U23 Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo từng gây tiếng vang khi vào đến trận chung kết U23 châu Á 2018 và chỉ chịu thua sát nút trước nhà vô địch Uzbekistan. Lứa cầu thủ đó đã trở thành trụ cột của các đội tuyển Quốc gia đem về không ít thành tích đáng nhớ cho bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên thời gian gần đây có thể dễ dàng nhận thấy nhiều trụ cột U23 Việt Nam năm đó đã sa sút dù vẫn còn đang trong độ tuổi được xem là đỉnh cao sự nghiệp. Chia sẻ về vấn đề này, cựu trợ lý huấn luyện viên Park Hang-seo, ông Bae Ji-won cho rằng đây chỉ là câu chuyện thông thường trong bóng đá.
"Thực ra tôi thấy vấn đề này khá bình thường và xuất hiện không chỉ riêng Việt Nam, Hàn Quốc hay các nước Đông Nam Á khác cũng thế thôi," HLV Bae Ji-won nói trong cuộc phỏng vấn với báo Dân Trí. "Đó là quá trình vận động của bóng đá. Nhiều cầu thủ được triệu tập vào tuyển U19, U21 rồi U23 nhưng không bao giờ lọt vào ĐTQG."
"Ngược lại, cũng có những cầu thủ chưa bao giờ được triệu tập vào các đội trẻ lại thành công ở ĐTQG. Điều đó có nghĩa mỗi cầu thủ có thời điểm "phát tiết" khác nhau. Có cầu thủ tỏa sáng từ khi còn rất trẻ, nhưng cũng có cầu thủ bước vào sự nghiệp thi đấu mới dần tích lũy kinh nghiệm hay nói cách khác là trưởng thành muộn."
Cựu HLV Viettel cho rằng một cầu thủ thành danh không có nghĩa anh ta nên mặc định nhận suất đá chính ở đội tuyển Quốc gia.
"Chỉ dựa vào tên tuổi và kinh nghiệm cũng không đảm bảo được 100% cơ hội khoác áo ĐTQG," vị cựu trợ lý HLV Park Hang-seo nói tiếp. "Ý nghĩa ở đây là đừng nên chờ đợi hay kỳ vọng cầu thủ nào đó được triệu tập chỉ vì tên tuổi và kinh nghiệm, họ phải nỗ lực hết sức để duy trì khả năng. Nếu tuyển thủ U23 nào đó không được triệu tập, họ nên bình tâm để nhìn lại chính mình.
Tại Hàn Quốc, nếu cầu thủ không đảm bảo chế độ tập luyện và thi đấu khắc nghiệt của K-League thì đừng mong được khoác áo ĐTQG. Cuộc cạnh tranh lên tuyển luôn khốc liệt. Để được triệu tập cần sự tận tâm trong công việc, đạo đức tốt, sự hòa đồng, bản lĩnh và đẳng cấp thi đấu."
Bình Luận