Ông Park rốt cuộc đã thắng chung cuộc 2-0, duy trì thành tích bất bại trước ông Shin và coi như chấm dứt cuộc đấu khẩu tốn nhiều giấy mực của Đông Nam Á. Nhưng đấy chỉ là một góc nhìn dựa trên chiến quả, dù là góc nhìn quan trọng nhất nhưng vẫn chưa đủ kết luận ai giỏi hơn ai.
Triết lý và cách tiếp cận
Về cơ bản, triết lý cầm quân của ông Park và ông Shin khá giống nhau. Họ đều là những thuyền trưởng thận trọng, dựa vào sự chắc chắn ở cầu môn nhà và mong chờ bùng nổ ở cầu môn đối thủ.
Cả hai cùng rất mạnh khi chơi phòng ngự phản công. Nếu làm một cuộc so tài trên bình diện Đông Nam Á, ông Park đạt được nhiều thành tựu hơn ông Shin. Tuyển Việt Nam đã từng đi đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022, từng thắng Trung Quốc, hoà Nhật Bản ở sân chơi đó. Và trên hành trình chạm đến vòng loại cuối cùng này, ông Park đã một lần đánh bại ông Shin.
Cũng vì thất bại đó, mối quan hệ giữa ông Shin và ông Park chuyển biến theo hướng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Từ chỗ là những người rất yêu quý và kính trọng nhau, họ ngầm “định dạng” nhau là những đối thủ không đội trời chung trong khu vực.
Ông Park bên cạnh tài liệu cơm gắp mắm còn có những tinh quái không lẫn vào đâu được ở nghệ thuật “khích tướng”. Cách ông dùng ngôn ngữ lời nói và cơ thể đôi khi truyền đi những thông điệp khiến đối thủ mất thăng bằng và không còn tỉnh táo. Ông đã thắng nhiều ván bài quan trọng bằng “tiểu xảo”, mà danh sách bại tướng rất dài: Guus Hiddink, Sven Goran Eriksson, Akira Nishino, Bert Van Marwijk…
Ông Shin càng khao khát chứng tỏ đẳng cấp của mình, một HLV từng thắng Đức ở World Cup 2018, càng sa lầy trong cuộc đấu tay đôi với Park Hang-seo. Bỏ qua các yếu tố chuyên môn, chỉ tính riêng màn đấu khẩu, ông Park đã ở thế thượng phong. Ông có cơ sở là các trận thắng, còn với đối thủ Shin, mọi nỗ lực đều chỉ là bào chữa và thách thức.
Một sai lầm nữa của ông Shin là không thể tiết chế được sự cay cú, ăn thua của các học trò mỗi lần chạm trán Việt Nam. Dù ở cấp độ đội tuyển hay U23, Indonesia cứ gặp Việt Nam (và dường như chỉ gặp Việt Nam) là đá bằng cái đầu bốc hoả. Nó dẫn đến những kịch bản lặp đi lặp lại: Indonesia ra sức phá nát trận đấu, còn Việt Nam liên tiếp ghi bàn.
Lần duy nhất Indonesia giữ được sự lạnh lùng để chơi bóng theo đúng nghĩa là lượt đi bán kết AFF Cup 2022. Đấy là trận đấu họ thực sự đá hay, trên tài chúng ta, nhưng lại không giải quyết được khâu dứt điểm.
Chất lượng dàn cầu thủ
Yếu tố thắng bại của một HLV còn phụ thuộc rất nhiều, nếu không muốn nói là quyết định, vào chất lượng dàn cầu thủ mà ông ta có. Bởi đấy mới là lực lượng thực thi những ý đồ, những toan tính của ông ta.
Ở khía cạnh này, HLV Park Hang-seo đang có những lợi thế rõ rệt so với đối thủ Shin Tae-yong. Các tuyển thủ Việt Nam hầu hết là những người đã làm việc với ông Park từ 4 đến 5 năm, đã định hình về chất lượng và phong cách thi đấu trong đầu ông Park. Họ cũng đã theo ông Park chinh chiến nhiều giải đấu, mà đỉnh cao là vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Dù thất bại ở đấu trường khốc liệt đó, ông Park đã mang về cho các học trò những tích luỹ, những năng lượng mà có thể chính họ cũng không biết là mình có. Đấy là gì, nếu không phải là đẳng cấp?
Đẳng cấp đã giúp tuyển Việt Nam không nhất thiết phải chơi hay, chơi áp đảo trước Indonesia nhưng vẫn thắng chung cuộc. Chúng ta đã trải qua cả trận lượt đi bị đối thủ lấn lướt, khung thành nhiều lần chao đảo, nhưng rồi vẫn “sống sót” trở về Mỹ Đình với vẹn nguyên lợi thế. Ngay trong trận lượt về, thầy trò ông Park cũng cầm bóng ít hơn (47% - 53%), vậy mà vẫn đá thật thảnh thơi nhờ 2 bàn của Tiến Linh.
Hơn 2 năm làm việc ở Indonesia của thầy Shin thì lại khác. Ông không phải lúc nào cũng được tạo cơ hội để có một lực lượng xuyên suốt và thấu hiểu. Indonesia ngay tại AFF Cup 2022 cũng đang trong quá trình trẻ hoá, kết hợp thêm một số nhân tố nhập tịch như Jordi Amat, Marc Klok… Shin Tae-yong đã phải cân nhắc rất nhiều cho mỗi phương án chiến thuật.
Dưới tay ông Shin, đội bóng xứ Vạn đảo chơi ngày càng đa dạng hơn, các mảng miếng tấn công cũng sắc sảo hơn. Nhưng khả năng tận dụng cơ hội của họ là cả một vấn đề. Tiền đạo Indonesia bỏ lỡ những bàn thắng mười mươi trước Campuchia, Brunei, nhưng điểm nhấn mấu chốt là không thắng nổi Thái Lan khi đã dẫn trước trong thế hơn người.
Đấy là một cú vấp tai hại, bởi nó khiến Indonesia phải đụng Việt Nam ở bán kết. Ngay cả khi đã dồn ép Việt Nam, họ cũng không thể ghi bàn trong những pha đối mặt để tạo ra ưu thế. Ông Shin cũng có những nỗi khổ tâm của riêng ông, khi nhìn các học trò bất lực trong việc xuyên thủng mành lưới của Văn Lâm dù đã ở rất, rất gần.
Một chút non nớt và vụng về của các chân sút Indonesia đã khiến họ trả giá bằng cả một giải đấu, và chiếc ghế của ông Shin dường như không còn vững chãi. Nhưng nếu LĐBĐ Indonesia kiên nhẫn hơn với ông Shin, họ có thể sẽ một đội bóng còn tiến bộ nữa trong tương lai gần, và khi ấy, thực sự là một đối trọng khó khăn cho Việt Nam hậu Park Hang-seo.
Bình Luận