Mỗi trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan luôn khiến những người yêu bóng đá khu vực Đông Nam Á phấn khích. Không chỉ cổ động viên hay người hâm mộ hào hứng, mà các tuyển thủ quốc gia của hai đội, những người trực tiếp tham dự trận đấu, cũng cảm thấy sức ép và sự hào hứng.
Sự căng thẳng của cặp đấu Việt Nam - Thái Lan
Tôi đá chính trên hàng công Thái Lan trong cả hai trận đấu lượt đi và về với Việt Nam ở chung kết AFF Cup 2008. Bầu không khí trong phòng thay đồ của tuyển Thái Lan khá căng thẳng vào ngày diễn ra trận đấu.
Tất nhiên, nó cũng là sự căng thẳng theo nghĩa tích cực. Cả đội luôn cố gắng khích lệ bản thân và tập trung tối đa cho trận đấu với tuyển Việt Nam. Vào thời điểm đó, tuyển Việt Nam là đối thủ nguy hiểm nhất với Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á.
Tính cạnh tranh và căng thẳng trong mỗi cuộc đối đầu Việt Nam - Thái Lan luôn rất cao. Khó có thể so sánh mỗi giai đoạn hay giải đấu AFF Cup mà tôi từng tham gia cho tuyển Thái Lan.
Tuy nhiên, trận chung kết AFF Cup 2008 luôn là thất bại khiến tôi hối tiếc nhất trong sự nghiệp của mình. Tuyển Thái Lan chỉ thua Việt Nam bởi một cú đánh đầu ngược (của Lê Công Vinh ở phút cuối - PV). Thất bại theo cách như vậy luôn khiến bạn cảm thấy tiếc nuối.
Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà nhiều đồng đội khác trong đội tuyển cũng có cảm nhận tương tự (Winothai từng 4 lần vô địch SEA Games, nhưng chưa một lần lên ngôi ở AFF Cup - PV).
Năm 2008 là năm tôi đạt phong độ tốt, giành danh hiệu tiền đạo hay nhất Thai.League. Tuy nhiên, bóng đá là như vậy, sẽ luôn có những tiếc nuối và sự dang dở trong sự nghiệp của bạn.
HLV Polking có thể điều chỉnh lối chơi
Rất khó để so sánh giữa hai thế hệ tuyển Thái Lan của năm 2008 và 2020 này. Vào lúc này, tôi chỉ là một người hâm mộ đứng ngoài và cổ vũ "Voi chiến", nên mọi sự so sánh đều khập khiễng.
Nhiều cổ động viên và giới chuyên môn cho rằng HLV Mano Polking sẽ không thay đổi cách chơi của tuyển Thái Lan khi đối đầu Việt Nam. Họ muốn "Voi chiến" tiếp tục chơi tấn công phóng khoáng.
Triết lý bóng đá của HLV Mano Polking là mọi vị trí trên sân (ngoại trừ thủ môn - PV) đều có thể tham gia tấn công. Cả đội phải chủ động cầm bóng, 2 hậu vệ biên thường dâng cao.
HLV hiện tại của tuyển Thái Lan luôn khuyến khích các cầu thủ tự do chơi bóng ở phần sân đối thủ. Nhưng hãy thực tế, tuyển Thái Lan đến AFF Cup 2020 với mục tiêu lớn nhất là giành chức vô địch.
Để trở thành nhà vô địch, đội bóng không nhất thiết lúc nào cũng phải ghi thật nhiều bàn thắng. Chiến thắng cuối cùng là điều quan trọng nhất.
Theo quan điểm của tôi, HLV Polking có thể điều chỉnh lối chơi của tuyển Thái Lan ở bán kết. "Voi chiến" không chỉ đơn giản là lao lên tấn công và bộc lộ sơ hở cho Việt Nam khai thác.
Ông Polking có kinh nghiệm và khả năng của mình, vì thế tôi đặt niềm tin vào tài xoay sở và chiến thuật của HLV này khi đối đầu Việt Nam. Một điểm khác khiến tôi ấn tượng với tuyển Thái Lan lúc này là lối chơi tập thể.
Mọi cầu thủ trong đội hình ĐTQG Thái Lan hiện tại đều đóng vai trò quan trọng trong lối chơi. "Voi chiến" dường như không phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân nào.
Hai trận bán kết giữa Việt Nam và Thái Lan sắp tới nhiều khả năng không có nhiều bàn thắng, vì trình độ cân bằng của hai đội, cũng như tính chất quan trọng của trận đấu.
Đó sẽ là một cuộc chiến thật sự, và các cầu thủ phải dồn tất cả sức lực vào đó. Với tuyển Thái Lan, chỉ có chức vô địch AFF Cup 2020 mới khiến người hâm mộ và nền bóng đá nước nhà hài lòng. Không ai có thể nói trước điều gì cho đến khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên.
Teerathep Winothai từng được xem là thần đồng của bóng đá Thái Lan. Anh có thời gian thi đấu tại châu Âu. Cầu thủ sinh năm 1985 ra sân 52 trận và ghi 16 bàn thắng cho tuyển Thái Lan.
Teerathep từng ghi liền 3 bàn trong trận chung kết SEA Games 2005 để giúp người Thái đánh bại U23 Việt Nam với lứa cầu thủ tài năng của Văn Quyến, Công Vinh.
Bình Luận