Cơ hội nào cho tuyển Việt Nam đến World Cup 2026

Nếu không có sự đột phá về lực lượng và lối chơi trong 4 năm tới, tuyển Việt Nam khó nghĩ đến chuyện dự World Cup 2026.

World Cup 2026 mở cửa cho 48 đội và châu Á được nâng lên 8 suất chính thức, tuyển Việt Nam cũng phải phấn đấu cật lực mới mong tiếp cận nhóm có khả năng vượt qua các vòng loại khác nhau.

Điểm danh chướng ngại

Đối với thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo, vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 thực sự là kỳ tích. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn rành mạch ở vòng loại thứ 2, thực chất tuyển Việt Nam chỉ vượt qua được các đội Đông Nam Á.

Vòng loại thứ 2 World cup 2022 của chúng ta giống hệt một AFF Cup thu nhỏ, nơi chỉ có UAE là đội “khách mời”. UAE giành ngôi nhất bảng, đúng với đẳng cấp của họ. Chúng ta đi tiếp bằng suất nhì có thành tích tốt, bỏ lại sau lưng Thái Lan, Indonesia, Malaysia không đạt phong độ cao nhất vào thời điểm đó.

Chúng ta nhìn lại để thấy tuyển Việt Nam đã rất nỗ lực, xuất sắc để giành lấy chỗ đứng trong top 12 đội hàng đầu châu lục, nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta đủ tự tin ở cửa trên so với Uzbekistan, Kyrgyzstan hay Jordan - các đội văng ra khỏi vòng loại cuối cùng. Đối đầu với các nền bóng đá này ở mọi cấp độ, tuyển Việt Nam vẫn thua nhiều hơn thắng.

Ngay cả Thái Lan, chúng ta có thể đã thành công hơn họ trên những cung đường lớn, nhưng khi chạm trán trực tiếp ở "ao làng", họ vẫn là nỗi ám ảnh chưa tìm ra lời giải. Người Thái đánh bại đội quân của thầy Park tại AFF Cup gần nhất và theo logic, họ sẽ là đối thủ cực kỳ khó khăn trong giấc mơ World Cup của chúng ta.

 - Bóng Đá

 Tuyển Việt Nam cần quá trình dài để vươn tới World Cup. Ảnh: Reuters.

Nếu Thái Lan đã là vật cản đáng gờm, nguy cơ đến từ nhóm Oman, Syria, Qatar, Iraq, UAE, dĩ nhiên cả tuyển Trung Quốc, còn lớn hơn gấp bội. Tuyển Việt Nam cần học cách chơi sòng phẳng và vượt qua những cửa ải dạng này, thì mới mong chen chân vào 8 suất đi xa nhất.

Chúng ta không cần tính đến Saudi Arabia, Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, vì họ ở những nấc thang khác biệt. Nhưng hãy hình dung, 4 năm sau, UAE và Australia sẽ không cần đá play-off nữa, họ và nhóm 4 đội ở trên, gần như sẽ chiếm 6 suất vào thẳng ngày hội bóng đá thế giới.

Cuộc chơi thực tế sẽ chỉ còn 2 suất cho các đội khá, trung bình khá và tuyển Việt Nam, Thái Lan. Chúng ta hãy hình dung độ khó của bài toán tìm vé đến Bắc Mỹ vào năm 2026.

Điều gì sẽ đến 4 năm sau?

Tuyển Việt Nam chỉ giành được 4 điểm ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 (thấp nhất trong 12 đội tham dự), nhưng lực lượng trong tay thầy Park được đánh giá là đã đạt ngưỡng giới hạn của mình.

Cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam phân tích độ tuổi trung bình tuyển Việt Nam trong trận gặp Nhật Bản vừa qua xấp xỉ 26, nghĩa là khi chinh phục World Cup 2026, các trụ cột đều ở mức 29-30 trở lên.

Trên lý thuyết, đấy vẫn là độ tuổi còn đóng góp tốt ở các nền bóng đá tiên tiến. Nhưng với tố chất và “chân đế” bồi đắp thể lực của người Việt Nam, e rằng việc duy trì phong độ cao ở tuổi “băm” rất khó.

