Asian Cup 2023 đang dần đi đến hồi kết khi chủ nhân của 2 tấm vé bước vào chơi ở trận chung kết đã được xác định là Qatar và Jordan. Dù đặt nhiều kỳ vọng nhưng đoàn quân HLV Philippe Troussier đã khiến NHM thất vọng khi bị loại sớm chỉ sau 2 trận đấu. Dẫu vậy, với những gì đã diễn ra, không chỉ trong các màn đọ sức của ĐT Việt Nam, Cúp Bóng đá châu Á lần này mang đến 4 bài học đầy đắt giá cho Những chiến binh Sao Vàng khi hướng đến mục tiêu vươn tầm vào thời gian tới.
1. Kiểm soát bóng nhiều chưa hẳn đã tốt
Lối chơi thực dụng, biết người biết ta, chú trọng sự an toàn cho hàng phòng ngự trước khi kết liễu đối thủ đã lên ngôi ở giải đấu năm nay. Jordan chỉ cầm bóng 30% để đánh bại Hàn Quốc 2-0, Qatar kiểm soát 41% bóng để khiến Iran ôm hận. Nhật Bản bị loại trước Iran dù sở hữu 73% thời lượng bóng trong chân hay Thái Lan giữ thành tích bất bại tại vòng bảng mà không để thủng lưới dù chỉ kiểm soát bóng lần lượt là 45%, 30% và 31% trước Kyrgyzstan, Oman hay Saudi Arabia. Đó là minh chứng rõ nhất cho tính kỷ luật trong lối chơi đã mang lại hiệu quả ở giải đấu lần này.
Tất nhiên, chúng ta không đánh giá cách chơi thực dụng hay lối đá kiểm soát bóng thì đâu là ưu việt hơn nhưng rõ ràng, với từng đội tuyển, họ cần xây dựng chiến thuật biết người, biết ta mà quan trọng là phù hợp với trình độ của mình và ĐT Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier chưa làm được điều đó. Có cảm giác, khi thi đấu đơn giản, ít kiểm soát bóng, đôi chân của Những chiến binh Sao Vàng lại trở nên thanh thoát hơn.
2. 'Ép chín sớm' gây phản tác dụng
Tại Asian Cup 2019, Jordan từng thất bại trước ĐT Việt Nam bằng đội hình có tới 8 cầu thủ đang chuẩn bị góp mặt ở trận chung kết năm nay. Lứa cầu thủ đang ở độ chín từ 25 đến 30 tuổi ngày nào của họ được tận dụng đáng kể và nó đã phát huy hiệu quả. Tương tự là trường hợp của Qatar với những nhân tố được đầu tư trọng điểm cho World Cup 2022 và tới giờ vẫn là trụ cột.
Khác với Jordan hay Qatar, ĐT Việt Nam lại cải cách gần như triệt để khi lứa cầu thủ từ 25 đến 30 phần lớn đều bị ngó lơ hoặc phải cày ải trên băng ghế dự bị. Tất nhiên, chấn thương chỉ là một phần lý do khi số phút thi đấu trên sân của các cầu thủ từ 19 -23 tuổi đang chiếm phần lớn trong các trận đấu dưới thời HLV Philippe Troussier. Việc 'ép chín sớm' khiến các sao mai có phần bị ngợp còn chúng ta bị lãng phí nhân tài khi các trụ cột trở thành kép phụ.
3. Bài toán thể lực
Asian Cup 2023 đã cho thấy các ĐT ở thời điểm hiện tại đang thi đấu với nhịp độ rất cao khi có nhiều màn đọ sức phải kéo dài gần 2 giờ thi đấu (tính luôn thời gian bù giờ). Rõ ràng, dù trước giải, ĐT Việt Nam đặt quyết tâm không chỉ đến để đá cho vui nhưng thực tế, với nền tảng thể lực kém, chúng ta dường như chỉ cưỡi ngựa xem hoa trước các đối thủ.
HLV Philippe Troussier từng nhiều lần than phiền về yếu tố thể lực của ĐT Việt Nam bởi nhiều cầu thủ chỉ có thể thi đấu trong khoảng 60-70 phút. Tuy vậy, chính lối chơi kiểm soát bóng có phần tiêu hao năng lượng của ông đã bào mòn sức của các học trò. Đây thật sự là bài toán khó giải để bóng đá của dải đất hình chữ S có thể vươn xa.
4. Tâm lý yếu và thói quen xấu
ĐT Việt Nam đã có những màn thể hiện đáng ghi nhận trước Nhật Bản và Iraq nhưng khi gặp đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Indonesia, Những chiến binh Sao Vàng lại quá căng thẳng. Sức ép tâm lý cùng với sự bất ngờ trước lối chơi của đối phương khiến đoàn quân HLV Philippe Troussier bị lạc nhịp trong lối chơi và thất bại tủi hổ.
Ba trận đấu, 3 lần chịu phạt đền và 2 tấm thẻ đỏ lại là minh chứng cho thói quen thi đấu quyết liệt, tiểu xảo và có phần vung tay quá trán đã là căn bệnh của các cầu thủ tại V-League. Rõ ràng, để vươn xa, ĐT Việt Nam không chỉ cần học hỏi, rút kinh nghiệm mà còn phải thay đổi nhiều điều trong thời gian tới.
Bình Luận