Nói về bản sắc của một HLV chỉ sau 2 trận dẫn dắt tuyển quốc gia có phải quá sớm không? Không hề bởi đội tuyển Việt Nam đêm 27/03 chỉ là phiên bản mở rộng của U23 quốc gia. Những gì tuyển Việt Nam thể hiện trước Jordan nhắc ta nhớ rằng đó vẫn là tập thể đã vào tới chung kết giải U23 châu Á, vẫn là lối chơi đã khiến Iraq, Qatar phải chiến bại.
Định hình bản sắc bằng hệ thống 3-4-3
Khi ra mắt tuyển Việt Nam hồi tháng 11 năm ngoái, ông Park từng nói mình có quá ít thời gian để tìm hiểu nên sẽ duy trì chiến thuật và con người của HLV Mai Đức Chung. Nhưng sau gần nửa năm, thầy Park dường như đã đủ thời gian để xây dựng tuyển Việt Nam của riêng mình.
Hạt nhân của tuyển Việt Nam mới vẫn là hệ thống 3-4-3 (hay biến thể 5-4-1), lấy 3 trung vệ làm trọng tâm. Hệ thống ấy cho phép tuyển Việt Nam sao chép những tinh túy của U23 quốc gia. Đó là lối chơi phòng ngự có chiều sâu, là nền tảng thể lực sung mãn, là sức chống trả đáng kinh ngạc trước các đối thủ mạnh.
Sân King Abdullah II đêm 27/3, đội tuyển của ông Park không hề co cụm. Họ dám cầm bóng, dám phối hợp, dám chơi sòng phẳng trước đội chủ nhà hùng mạnh. Các cầu thủ tạo ra nhiều cơ hội và đã ghi bàn vào lưới Jordan như từng làm được trước Hàn Quốc, Australia.
Quan trọng hơn, ông Park đã truyền được sự tự tin của U23 Việt Nam vào trái tim tuyển Việt Nam. Đội tuyển của thầy Park không chơi áp đặt theo phong cách Hữu Thắng nhưng vẫn tạo ra nhiều cơ hội, họ là cửa dưới nhưng không mang tới cảm giác yếm thế. Nhìn họ thi đấu, ta có niềm tin rằng họ đủ khả năng chiến thắng.
Phòng ngự vẫn là đặc sản
Bê nguyên hệ thống chiến thuật của U23 sang tuyển quốc gia, HLV Park Hang-seo cũng đem theo đặc sản phòng ngự từng giúp Xuân Trường, Công Phượng vào tới chung kết giải U23 châu Á.
Nếu cú sút xa của Abu Amarah không quá xuất sắc, tuyển Việt Nam sẽ rời Amman với 0 bàn thua. Hai trận dưới thời Park Hang-seo, trước Afghanistan và Jordan, đội tuyển Việt Nam chỉ thủng lưới đúng 1 lần. Thành tích ấy giúp Việt Nam trở thành một trong những hàng thủ mạnh nhất vòng loại thứ ba Asian Cup (thua 3 bàn/6 trận).
Thống kê ấy càng đáng tự hào hơn nếu ta biết rằng tuyển Việt Nam đã không có thủ môn tốt nhất (Đặng Văn Lâm) ở cả 2 trận gần đây. Hàng thủ áo đỏ cũng trẻ hóa triệt để trong trận gặp Jordan, các cầu thủ phải di chuyển hơn 16 tiếng và chỉ có vẻn vẹn 2 ngày tập luyện, làm quen với khí hậu Trung Đông.
Với đội tuyển Việt Nam, bài toán phòng ngự cũng là câu chuyện sống còn trước thềm AFF Cup. Bởi cả 2 lần gần nhất vào bán kết, đội tuyển đều bị loại bởi hàng thủ. Đội bóng của HLV Toshiya Miura thua 5 bàn trước Malaysia trong khi đoàn quân của Hữu Thắng thủng lưới 4 lần bởi Indonesia.
Nếu ông Park thay đổi được điều đó, hy vọng của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 sẽ là rất rõ ràng.
Kết thúc một thập kỷ bỏ quên Anh Đức
Bàn thắng vào lưới Jordan là pha lập công thứ hai của Anh Đức sau 3 trận gần nhất khoác áo tuyển Việt Nam. Sau rất nhiều lùm xùm, Anh Đức có vẻ đã tìm được chỗ đứng cho mình ở tuyển Việt Nam.
Đội trưởng của Bình Dương nhận lời trở lại tuyển Việt Nam dưới thời HLV Mai Đức Chung hồi tháng 10/2017. Khi ông Park tiếp quản đội tuyển, Anh Đức tiếp tục được tin dùng. Ông triệu tập Anh Đức, trao suất đá chính cho cầu thủ này và nhận lại những bàn thắng. Tỷ lệ 0,6 bàn/trận cùng khả năng chơi đầu và làm tường của Anh Đức chính là điều tuyển Việt Nam luôn tìm kiếm.
Sau cả thập kỷ đứng dưới bóng Công Vinh, Anh Đức cuối cùng đã thành số một. Tiền đạo sinh năm 1985 chính là một trong những chân sút hàng đầu V.League nhiều năm qua, chủ nhân Quả bóng vàng 2015, đương kim Vua phá lưới V-League mùa trước. Lãng phí một chân sút cỡ ấy thực sự là đáng trách.
Dù vậy, 90 phút trước Jordan mới là trận thứ hai của HLV Park Hang-seo cùng tuyển Việt Nam. Đội bóng chưa trải qua đợt tập trung dài hạn nào, ông Park cũng chưa có đủ những con bài tốt nhất trong tay. Hình hài mới của tuyển Việt Nam vẫn sẽ là món quà thú vị mà ông Park muốn dành cho người hâm mộ trong tương lai.
Bình Luận