Người đại diện là gì?
Thực tế thì cách dùng từ “Người đại diện” (Agent) đã không còn hợp lý vào thời điểm hiện tại, bởi FIFA và các Liên đoàn bóng đá đã quyết định gọi người làm công tác môi giới cầu thủ này với cái tên mới “Người trung gian” (Intermediary).
Theo văn bản chính thức của FIFA thì “Người trung gian được lựa chọn tự nhiên, hoặc được ủy quyền hợp pháp với một khoản phí, hoặc miễn phí để đại diện cho cầu thủ và/hoặc câu lạc bộ trong các cuộc đàm phán nhằm kết thúc hợp đồng, hoặc đại diện cho các câu lạc bộ trong các cuộc đàm phán để kết thúc một thỏa thuận chuyển nhượng”.
Dễ thấy rằng, ngay cả trong khái niệm mà liên đoàn bóng đá thế giới ban hành thì quyền hạn của một người đại diện cũng không được nêu rõ ràng. FIFA chỉ đề cập tới một khía cạnh rất nhỏ của nghề mà gần như CĐV bóng đá nào cũng biết là đàm phán hợp đồng với một bên nào đó. Các hoạt động xung quanh cầu thủ không được đề cập đến. Vậy người trung gian hay người đại diện có thể làm gì cho cầu thủ?
Rất khó để liệt kê hết toàn bộ những hành động mà một người đại diện có thể làm cho một (hay nhiều) cầu thủ.
“Về cơ bản, chúng tôi chịu trách nhiệm đề ra kế hoạch dài hạn cho các cầu thủ. Chẳng có một cầu thủ 21 tuổi nào có khả năng đặt ra kế hoạch cho cuộc đời mình, vì thế công việc của chúng tôi là đảm bảo sự nghiệp của các cậu nhóc đó đi đúng hướng, để khi cầu thủ đó kết thúc sự nghiệp của mình, cậu ta có thể nhìn lại và tự hào về những gì mình đã làm được,” Clifford Bloxham – phó Chủ tịch của Octagon, công ty nắm quyền đại diện cho khá nhiều cầu thủ tại Premier League trả lời cách đây vài năm.
Người đại diện quyết định tương lai cầu thủ
Zlatan Ibrahimovic trước và sau khi có Mino Raiola làm người đại diện là hai cầu thủ hoàn toàn khác nhau. Trước Raiola, Ibra có người đại diện là Andres Carlsson. Trong cuốn tự truyện của mình, Carlsson được Ibra mô tả là một người giật mình khi ngồi trên chiếc xe ô tô vượt đèn đỏ.
Ibra khi ấy đang chơi bóng tại Ajax và Carlsson có đề xuất là tiền đạo này nên sang Southampton chơi bóng. Ibra từ chối và đổi người đại diện sang Raiola cũng là người đại diện của Maxwell, đồng đội và là bạn thân của Ibra tại Ajax. Một thời gian ngắn sau khi đổi người đại diện, Ibra tới Juventus. Phần còn lại của sự nghiệp tiền đạo người Thụy Điển có lẽ không cần nhắc lại.
Người đại diện có thể tiếp xúc với một cầu thủ vào thời điểm nào? Câu trả lời là bất kỳ khi nào mà họ thấy là hợp lý. Moise Kean của Juventus đang cho Hellas Verona mượn đã có người đại diện là Mino Raiola từ năm 17 tuổi. Thậm chí đến thời điểm hiện tại, Kean vẫn chưa tròn 18 tuổi, và chưa có quyền ký vào bất kỳ hợp đồng chuyên nghiệp nào.
Với quyền lợi của một người đại diện, Raiola có thể thay mặt Kean đàm phán hợp đồng với bất kỳ bên thứ ba nào mà không cần phải hỏi ý kiến của câu lạc bộ chủ quản Juventus. Đó là điều đang diễn ra với tiền đạo sinh năm 2000.
Trong mùa Hè 2017, Raiola còn từng gây sức ép buộc Juve phải chọn việc đưa Kean lên đội một, trao cơ hội cho tiền đạo này, hoặc để anh tới một câu lạc bộ tại Hà Lan thi đấu. Nỗ lực này đã giúp Kean tới Verona, câu lạc bộ cũng đang chơi tại Serie A. Anh được ra sân khá đều đặn ở mùa giải này và đã có 3 bàn thắng.
