Rõ ràng việc Nguyễn Công Phượng và Đoàn Văn Hậu sang đạp cỏ tại Bỉ và Hà Lan đã để lại nhiều điều đáng suy ngẫm cho HAGL, Hà Nội FC và bóng đá Việt Nam.
Xuất ngoại cầu thủ Việt Nam sang châu Âu có phải là nhiệm vụ bất khả thi? Đầu tiên có thể khẳng định chiến lược này không hề đơn giản, bởi cả Nguyễn Công Phượng lẫn Văn Hậu đều chỉ là hợp đồng cho mượn. Với Văn Hậu kèm theo điều khoản kích hoạt chuyển nhượng nếu hậu vệ Hà Nội FC thể hiện được khả năng chuyên môn cao. Nhưng để biến điều khoản trên giấy thành hiện thực vẫn còn một chặng đường dài đầy thử thách phía trước dù Văn Hậu hội đủ những tiềm năng có thể trụ lại giải VĐQG Hà Lan.
Khó khăn là có thật nhưng HAGL và Hà Nội FC đã thành công trong việc mang cầu thủ Việt Nam sang thử sức trời Âu. Hai thương vụ này là chỉ dấu minh chứng, nếu muốn chúng ta có thể xuất khẩu những tuyển thủ đẳng cấp made in Vietnam sang lục địa già.

Văn Hậu có tiềm năng đá chính trong màu áo Heerenveen.
Hai thương vụ Nguyễn Công Phượng và Đoàn Văn Hậu còn cho thấy một điều về sự cạnh tranh cùng tiến bộ của bóng đá Việt Nam. Bầu Đức và HAGL “gọi” bằng hợp đồng của Công Phượng sang Sint Truiden, bầu Hiển và Hà Nội FC “đáp lời” với vụ chuyển nhượng Đoàn Văn Hậu đến Heerenveen.
Bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều sự ganh đua tích cực này để mang các tuyển thủ thiện chiến đến những giải bóng đá hàng đầu thế giới học hỏi, nâng cao khả năng chuyên môn. Điều này hoàn toàn có lợi cho đội tuyển Việt Nam vì cầu thủ được thi đấu, cọ xát ở những giải đấu hàng đầu thế giới và qua đó tiến bộ về đẳng cấp.
Chuyển nhượng cầu thủ có giá trị cao, thu lợi nhuận tái đầu tư cho công tác đào tạo trẻ, phát triển câu lạc bộ…là điều kiện căn bản của bóng đá chuyên nghiệp. Việt Nam dù rất chậm nhưng may mắn là cuối cùng cũng bắt kịp sự phát triển tất yếu này. Có thể nói Công Phượng, Văn Hậu chưa phải là những cái tên cuối cùng sang châu Âu.

Công Phượng sang Sint Truiden kích thích làn sóng xuất ngoại cầu thủ Việt Nam.
Dù có cơ hội vươn mình vụt lớn thành “Phù Đổng” nhưng bóng đá Việt Nam vẫn còn mắc cạn tại “vùng trũng” Đông Nam Á. Vì sao lại nói vậy? Thay vì dốc toàn lực cho các tuyển thủ trụ lại, phát triển và nâng tầm đẳng cấp tại trời Âu, các ông bầu, VFF vẫn không quên kèm theo điều kiện trở về đá SEA Games – giải đấu vắt kiệt sức cầu thủ với mật độ thi đấu 7 trận trong 13 ngày.
SEA Games là giải đấu nằm ngoài hệ thống thi đấu của FIFA, câu lạc bộ không có trách nhiệm trả cầu thủ về phục vụ cho đội tuyển U22 quốc gia. Mà châu Á kém nhất trong số các liên đoàn thành viên của FIFA. Đông Nam Á lại là vùng trũng, chậm tiến nhất của khu vực châu Á. Chúng ta chấp nhận hy sinh cơ hội phát triển của cầu thủ tại châu Âu chỉ để thỏa mãn hư danh lên ngôi vô địch ở giải đấu ao làng.
Bình Luận