Hai trận liên tiếp, HAGL phải rời sân với tỷ số hòa không bàn thắng dù đối thủ chỉ là Nam Định hay Hà Tĩnh. Đó là điều chỉ diễn ra đúng một lần sau 12 vòng mùa trước. Điều đáng nói là HAGL vẫn ra sân với đội hình mạnh nhất, vẫn có Kiatisuk Senamuang trên băng ghế huấn luyện. Họ là đội hiếm hoi ổn định cả nhóm nội, ngoại binh, các tuyển thủ vừa có cảm hứng từ chiến thắng Trung Quốc, triết lý đội bóng được duy trì xuyên suốt. Vậy mà họ vẫn không giành nổi 1 chiến thắng, thậm chí không ghi nổi một bàn.
Hai trận của HAGL đều đã diễn ra theo cùng một kịch bản thiếu chất lượng chuyên môn. Chúng nhạt nhòa từ thế trận tới con người, thiếu điểm nhấn và đương nhiên chẳng thể hấp dẫn người hâm mộ.
Những sự thể hiện của HAGL sau 2 vòng là điển hình cho bức tranh V.League kém hấp dẫn mùa này.
V.League kém hấp dẫn
Sau 10 trận, giải đấu đã 3 lần phải chứng kiến kết quả hòa không bàn, 3 trận khác kết thúc với chỉ một lần lập công. 10 trận đã qua, V.League chỉ có 15 bàn, trung bình 1,5 bàn mỗi trận. Đây là thống kê đáng báo động nếu biết mùa trước, giải đấu có trung bình 3,14 bàn/trận. Nếu coi bàn thắng là thông số định lượng rõ ràng, dễ nhận biết nhất để đánh giá thì V.League 2022 hiện đã mất đi một nửa hấp dẫn so với mùa trước.
Hai vòng đã qua, tình huống đáng chú ý nhất của giải đấu chỉ là pha bẻ còi của trọng tài tại Lạch Tray. V.League thiếu những bàn thắng đẹp, không có những ngôi sao tỏa sáng và chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện tình hình trước vòng 3 khi HAGL phải gặp SLNA cứng cựa ở sân Vinh, CLB Viettel mới đá một trận còn đội Hà Nội sẽ tiếp tục nghỉ thi đấu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Điều gì đã khiến V.League vốn khá kịch tính ở mùa 2021 trở nên sa sút đến vậy trong năm 2022?
Chia sẻ trong nhiều phòng họp báo, các HLV đều đồng quan điểm cho rằng quãng nghỉ quá dài của hệ thống giải quốc nội đã gây ảnh hưởng lớn tới chuyên môn. Tính từ lúc V.League mùa trước dừng lại vào tháng 5/2021, gần một năm đã qua. Thời gian nghỉ quá dài cộng thêm giai đoạn chuẩn bị mùa giải bị cắt đôi bởi Tết Nguyên Đán đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới phong độ cầu thủ. Họ sẽ cần 3 tới 5 vòng để “nóng máy” trở lại. Nhưng khi vừa kịp làm nóng, V.League sẽ tiếp tục dừng lại nhường chỗ cho nhiệm vụ của tuyển quốc gia và U23.
Lần dừng lại này cũng rất dài với gần 4 tháng.
Sự gián đoạn ấy là tin không vui cho một V.League còn chưa kịp hồi sinh trở lại. Nếu giải đấu cứ kém hấp dẫn, cứ gián đoạn liên tục như vậy, VPF sẽ bán tài trợ bằng cách nào? Họ sẽ phát triển, sẽ thu hút nhãn hàng, sẽ kiếm thêm tiền ra sao. Còn nhớ năm ngoái, VPF đã lo lắng thế nào khi V.League buộc phải dừng lại. Lãnh đạo VPF từng chia sẻ họ đã phải “rất khó khăn và may mắn” khi vẫn có thể kiếm được nhà tài trợ cho mùa 2022. Vấn đề là VPF sẽ gồng mình lên được tới bao giờ nếu V.League liên tục bị gián đoạn như thế này?