Trong trường hợp của Kean, người đại diện đã quyết định tương lai của một cầu thủ chứ không đơn thuần là đàm phán hợp đồng.
Có thể thấy, trong bối cảnh Kean, một cậu bé 17 tuổi không biết cần phải làm gì với sự nghiệp đang lên của mình thì Raiola đã đứng ra giải quyết tất cả, và mang về cho anh một tương lai khá xán lạn tính tới lúc này. Người đại diện trong trường hợp này, đã quyết định tương lai của một cầu thủ chứ không đơn thuần là đàm phán hợp đồng.
Cha mẹ cũng là người đại diện
Nêu ra trường hợp của Ibra và Kean để thấy một người đại diện có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp của một cầu thủ như thế nào. Dĩ nhiên không phải người đại diện nào cũng là Raiola, và không phải cầu thủ nào cũng là Ibra hay Kean. Có một thế giới rộng lớn ngoài kia về người đại diện.
Người đại diện có thể là những ai? Câu trả lời là ngoài “người ngoài”, người đại diện có thể là chính người thân ruột thịt hoặc thành viên trong gia đình của cầu thủ. Neymar có người đại diện là bố. Mauro Icardi có người đại diện là cô vợ Wanda Icardi.
Có hàng triệu cầu thủ trẻ “tốt nghiệp” lò đào tạo trẻ mỗi năm trên toàn thế giới và sẵn sàng làm cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng năng lực của họ không cho phép họ tìm một bến đỗ mới, thậm chí không đủ để thu hút một người đại diện riêng. Nếu vẫn muốn tiếp tục gắn bó với bóng đá, vậy họ phải làm gì?
Nhóm này có thể tìm đến những công ty môi giới cầu thủ được cấp phép của FIFA. Những công ty này sẽ đàm phán với các câu lạc bộ trên khắp thế giới để thu nạp họ với tùy mục đích.
Tại các quốc gia ở đất nước thứ ba như Việt Nam, câu chuyện này không hề lạ. Những tay “cò” sẽ mang các cầu thủ từ khắp nơi trên thế giới đến sân cỏ Việt Nam, đưa họ ra sân tập và đá thử để những đại diện của câu lạc bộ tới “chấm.” Nếu đạt yêu cầu, cầu thủ sẽ trải qua giai đoạn thử việc. Nếu thành công trong giai đoạn thử việc, chào mừng anh tới với câu lạc bộ mới. Bằng không, những tay cò sẽ lại phải mang cầu thủ của mình tới những nơi khác và làm lại từ đầu.
Kịch bản những chuyên gia săn đầu người ăn mặc kín đáo trên khán đài xem một trận đấu và chấm điểm cầu thủ ở dưới sân chỉ diễn ra tại các quốc gia phát triển với hình thức mua bán cầu thủ văn minh. Tại những đất nước đang phát triển, câu chuyện được diễn ra dưới hình thái rất khác như đã được kể trên.
Có cầu thủ nào không cần người đại diện không? Câu trả lời là có. Paul Scholes là một ví dụ điển hình, giống như người đàn anh Eric Cantona trước đây. Sớm xác định cả sự nghiệp chỉ gắn bó với Manchester United, Paul Scholes không cần người đại diện và gật đầu với mọi điều khoản hợp đồng mà Quỷ đỏ đưa ra trong suốt sự nghiệp.
Hình ảnh là món hàng giá trị
Giá trị thương mại của một cầu thủ đang dần trở thành một tiêu chí quan trọng trong những cuộc ngã giá hợp đồng giữa cầu thủ và câu lạc bộ trong nhiều năm trở lại đây. Một cầu thủ có thể có giá trị thương mại lớn đến thế nào? Hãy bắt đầu với một trong những người xuất sắc nhất, David Beckham.
Thống kê vào năm 2013, khi Beckham giải nghệ nói rằng trong suốt 20 năm thi đấu chuyên nghiệp, số tiền bán áo đấu của Beckham đã tạo ra lợi nhuận lên đến… 1 tỷ USD. Cũng vào năm 2013 đó, Beckham - 38 tuổi, chỉ chơi bóng tại Champions League 2/6 mùa trước đó là cầu thủ kiếm nhiều tiền nhất thế giới, vượt mặt Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi với 50 triệu USD thu về từ tiền lương và các loại hợp đồng quảng cáo cũng như kinh doanh.
