Mạnh Dũng có tình huống băng xuống thông minh, nhận bóng và căng ngang cho Tiến Linh băng vào dứt điểm tung lưới đối phương.
4. Điểm cộng cho siêu dự bị
Nhâm Mạnh Dũng được tung vào sân trong hiệp 2 và để lại dấu ấn đậm nét trong 2 bàn thắng đầu tiên của U23 Việt Nam. Anh là người tung ra đường chuyền cho Tiến Linh mở điểm và là cầu thủ góp công không nhỏ trong pha bóng dẫn đến bàn thắng thứ 2 của Hùng Dũng. Ở đó, tiền đạo đang khoác áo Viettel có pha cài người thông minh, chuyền bóng cho "Dũng chip" trước khi số 16 phối hợp với Tiến Linh để tạo ra bàn thắng.
Có thể thấy Mạnh Dũng là mẫu tiền đạo làm tường lý tưởng mà các cấp độ ĐTQG Việt Nam đang rất cần. Anh có thể hình lý tưởng và tư duy chiến thuật sắc sảo.
5. Giá trị cựu binh
Trong trận đấu với Indonesia, cả 3 cầu thủ quá tuổi đều thi đấu ấn tượng. Tiến Linh có 1 bàn thắng và 1 kiến tạo. Anh thi đấu tích cực trên hàng công và tạo ra những khó khăn nhất định cho hàng thủ áo xanh.
Hùng Dũng vẫn miệt mài với vai trò điều tiết lối chơi cho đội tuyển. Cầu thủ sinh năm 1993 có mặt ở những điểm nóng trên sân và tạo dấu ấn riêng cho mình bằng bàn nhân đôi cách biệt lên 2-0.
Còn với Hoàng Đức, anh vẫn cho thấy sự lợi hại với những tình huống xử lý bằng chân trái khéo léo. Nhiều lần anh cũng phát động tấn công bằng những cú rót bóng vừa tầm, giúp các đồng đội khai thác khoảng trống phía sau hàng phòng ngự Indonesia. Số 14 cũng đặc biệt nguy hiểm ở những pha sút xa và thực hiện quả phạt cố định. Nhìn chung, tiền vệ của Viettel đã thi đấu tròn vai ở trận này.
Bình Luận