V.League cần được bảo vệ
Nguyên nhân quan trọng khiến V.League liên tục bị gián đoạn đến từ lịch hoạt động của các đội tuyển quốc gia và U23.
Mâu thuẫn về thời gian giữa hai hệ thống này đã tồn tại trong nhiều năm qua và ngày càng lớn hơn khi tuyển Việt Nam và U23 ngày càng có nhiều giải đấu quốc tế. Cộng thêm áp lực từ dịch bệnh, việc sắp xếp lịch thi đấu đang trở thành bài toán nan giải của những nhà quản lý bóng đá.
Năm ngoái, khi V.League bị dừng lại, đã có tranh luận gay gắt từ phía các CLB về việc có hay không nên tiếp tục giải đấu. Nhiều đội bóng tin rằng việc hủy giải sẽ tạo ra hàng loạt vấn đề cho các CLB. Họ kiến nghị rút ngắn thời gian tập trung tuyển, tạo điều kiện cho V.League tiếp tục và kết thúc giải bằng mọi giá.
Đương nhiên, ý kiến ấy không thành hiện thực nên giải đấu năm ngoái bị hủy bỏ. Năm nay, V.League tiếp tục gặp khó khi chuẩn bị bước vào gần 4 tháng nghỉ.
Thực tế đó cho thấy cần một giải pháp hợp lý hơn, hài hòa được cả quyền lợi đôi bên, vừa đảm bảo sức mạnh cho tuyển Việt Nam, vừa duy trì được sự phát triển của V.League. Đây là hai gương mặt trên cùng một thân thể, là hai phần không thể tách rời, tương hỗ cho nhau của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển là sự thể hiện đỉnh cao nhưng V.League mới là nền móng vững chắc. Và nó cần được bảo vệ.
Bóng đá Việt Nam mất quá nhiều thời gian cho các đội tuyển vì hai nhẽ: số lần tập trung quá nhiều và thời gian tập trung quá dài.
Lấy năm 2022 làm ví dụ, V.League nghỉ 4 lần cho các sự kiện cấp U23 gồm giải Đông Nam Á, SEA Games, U23 châu Á và Asian Games. Nhìn sang người hàng xóm Thái Lan, Thai League 1 vẫn đá bình thường. Chuyện thời gian tập trung cũng tương tự khi tuyển Việt Nam cần tới gần 3 tuần trước AFF Cup trong khi nhà vô địch sau đấy là Thái Lan chỉ có chưa đầy 7 ngày.
Đã đến lúc, V.League phải được đặt ở một vị trí cao hơn trong các nấc thang ưu tiên của bóng đá Việt Nam, chí ít là cao hơn các giải khu vực. Danh hiệu U23 Đông Nam Á vừa qua đã giúp bóng đá Việt Nam hoàn tất bộ sưu tập ở sân chơi khu vực. Chúng ta không còn thiếu danh hiệu nào ở Đông Nam Á và lẽ ra phải dành sự quan tâm nhiều hơn cho mặt trận châu Á giống như cách người hàng xóm Thái Lan đã làm.
VFF, VPF cần tính lại xem khi nào thì nên dừng V.League, khi nào thì giải đấu cần tiếp tục. Các giải quốc nội hoàn toàn có thể diễn ra song song với những trận của U23, thậm chí của tuyển quốc gia. Các CLB cũng nên được trao nhiều quyền lực hơn trong việc trả người về đội tuyển, thậm chí có thể hướng tới việc chỉ đồng ý trả cầu thủ trong các đợt FIFA Day, điều mà các đội châu Á và thế giới đã làm từ lâu.
Những trận vòng loại World Cup vừa qua đã phần nào cho thấy giới hạn của tuyển Việt Nam ở châu Á. Muốn tiếp tục tiến bước, chúng ta phải tiếp tục vun cao gốc rễ ở giải quốc nội. Sự phát triển của giải quốc nội mới là con đường đúng đắn lâu dài, là chân lý đã được chứng minh ở mọi nền bóng đá.
Bóng đá Việt Nam không phải và không thể là ngoại lệ.
Bình Luận