Năm 2003, cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha đã phải sửa lại điều khoản thuế ngay sau khi Real Madrid mua Becks vì lo ngại tiền vệ người Anh sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Tây Ban Nha vì sức mạnh thương mại quá lớn của mình.
Năm 2003, cơ quan thuế vụ Tây Ban Nha đã phải sửa lại điều khoản thuế ngay sau khi Real Madrid mua Becks vì lo ngại tiền vệ người Anh sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Tây Ban Nha vì sức mạnh thương mại quá lớn của mình.
Real ngày đó không có quyền sở hữu 100% bản quyền hình ảnh của Becks, song nhà tài trợ áo đấu của Real ngày đó Siemens Mobile (có nguồn gốc từ Đức) vẫn đặt ra yêu cầu với Real mỗi năm phải mua một cầu thủ người Anh để đảm bảo ảnh hưởng về mặt thương mại tại xứ sở Sương Mù (Real đã làm thật, năm 2004 họ chiêu mộ Michael Owen, năm 2005 chiêu mộ Jonathan Woodgate).
Bản quyền hình ảnh có thể tới từ đâu? Hình ảnh, tên, biệt danh, cách ăn mừng, chữ ký v,v... là những thứ thuộc phạm trù bản quyền hình ảnh. Cầu thủ có quyền sở hữu riêng cho mình bản quyền hình ảnh của chính mình, hoặc chia sẻ với câu lạc bộ chủ quản trong một giao kèo nào đó được sự đồng thuận từ cả hai phía.
Cristiano Ronaldo sở hữu riêng cho mình một chuỗi cửa hàng bán giày với tên thương hiệu là CR7 đã được đăng ký sở hữu bản quyền. Nếu sau này có một cầu thủ tên là Chris Reynolds cũng khoác áo số 7 và muốn mở chuỗi cửa hàng kinh doanh quần áo với tên thương hiệu là CR7 thì Ronaldo có quyền khởi kiện Reynolds vì vi phạm bản quyền.
Ronaldo không chia sẻ bản quyền hình ảnh với câu lạc bộ chủ quản Real Madrid. Vì vậy, Real không nhận được lợi nhuận nào từ các hợp đồng quảng cáo của Ronaldo, và cũng không có quyền ngăn cản Ronaldo thực hiện hợp đồng quảng cáo với bất kỳ bên thứ ba nào.
Cristiano Ronaldo sở hữu riêng cho mình một chuỗi cửa hàng bán giày với tên thương hiệu là CR7 đã được đăng ký sở hữu bản quyền.
Vào năm 2015, CR7 đã chia sẻ quyền sử dụng hình ảnh của mình cho công ty Mint Media thuộc quyền sở hữu của tỷ phú người Singapore, Peter Lim. Tháng 6/2016, tạp chí uy tín Forbes dẫn nguồn của Hookit, một website chuyên thống kê thu nhập của những vận động viên thể thao hàng đầu, cho hay Ronaldo tạo ra lợi nhuận 36 triệu bảng cho Nike thông qua 59 bài đăng trong suốt 12 tháng trước đó.
Trong cùng khoảng thời gian này, Ronaldo đã tạo ra lợi nhuận là 176 triệu bảng cho tất cả những công ty ký hợp đồng quảng cáo với anh, chỉ bằng các hoạt động trên mạng xã hội. Tháng 7/2017 là thời gian ghi nhận một bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội Instagram của Ronaldo có giá 310 nghìn bảng.
Công ty chủ quản hình ảnh của Ronaldo có đưa báo giá cho siêu sao người Bồ Đào Nha hay không? Câu trả lời là không. Để có được con số 310 nghìn bảng/bài đăng kể trên, một tổ chức có tên Hopper đã dày công nghiên cứu độc lập dựa trên những số liệu từ Instagram và của chính họ.
Năm 2013, Neymar chuyển tới Barcelona từ Santos. Barca khi đó gài vào điều khoản được sử dụng một phần bản quyền hình ảnh của Neymar. Giá trị thương mại của tiền đạo người Brazil ngày đó được xếp hạng A+, anh kém xa hai ngôi sao đình đám Cristiano Ronaldo và Lionel Messi (đều được xếp hạng AA+), và dĩ nhiên cả David Beckham. Trong 4 năm khoác áo Barca, Neymar phải chia sẻ tiền bản quyền hình ảnh của mình với Barca.