Làm phép cộng thô sơ, chúng ta sẽ thấy sau đây 4 năm, những người có nguy cơ cao phải giã từ đội tuyển là Bùi Tấn Trường (40 tuổi), Trần Nguyên Mạnh (34), Đặng Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Đỗ Hùng Dũng (đều 32 tuổi). Ngay cả Nguyễn Công Phượng cũng sẽ 31 tuổi, mà cùng với Phượng, lứa cầu thủ HAGL bị coi là rất khó phát triển thêm nữa ở tầm quốc tế bởi thể lực và hiệu quả chơi bóng hạn chế.

Đến thời điểm đó, gánh vác đội bóng sẽ là nhiệm vụ của Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Thành Chung, Hồ Tấn Tài, Nguyễn Hoàng Đức, Phạm Tuấn Hải hay Nguyễn Thanh Bình - Bùi Hoàng Việt Anh, cặp trung vệ U23 vừa có lần đầu chơi cùng nhau trên tuyển. Và đương nhiên, chúng ta trông đợi các gương mặt trẻ hôm nay mới 20-21 tuổi cũng sẽ phải lớn lên.

 - Bóng Đá

 Quang Hải sẽ rơi vào độ chín sự nghiệp vài 3-4 năm tới. Ảnh: Việt Linh.

Lúc này, chúng ta chưa đủ thời gian để đánh giá tiềm năng của lứa U23, U21 kế cận. SEA Games 31 sẽ chỉ ra những dáng dấp đầu tiên về tương lai gần của tuyển Việt Nam. Nhưng theo các chuyên gia, sẽ rất khó để đội ngũ đàn em này đạt đến trình độ của thế hệ vàng từng kinh qua World Cup U20 hay vòng chung kết U23 châu Á và làm rường cột đội tuyển ngay từ khi còn măng sữa.

Thế mà ngay cả những con người được coi là “tinh túy” ấy cũng đang có dấu hiệu chững lại hoặc tụt lùi. Thủ môn Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh mất vị trí ngay ở CLB, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng, Phan Văn Đức loay hoay với các chấn thương, Đoàn Văn Hậu - niềm hy vọng lớn nhất vươn khỏi tầm khu vực - chưa biết bao giờ mới tìm lại được cảm giác thi đấu.

Quang Hải xuất ngoại là đánh cược với sự nghiệp của mình. Nếu thành công, anh sẽ mang về cú bứt phá cho bản thân và đội tuyển cũng thơm lây. Nhưng nếu thất bại như những người đi trước, liệu chúng ta có còn một Hải “con” đầy nhuệ khí của hiện thời?

Trong khi ấy, nguồn “ngoại lực” cũng chưa có nhiều tiến triển, ngoại trừ việc thủ thành Filip Nguyễn có thể sẽ đầu quân cho CLB Bình Định vào nửa sau V.League. Đó là bước đệm cần thiết nếu Filip Nguyễn thực sự muốn khoác áo tuyển Việt Nam. Nhưng sau anh, chúng ta chưa thấy động tĩnh gì khả quan thêm nữa.

Nếu vẫn chỉ trông vào “nội lực”, câu chuyện World Cup 2026 có lẽ là bất khả thi với tuyển Việt Nam. Dù thầy Park có còn ngồi ghế lái trong 4 năm tới hay không, người thuyền trưởng nào cũng thật khó xoay xở nếu trong tay không có đủ quân chất lượng.

Và khi ấy, mục tiêu thiết thực đối với chúng ta vẫn chỉ nên là phấn đấu lại có mặt ở vòng loại cuối cùng. Tái lập được thành tích này cũng là điều phi thường với những con người hiện tại, để đến lúc đó, chúng ta lại tiếp tục nói cùng nhau câu chuyện 4 năm.

Theo Quốc Bảo - Zing.vn | 19:00 01/04/2022
    Bình Luận