Năm 2017, Neymar chuyển từ Barcelona sang PSG trong giao kèo biến anh trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới (222 triệu euro). Ông bố cũng là người đại diện của Neymar, đã không còn để cho câu lạc bộ chủ quản (PSG) can thiệp vào bản quyền hình ảnh của con trai mình nữa. Giờ đây Neymar có toàn quyền khai thác hình ảnh cá nhân. Tất cả lợi nhuận trong hợp đồng quảng cáo của Neymar sẽ thuộc về chỉ mình anh. Nếu PSG muốn khai thác hình ảnh của Neymar, họ phải đàm phán với luật sư của anh.
Các câu lạc bộ có “thích” việc một cầu thủ của mình tách riêng hợp đồng lao động với quyền khai thác bản quyền hình ảnh không? Trong những ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2018, Napoli đã từ chối ký hợp đồng Davy Klaassen từ Everton bất chấp việc mọi điều khoản cá nhân giữa cầu thủ với câu lạc bộ, lẫn giao kèo giữa hai câu lạc bộ đều đã được chấp thuận. Lý do phía Napoli đưa ra là họ không chấp nhận việc Klaassen có một công ty khai thác hình ảnh riêng.
Tổ chức, hoặc sở hữu công ty khai thác hình ảnh riêng thì có lợi gì với cầu thủ? Tại Anh, những cầu thủ bị đánh thuế 45% cho thu nhập. Nếu có một công ty khai thác hình ảnh riêng, tiền thuế là 20% (có thể giảm xuống 15% trong tương lai).
Tại Anh, những cầu thủ bị đánh thuế 45% cho thu nhập. Nếu có một công ty khai thác hình ảnh riêng, tiền thuế là 20% (có thể giảm xuống 15% trong tương lai).
Lấy ví dụ đơn giản: Nếu cầu thủ A có mức thu nhập là 5 triệu bảng/năm, A không có công ty khai thác hình ảnh. Vậy số tiền A thực lĩnh sau thuế là 2.750.000 bảng. Nếu cầu thủ B nhận lương 4 triệu bảng/năm ở CLB, cùng 1 triệu bảng tiền khai thác hình ảnh từ công ty riêng của mình (thu nhập trước thuế vẫn là 5 triệu bảng). Số tiền thực lĩnh của B sẽ là 4 triệu x 55% + 1 triệu x 80% = 3 triệu bảng, nhiều hơn 250 nghìn bảng so với khi không có công ty khai thác hình ảnh.
Thoạt nghe thì đây giống như một hành vi trốn thuế, song việc sở hữu công ty riêng khai thác hình ảnh đã được hợp pháp hóa tại Anh cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Nếu cầu thủ ký hợp đồng khai thác hình ảnh với câu lạc bộ, điều gì sẽ xảy ra? Neymar đã phải trả một lần lợi nhuận cho Barca, Beckham trong quá khứ cũng làm điều tương tự với Real Madrid. Vậy điều gì sẽ xảy ra với những câu lạc bộ có quy mô không quá lớn, nơi mà các hợp đồng quảng cáo sẽ giúp họ có thêm lợi nhuận để duy trì đội bóng?
FC Bury, một câu lạc bộ tại League One (tương đương giải hạng Nhì Anh) ra giá 500 bảng + thuế cho hoạt động quảng cáo như in hình tên/logo công ty lên áo cầu thủ nhất định trong trận đấu, trên website câu lạc bộ và cả biển quảng cáo trong sân vận động khi cầu thủ được chọn được thay vào sân (hoặc rút ra sân)... Quyền lợi mà bên B sẽ có được khi hợp tác với FC Bury sẽ là có được sự chú ý của ít nhất 100 nghìn người, bao gồm cả những doanh nghiệp, trong một mùa giải kéo dài 9 tháng.
Barnet FC, một câu lạc bộ tại giải hạng Ba của Anh có những lựa chọn phong phú hơn cho các nhà tài trợ khi có 3 gói lần lượt có giá 300 bảng, 250 bảng và 150 bảng cho các hoạt động quảng cáo. Tùy từng loại sẽ có các quyền lợi khác nhau về chuyện đặt tên nhà tài trợ trên áo đấu sân nhà cũng như sân khách.
Tại những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc gắn tên nhà tài trợ vào tên của câu lạc bộ nhằm mục đích quảng bá thương hiệu là điều được ghi nhận trong nhiều năm qua. Một số cái tên nổi tiếng là Hà Nội T&T, Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An hay FLC Thanh Hóa.
Không phải cầu thủ nào cũng là Ronaldo, Beckham hay Neymar. Không phải câu lạc bộ nào cũng là Real hay Barcelona. Trong nền bóng đá vẫn còn đang “chập chững” lên chuyên nghiệp này, còn rất nhiều khúc mắc mà phải mất thời gian dài nữa những người làm bóng đá mới “vỡ” ra. Và một vụ kiện tụng (nếu có), há chẳng phải là cơ hội tốt để tạo tiền lệ giúp con tàu chuyên nghiệp đi vào đúng quỹ đạo của thế giới?
Các kỹ năng cần thiết phải có của 1 người đại diện cầu thủ
- Có Mối quan hệ: Trong hoạt động kinh doanh này, kết nối là rất quan trọng. Họ giúp bạn tiếp cận nhiều cầu thủ và câu lạc bộ làm cho công việc của bạn như một người đại diện dễ dàng hơn nhiều.
- Có Kiến thức pháp luật: Đã là một đại diện cần có nhiều kiến thức về luật: luật về hợp đồng lao động,…. Thông thường người đại diện sẽ luôn có bằng luật sư hoặc một số chứng chỉ về luật ở nhiều nước khác nhau.
- Có Kiến thức kinh doanh: Một phần khác của công việc người đại diện sẽ thương lượng vì vậy kiến thức kinh doanh cũng rất quan trọng.
- Kiến thức bóng đá: Dĩ nhiên người đại diện sẽ phải là người am hiểu về bóng đá và làm thế nào để phát hiện tài năng để mình đứng ra đại điện. Họ đại diện cho nhiều cầu thủ tốt thì họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
- Kỹ năng xã hội: Đã là người đại diện nhiệm vụ của họ không chỉ quan tâm đến đàm phán hợp đồng. Họ còn kiêm luôn đảm nhiệm vai trò PR của cầu thủ. Người đại diện phải có trách nhiệm đưa ra thời khuyên tốt nhất cho cầu thủ của mình.
Cầu thủ cần lưu ý khi kiếm người đại diện cho mình
Quy tắc 1: Phải kiếm tra coi họ xem họ có được chứng nhận của FIFA hay không, các cầu thủ có thể tìm kiếm xem thông qua danh sách ở đây (http://www.fifa.com/aboutfifa/organisation/footballgovernance/playeragents/list.html), dĩ nhiên bạn có thể chọn người đại diện cho mình là cha mẹ, vợ, hoặc là luật sự cũng được
Quy tắc 2: Phải viết một hợp đồng người đại điện bằng văn bản chứ không phải bằng miệng nói chuyện như những người anh em.
Quy tắc 3: Hợp đồng đại diện tối đa chỉ 2-3 năm, và trong đó quy định ai là người sẽ trả tiền cho người đại diện, thường là các cầu thủ, trong trường hợp khác nếu cầu thủ là trẻ vị thành niên thì phải là người giám hộ hợp pháp của họ chịu trách nhiệm việc này.
Quy tắc 4: Bạn có thể ký hợp đồng đại diện cho mình độc quyền hoặc không độc quyền nếu độc quyền thì cầu thủ chỉ 1 người đại diện duy nhất để đàm phán, còn không độc quyền thì cầu thủ có nhiều hơn một thông thường thì cầu thủ đó có nhiều đại diện ở nhiều quốc gia khác nhau.
Quy tắc 5: Phí cho đại diện thông thường sẽ là bao nhiêu phần trăm cho tổng số lượng thực mà bạn sẽ nhận từ câu lạc bộ bao gồm khoảng chữ ký lót tay , nên nhớ không bao gồm tiền thưởng, tiền thưởng sẽ không được bao gồm trong hợp đồng đại diện thông thường số phần trăm sẽ dao động từ 3-10%.
Bình Luận